You are here

Tình ca du mục

Tác giả: 
Phan Việt Hùng

1. Đúng ngày này 50 năm trước, 25/9/1968, có một bài hát Nga đã chiếm vị trí số 1 của ca khúc “Hey Jude” của The Beatles (sau 6 tuần ở vị trí này) trong bảng xếp hạng UK Singles Chart.

Đó chính là Tình ca du mục (phiên bản tiếng Anh là Those were the days, do Mary Hopkin thể hiện). Bài hát có tên gốc tiếng Nga là Дорогой длинною.

Bài hát mà nhiều người tưởng nhầm là dân ca này, ra đời từ bao giờ? Có những ý kiến cho rằng nó ra đời vào TK19, rồi lại có người bảo đầu TK20.

2. Thật ra, bài hát này được viết năm 1924, tại nước Nga Xô viết. Hay như nhiều người nói: sản xuất tại Liên Xô (!).

Tác giả phần lời là nhà thơ Konstantin Podrevsky. Còn tác giả âm nhạc là nhạc sĩ Nga Boris Fomin (1900-1948). Hai đồng tác giả viết bài hát này dành riêng cho nữ ca sĩ Tamara Tsereteli, và chính cô là người đầu tiên thể hiện ca khúc này.

Âm hưởng của bản tình ca này khá da diết, lời ca của nó cũng rất trữ tình, nhớ thương những kỷ niệm tình yêu ngày xưa. Có lẽ vì vậy mà nó rất được những người Nga lưu vong hải ngoại ưa thích.

(Ехали на тройке с бубенцами,

А вдали мелькали огоньки.

Эх, когда бы мне теперь за вами,

Душу бы развеять от тоски!

DK: Дорогой длинною, да ночкой лунною,

Да с песней той, что в даль летит, звеня,

Да со старинною, да семиструнною,

Что по ночам так мучает меня…

(Lời dịch của Nguyễn Văn Minh:

Cưỡi trên xe tam mã rộn vang tiếng lục lạc,

Có những ánh đèn thấp thoáng phía trời xa…

Anh muốn làm chim ưng bay ngay đến với em

Để tâm hồn được vơi đi nỗi buồn thương!

ĐK Con đường dài bát ngát dưới ánh trăng,

Cùng với bài ca, vang vọng về nơi xa,

Và với chiếc đàn ghi ta bảy dây cũ ấy,

Những đêm trường mãi dày vò lòng ta!)

Trong những năm tháng sục sôi cách mạng, bài hát này rõ ràng là khá ủy mị. Và từ năm 1927, nó bị...cấm (!). Có người nói một trong nhiều lý do dẫn đến quyết định này, có việc bài hát này rất được dân Nga (phản động) lưu vong hải ngoại yêu thích.

Đối với tác giả phần lời, nhà thơ Konstantin Podrevsky thì đây là một cú sốc nặng. Bị quy chụp là “suy đồi, nghiện ngập”, ông lâm vào tình trạng trầm cảm nặng và mất năm 1930.

Còn với nhạc sĩ Boris Fomin thì sao? Năm 1937 ông bị đi tù, 1 năm thì được thả, sau đó tiếp tục nổi tiếng với các sáng tác của mình. Trong thời gian Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Fomin là tác giả của hàng chục ca khúc chủ đề chiến tranh. Ông mất năm 1948, sau ngày giải phóng 3 năm.

3. Mặc dù có số phận khá truân chuyên trên quê hương của nó, nhưng “Tình ca du mục” vẫn có sức sông riêng của nó, bởi...quá hay!

Năm 1952, bài hát này đã được vang lên trong bộ phim hài “Những người vô tội ở Paris” với sự tham gia diễn xuất của danh hài Luis de Funes. Người thể hiện bài hát trong phim là nữ danh ca Nga sống ở hải ngoại Lyudmila Lopato.

Ở Liên Xô, dần dà lệnh cấm “Tình ca du mục” cũng được dỡ bỏ. Bài hát tuyệt vời này sau đó được các ca sĩ nổi tiếng của Liên Xô trình diễn.

