You are here

Xòe và âm nhạc Xòe Thái

Tác giả: 
Đặng Hoành Loan

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu về loại hình xòe của người thái ở ba không gian trình diễn, trong đó theo tác giả, không gian xòe trong diễn xướng then là không gian trình diễn gốc, ra đời sớm nhất và có quy mô nghệ thuật chuyên nghiệp nhất. Từ đó, tác giả đã tập trung vào giới thiệu về các điệu múa trong diễn xướng then và một phần âm nhạc của nó, bên cạnh việc đề cập đến các loại xòe trong không gian sinh hoạt cộng đồng và không gian thưởng thức nghệ thuật của giới quý tộc thái xưa. Tác giả cho rằng, xòe then sẽ là cái gốc để khôi phục và phát triển xòe thái trong đời sống hiện đại. Muốn tìm hiểu Xòe và âm nhạc Xòe Thái, trước hết phải tìm hiểu không gian trình diễn Xòe Thái gốc và không gian trình diễn Xòe Thái phái sinh. Theo nghiên cứu của chúng tôi, Xòe Thái có ba không gian trình diễn chính với ba quy mô nghệ thuật và nội dung nghệ thuật khác nhau. Trong ba không gian ấy, không gian trình diễn ra đời sớm nhất, có quy mô nghệ thuật chuyên nghiệp nhất, gốc nhất là không gian Xòe trong diễn xướng Then.

Giống với tất cả các hình thái tín ngưỡng dân gian, các ông bà Then là những người có chữ, có kiến thức xã hội, có nghề nghiệp truyền đời và có nhiều sáng tạo nghệ thuật: ca, đàn, văn học, múa nhảy. Đặc biệt, họ được cộng đồng tôn trọng và cộng đồng coi họ là “kho tàng tri thức” cộng đồng. Ốm đau ư, hỏi Then; cãi nhau, tranh giành đất đai ư, hỏi Then; hiếm muộn con cái ư, hỏi Then; làm nhà, cưới vợ gả chồng ư, hỏi Then; tổ chức vui chơi cộng đồng như thế nào, hỏi Then v.v... và v.v…, Then giúp, sẽ chỉ dẫn cho họ.

Cái uy tín ấy có được là nhờ một quá trình thực hành tín ngưỡng của giới các ông bà Then trong đời sống xã hội. Mỗi đêm Then, mỗi lần làm Then là một lần các ông bà Then truyền đạt kiến thức xã hội, mà đặc biệt là truyền đạt các hình thức nghệ thuật diễn xướng của họ tới cộng đồng. Kho kiến thức đó bao gồm lời thơ, đàn hát, trang phục, múa nhảy và các đồ dùng vật dụng trong hành lễ như trang trí, mâm cúng, đèn hương…

Để thuyết phục được cộng đồng, lôi kéo cộng đồng tin theo tín ngưỡng của mình, giới các ông bà Then đã có một quá trình hoàn chỉnh nghệ thuật, hoàn chỉnh tổ chức nghệ thuật trình diễn ở đỉnh cao của nghệ thuật dân gian từ rất sớm. Trong đó người nghệ sĩ chính là các ông bà Then, các nghệ sĩ hỗ trợ là nhóm các nghệ sĩ múa và đệm nhạc cho múa.

Mỗi ông bà Then, luôn có một nhóm các nghệ sĩ múa, nhạc hỗ trợ bên mình. Đứng đầu nhóm múa là Mẻ đa. Mẻ đa là thầy dạy múa và là người chỉ đạo nghệ thuật múa trong quá trình diễn xướng của ông bà Then. Mẻ đa luôn phải tuyển chọn, phải tổ chức truyền dạy cho các bé gái ở tuổi từ 12 đến 13, để đến đôi ba năm sau các em sẽ là những nghệ sĩ thế chỗ cho những nghệ sĩ múa lớn tuổi đã đi lấy chồng.

