You are here

Trả lại tên cho... ông

Tác giả: 
Lê Hải Đăng

Bộ phim “Em và Trịnh” trình chiếu thời gian gần đây đã gây được tiếng vang trong lòng khán giả. Điều đáng nói là nó đã lấy một tiêu đề khá phù hợp với thị hiếu đại chúng. Chẳng biết ai là người đầu tiên đã sử dụng họ thay cho tên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rồi thông qua truyền thông tạo nên một thói quen mới trong cách xưng hô, từ Trịnh Công Sơn trở thành Trịnh, rồi nhạc Trịnh Công Sơn gọi là nhạc Trịnh, tín đồ nhạc Trịnh, Trịnh ca… Tất nhiên, đối với một tác phẩm điện ảnh, tiêu đề thuộc về phương diện sáng tạo của tác giả bộ phim. Còn đối với danh xưng của nhạc sĩ, thiết nghĩ nên tôn trọng quyền tác giả, trong đó có quyền định danh trước tác phẩm của mình.

Ngược dòng thời gian trở về trước thời điểm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ giã “cõi tạm”, trong đời sống thường nhật, người ta quen gọi ông bằng tên, kể cả người thân, người tình, bạn bè, đồng nghiệp… cộng với đại từ nhân xưng, như: Sơn, anh Sơn... Quan trọng hơn, gắn với tác phẩm âm nhạc của ông là một danh xưng gồm đầy đủ cả họ, tên và đệm: Trịnh Công Sơn. Đây là một căn cứ quan trọng để định danh tác giả. Cách làm này vừa thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả, vừa phản ánh đúng ngữ cảnh văn hóa. Theo đó, cách xưng hô của người Việt hiện đại đa số sử dụng tên thay cho họ. Khác với xã hội truyền thống, người xưa có thói quen dùng họ thay cho tên, như chủ tịch Hồ Chí Minh, người đời vẫn gọi thân thuộc bằng họ cộng với đại từ nhân xưng: Bác Hồ; chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng được xưng hô là Bác Tôn, chứ không gọi là Bác Minh hay Bác Thắng. Đó là sự khác nhau giữa hai bối cảnh văn hóa cũ và mới trong cách xưng hô, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với người được xưng hô.

Trong xã hội hiện đại, khi vai trò, quyền tự quyết của cá nhân được đề cao, xu hướng gọi tên thay cho họ càng trở nên phổ biến, đặc biệt đối với nhóm xã hội hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong lĩnh vực sáng tạo này, cá nhân và quyền tự quyết càng được khẳng định. Nhiều nhạc sĩ sử dụng nghệ danh, bút danh, biệt hiệu… nói chung, với tư cách chủ sở hữu của tác phẩm, nhạc sĩ có quyền lựa chọn cả tên tác phẩm lẫn tên đứng trên tác phẩm. Nó như một cách xác định bản “Sơ yếu lý lịch” cho tác phẩm. Các nhạc sĩ như Văn Cao, Phạm Duy, Lê Thương, Hoàng Quý, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Nguyễn Văn Đông… xưa nay vẫn được người đời nhắc đến danh xưng gắn liền với tác phẩm. Tất nhiên, danh xưng không nhất thành bất biến, nó tùy thuộc mối quan hệ gần xa, thân sơ, nhưng phải đảm bảo quyền tự quyết và lựa chọn của chính tác giả với tư cách chủ sở hữu đối với tác phẩm. Chúng ta không thể tùy ý, tự tiện thay tên đổi họ hay vi phạm trật tự trong cách thức xưng hô. Hành động này vừa thiếu tôn trọng tác giả, vừa làm sai lệch sự thật. Theo xu hướng nhạc Trịnh Công Sơn biến thành nhạc Trịnh, rồi nhạc Phạm Duy cũng có thể sửa thành nhạc Phạm, nhạc Văn Cao gọi là nhạc Văn… thì hiện tượng lệch chuẩn này có nguy cơ tạo nên tiền lệ xấu. Tất nhiên, đây chỉ là sự suy diễn, nhưng không hẳn không có cơ sở. Bằng chứng là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bị đánh cắp danh xưng, tên đổi thành họ, từ đó dẫn tới kết quả sai về phương diện định danh. Trường hợp này, “điểm mù” trong vô thức tập thể trở thành “điểm sáng” văn hóa. Như vậy, cùng một lúc người ta đã phạm hai sai lầm xét cả về tính chất văn hóa và giá trị lịch sử. Xét về tính chất văn hóa, gọi tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng họ là không đúng cách xưng hô của người được định danh. Biến tên một tác giả gồm đầy đủ cả họ, tên và đệm gắn liền với tác phẩm là Trịnh Công Sơn thành Trịnh là thiếu tôn trọng (quyền lựa chọn định danh) nhạc sĩ. Xét về giá trị lịch sử, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện trong tác phẩm của mình với đầy đủ cả họ, tên và đệm. Như trên đã nói, lúc sinh thời, người thân, người tình, bạn bè, đồng nghiệp đều xưng hô với ông bằng tên, chứ không phải họ. Nói tóm lại, tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được người đời biết đến với tư cách tác giả của những ca khúc thể hiện văn hóa đặc trưng của một giai đoạn lịch sử. Xét cả yếu tố văn hóa và lịch sử, sản phẩm sáng tạo của ông gắn liền với danh xưng Trịnh Công Sơn. Gọi đúng danh xưng không chỉ thể hiện sự tôn trọng người nhạc sĩ đã làm nên tên tuổi của mình mà còn đảm bảo tính nhân văn và giá trị lịch sử.

Nhớ câu chuyện về học trò Rizt của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven (1770 – 1827) trong một lần biểu diễn tác phẩm của thầy đã tự ý thay đổi vài chi tiết. Sau buổi biểu diễn, thầy không tiếc lời khen trò, đồng thời nhắc khéo rằng, tác phẩm của tôi cậu đàn rất hay, nhưng hãy thông cảm cho tác giả của nó muốn được nghe những gì mình đã viết ra. Một tác giả có thể sáng tạo nhiều tác phẩm, nhưng vẫn đòi hỏi khắt khe đối với đứa con tinh thần, huống hồ danh xưng của người cha tinh thần là chính tác giả.

Người xưa rất coi trọng cách xưng hô, thậm chí nâng lên thành quy phạm văn hóa đi kèm với những điều húy kỵ. Chúng ta không thể tùy tiện thay tên, đổi họ hay thay họ cho tên đối với một cá nhân. Theo đó, Trịnh Công Sơn cần được xưng hô cả họ, tên và đệm như ông đã ghi trên tác phẩm. Nó như một hình thức bảo chứng rằng, Trịnh Công Sơn chính là chủ sở hữu của những tác phẩm do mình sáng tạo, đồng thời ở lại với cuộc đời sau khi từ giã cõi đời.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.