Ở Mỹ, năm 1962, nhà thơ, nhà viết kịch gốc Nga Do thái Gene Raskin đã viết lời tiếng Anh cho bản nhạc này, đặt tên là “Those Were The Days” (Những ngày đã qua). Lời bài hát phiên bản tiếng Anh là lời tâm sự của một người đàn bà nhớ lại quán rượu thời trẻ đã từng ghi dấu kỷ niệm với người bạn thân. Lời ca không giống với bản gốc, nhưng âm hưởng vẫn là những lời vọng nhớ về quá khứ đã qua. Gene Raskin đã mau chóng đăng ký quyền tác giả phần lời tiếng Anh của mình.

Từ 1962 trở đi, Raskin đích thân hát “Those Were The Days” và bài hát mau chóng đã trở nên quen thuộc với công chúng yêu nhạc. Lần nọ, năm 1964, khi Raskin biểu diễn ở Luân đôn, trong số khán giả có Paul McCartney của ban nhạc The Beatles khi này đã lừng danh thế giới. Qúa mê bài hát, Paul McCartney đã đến gặp Raskin để mua bản quyền.

Mua, nhưng McCartney vẫn chưa trình diễn “Those Were The Days” mà quyết định để dành nó vào một dịp thích hợp, cho một giọng ca mới thật đặc biệt.

Rồi ngày đó cũng đến. Năm 1968, siêu mẫu Anh Twiggy khi xem một cuộc thi hát đã cực kỳ có ấn tượng với giọng ca của nữ ca sĩ xứ Wales là Mary Hopkin. Cô quyết định giới thiệu giọng ca này với McCartnaey.

Paul McCartney sau khi nghe thử giọng, đã quyết định ký hợp đồng với nữ ca sĩ vô danh mới 18 tuổi này. Và “Those were the days” là bài hát được McCartney đưa ra đầu tiên với Mary Hopkin. Đĩa đơn bài hát này do hãng Apple Records ghi âm và được phát hành rộng rãi vào ngày 20/8/1968.

Bài hát qua giọng ca của Mary Hopkin ngay lập tức đã chinh phục được khán giả khắp nơi. Ngày 15/9/1968, “Those were the days” đã đánh bật ca khúc “Hey Jude” của The Beatles ra khỏi vị trí số 1. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một bài hát Nga dẫn đầu bảng xếp hạng âm nhạc ở đảo quốc sương mù.

Tình ca du mục- “Those were the days” tiếp tục làm mưa làm gió tại bảng xếp hạng ca khúc của các quốc gia khác như Mỹ (số 2), Canada (số 1), Pháp (số 1), Nhật Bản (số 1), Tây Ban Nha (số 1)....

Mary Hopkin đã “đóng đinh” sự nghiệp của mình với “Those were the days”. Cô còn hát bản này bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia. Danh ca người Pháp Dalida cũng đã thể hiện bài hát này rất thành công (Le temps des fleurs).

Điều kỳ lạ, là rất nhiều năm sau, khán giả phương Tây vẫn không biết ai là tác giả đích thực của bài hát nổi tiếng này. Trên nhiều đĩa hát, vẫn chỉ ghi tác giả là...Gene Raskin, người đã viết lời tiếng Anh.

Nhưng nào có hề chi. Điều quan trọng nhất, là bài hát do hai tác giả người Nga viết từ năm 1924 đã nổi danh toàn cầu và có sức sống dài lâu. Có lẽ, đó là phần thưởng cao quý nhất cho hai cha đẻ của nó, nhạc sĩ Boris Fomin và nhà thơ Konstantin Podrevsky.

Còn về phần lời tiếng Việt và tựa đề Tình ca du mục, không ai biết người nào đã dịch nó ra như thế và đã trở nên quen thuộc với tất cả chúng ta. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Thật ra lời tiếng Việt cũng khá hay, dù chả liên quan mấy đến bản gốc.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.