Mỗi nhóm nghệ sĩ múa thường quan hệ gắn bó với một thầy Then. Khi thầy Then làm lễ nhóm nghệ sĩ múa hóa thân trở thành những âm binh để hành trình cùng thầy Then đi tới các mường tìm hồn vía trả về thân xác tín chủ. Trên đường hành binh của thầy Then, đội quân múa là các Sao chạu, Sao chay sẽ múa diễn tả những trường đoạn Then như trường đoạn múa Mời rượu quan khách nhà trời, múa Phát đường cho quang đãng để đoàn quân Then mang lễ vật lên đường, múa Chèo thuyền vượt biển, múa Dâng lễ vật, múa Chầu trước cửa thánh thần, múa Tiễn quan tướng về trời và múa Vun đắp cây mệnh thêm tươi tốt. Các nghệ sĩ trong các đội múa Then thường quen gọi các điệu múa theo tên động tác hoặc theo tên trường đoạn Then, như: Nả lăng (quay ra đằng trước, đằng sau) Tang txả, Nhụm hơ (dậm đẩy thuyền), Ca ớk (đưa khăn lên ngang ngực), Khóa hô (vung khăn quá đầu), Tủm xoong tơ, Quát bó héo (quét hoa tàn). Tóm lại múa trong nghi lễ Then là hình thức múa thiêng, múa diễn tả những cảnh ở mường Trời mà không phải múa ở đời thường. Đạo cụ múa trong nghi lễ Then thường là những dải lụa dài màu xanh lá cây màu hồng nhạt và màu đỏ hoặc màu vàng, màu tím vắt ngang vai, hai tay cầm hai đầu dải lụa. Các dải lụa màu tượng trưng cho 7 sắc cầu vồng và 7 sắc cầu vồng là tượng trưng cho mường Trời, người mường Trời. Ngoài ra, đạo cụ còn những chiếc quạt thiêng dùng để biểu hiện các tiên nữ mường Then.

Khi múa các Sao chạu, Sao chay lúc sử dụng dải lụa, khi sử dụng quạt để biểu diễn nhiều động tác, sắp xếp nhiều đội hình khác nhau để diễn tả mái chèo khi chèo thuyền, diễn tả công việc chặt cây phát đường, diễn tả chiếc võng ru hồn và diễn tả cảnh ngàn hoa chào đón khách v,v… tất cả là các dải lụa và quạt thiêng.

Múa đón khách (Ảnh: Đặng Hoành Loan)

Múa ru hồn vía lang thang trên mường Trời (Ảnh: Đặng Hoành Loan)

Nhạc đệm cho múa trong nghi lễ Then là tính tảu:

Tính tảu (Ảnh: Đặng Hoành Loan)

Tính là đàn, Tảu là quả bầu, tính tảu là đàn có thùng vang làm bằng quả bầu nậm khô. Cần đàn không có phím, dài bằng chín nắm tay chồng nhau (tức khoảng trên dưới 60 cm), đàn mắc hai dây, các dây cách nhau quãng 5. Khi chơi người ta dùng ngón tay trỏ khảy vào hai dây đàn. 

Báo khá, là tên gọi nghệ sĩ chơi tính tảu. Các nghệ sĩ chơi tính tảu trong Then thường là những nghệ sĩ gắn bó thân tình và lâu dài với thầy Then, có thể nói họ là cánh tay phải của thầy Then. Thầy làm Then ở đâu là có mặt họ ở đó. Họ đàn giỏi, thuộc và biết ngọn ngành nhiều bản nhạc múa trong Then. Họ hòa đàn cùng thầy Then, họ là linh hồn của múa Then. Họ chính là những nghệ sĩ tài ba chơi tính tảu và cũng là thầy dạy tính tảu trong cộng đồng.

Các Báo khá thuộc tất cả các trường đoạn hát Then có trình diễn múa. Do vậy thầy Then hát đến đoạn nào là họ biết phải chơi bản đàn ở đoạn Then ấy để các Sao chạu bắt vào điệu múa Then. Ví dụ điệu Mời lảu (mời rượu) điệu Đoóng tạng (mở đường), Chao hơ (chèo thuyền) và Khua luống Mướng Phạ v,v... Dưới đây là trường đoạn âm nhạc hát múa Then “Khua luống mướng Phạ” (Sân chơi lớn trên mường trời), điệu múa đi dâng lễ xin hồn của các Sao chay trong lễ Then Cầu con.

Nội dung lời ca:

Tìm hồn nơi sân chơi lớn ”Mánh ngoạng”

Tìm hồn nơi sân chơi to

Trai gái tụ tập

Báo khỏa ơi, gái Then ơi

Ta luồn lách đi qua

Ta dâng lễ lên trời xin lấy hồn con yêu

Ta đưa lễ lên thiên xin lấy hồn con quý, hồn út ơi hồn con ơi ! ! [1]

Sau lễ chính Kin Pang Then, các nghệ sĩ múa Then còn cùng với trai gái bản múa vui quanh cây Pang. Khi ấy người ta thêm trống, thêm chiêng chơi tiết tấu nhịp tư rất rạo rực đệm cho các điệu: Phá pét, Mổ vi, Mổ cúp, Mổ tó cáy, Mổ phá xí. Đó là những điệu Xòe hân hoan mừng lễ Kin Pang thành công, dân làng hạnh phúc.

Tính hấp dẫn của nghệ thuật Xòe và nhạc tính tảu trong Then, dần dà được cộng đồng “nhấc” nó khỏi không gian thiêng, “cắm” nó vào các cuộc vui trong sinh hoạt cộng đồng. Đấy là không gian Xòe có trong tín ngưỡng, đã phái sinh vào sinh hoạt đời sống thường ngày. Theo chúng tôi, điệu múa được phái sinh, được cộng đồng ứng dụng sớm nhất đó là điệu Xòe vòng quanh cây Pang trong lễ Kin Pang Then.

Điệu Xòe vòng gần gũi với sinh hoạt cộng đồng, vui vẻ, dễ múa, không hạn chế người tham gia vòng Xòe, lại có thêm âm sắc của trống cái và chiêng đồng làm cho điệu Xòe thêm náo nức. Lâu dần Xòe vòng đã trở thành tập tục nghệ thuật trong đời sống người Thái, nó có mặt trong hầu hết các ngày hội của cộng đồng. Xòe vòng đã trở thành nghệ thuật biểu tượng, là nghệ thuật thước đo tình cảm, sự gắn bó của cá nhân với cộng đồng. “Cho nên, khi nói đến những kẻ mất gốc, quên nòi, người ta thường dùng câu: “Nó quên mất Xòe rồi”, hoặc nặng hơn: “Nó mất Xòe rồi” [2].

Âm nhạc Xòe vòng không gò bó, thường có tiết tấu nhịp 4/4 tốc độ vừa phải, đều đặn, kết hợp với tiết tấu trống chiêng điểm theo tiết tấu của nhạc cụ [3].

Ví dụ Một giai điệu nhạc chơi trong Xòe vòng.

Nhạc cụ chơi trong Xòe vòng mở rộng hơn nhạc cụ chơi trong lễ Then. Ngoài tính tảu có thể thêm khèn bè, pí và hát Khắp. Tùy không khí Xòe và số lượng người tham gia các vòng Xòe, khi không khí đẩy lên cao người ta vừa chuốc rượu vừa hát Khắp, vừa Xòe.

Xòe vòng là không gian trình diễn Xòe thứ hai, không gian chơi Xòe cộng đồng, có cội nguồn từ Then.

Khi xã hội Thái hình thành tầng lớp quý tộc giàu có, các quan Chi châu, Chi phủ đã tận dụng nghệ thuật Xòe trong Then, tổ chức thành các đội Xòe nghệ thuật để trình diễn trong những nghi lễ ngoại giao. Nhiều đội Xòe có tính nghệ thuật cao được ra đời từ đấy. Tương truyền, người biến Xòe Then thành Xòe nghệ thuật là nghệ sĩ Điêu Chính Ngâu. Ngoài ra, người ta còn biết đến những đội Xòe của Đèo Văn Ân ở Phong Thổ và đội Xòe của Đèo Văn Long ở Mường Lay. Đó là những đội Xòe có tính nghệ thuật chuyên nghiệp rất cao.

Xòe nghệ thuật, có những nguyên tắc múa đã được quy chuẩn, các nghệ sĩ múa được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản. Những đội Xòe “quý tộc” này được trình diễn trong một không gian riêng, môi trường riêng. Chương trình biểu diễn của họ có nhiều điệu, mỗi điệu sử dụng một hoặc hai đạo cụ như Xòe nón (đạo cụ là nón), Xòe chai (đạo cụ là chai), Xòe ma hính (đạo cụ là chùm xóc nhạc), Xòe khăn (đạo cụ là khăn có thêu họa tiết, hoa văn Thái) v,v...

Sau giải phóng Tây Bắc, các đội Xòe chuyên nghiệp không còn, các nghệ sĩ Xòe tản về các địa phương và xây dựng các đội Xòe địa phương theo cách nghĩ, cách biến tấu của mình. Theo chúng tôi, đây là nguyên nhân làm nở rộ nhiều phong cách Xòe, nhiều điệu Xòe mang đặc tính địa phương, như Xòe Long teo, Xòe nón Mường Lay, Xòe nón Phong Thổ, Xòe hái bông Điện Biên. Và còn rất nhiều những dị bản Xòe được nghệ sĩ các vùng tiếp thu và phong cách hóa theo cảm quan nghệ thuật của nghệ sĩ ở các vùng miền khác nhau. Xòe trở nên đa dạng là nhờ vậy.

Cho đến nay, nghệ thuật Xòe Thái chỉ còn lại hai không gian trình diễn chính đó là không gian diễn xướng Then và không gian Xòe trong sinh hoạt đời sống cộng đồng. Các hình thức Xòe nghệ thuật trước đây đang được cộng đồng bảo lưu theo nhiều hình thức khác nhau như: Nhà Văn hóa hoặc các câu lạc bộ và trong chương trình của các đoàn nghệ thuật, tuy nhiên nó không được trình diễn nhiều như Xòe trong Then, Xòe trong vui chơi cộng đồng.

Xòe là hồn cốt, là nghệ thuật đỉnh cao, là nghệ thuật đời sống của người Thái. Xét về mặt sinh hoạt, Xòe vẫn đang tồn tại trong đời sống người Thái như mặt trời, như không khí. Các ông bà Then vẫn có những Mẻ đa làm công việc bảo mẫu nuôi dưỡng, dạy dỗ tạo ra các đội Xòe Then. Và những đội Xòe Then, những nghệ sĩ Xòe Then của Mẻ đa là hạt nhân nuôi dưỡng và bảo tồn cái gốc của Xòe Thái. Cái gốc của Xòe Thái còn, thì Xòe Thái còn có cơ sở để vực dậy, để phát triển Xòe Thái trong đời sống người Thái hiện đại. Nói tóm lại, còn cái gốc là Xòe Then để đối chiếu để sáng tạo, thì Xòe Thái không bao giờ mất và không bao giờ bị biến dạng.

Trích nguồn Thông báo khoa học tiếng việt số 59

Chú thích:

1. Đặng Hoành Loan – Phạm Minh Hương – Nguyễn Thủy Tiên: Hát Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam, Viện Âm nhạc – Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2018, tr.444
2. Quàng Văn Kín: Việt Nam Hương Sắc số 35/1996
3. Cũng có tác giả ghi nhạc Xòe vòng theo nhịp 2/2, nhưng theo quan sát của chúng tôi một nhịp 2/4 chưa hoàn tất một nhịp múa.

(Nguồn: https://www.vienamnhac.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.