You are here

Tháng ba rực mùa hoa gạo

Tác giả: 
Phan Đông Viên

Nước ta khí hậu nóng ẩm, rất thích hợp cho các loài thực vật phát triển, đặc biệt là các loài hoa, nên Việt Nam thường được gọi là đất nước bốn mùa hoa.

Khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, khắp làng quê Việt Nam nở đầy ba loại hoa quen thuộc: hoa bưởi trắng, hoa xoan trắng tím và hoa gạo đỏ, những loại hoa này đã vô cùng thân thiết với tuổi thơ, tuổi học trò và cả tuổi mới biết hẹn hò, đặc biệt là hoa gạo ở đồng bằng Bắc bộ, miền núi gọi là hoa mộc miên, Tây nguyên gọi là hoa pơ lang.

Cây gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ, di thực sang nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam, là loài cây thân mộc cao khoảng 15 - 20m, cứ đến mùa đông lá rụng hết còn trơ cành trông như một cây khô, đến tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, trên những cành cây trụi lá bỗng đồng loạt bừng nở những bông hoa đỏ như những đốm lửa rực rỡ giữa trời xanh.

Ở Việt Nam - nhất là ở đồng bằng Bắc bộ - cây gạo được trồng nhiều trên những con đường vào làng, cổng làng, cổng đình chùa miếu mạo, những địa điểm tâm linh, dọc những kênh mương, trên những gò đất giữa đồng... tô đẹp thêm cho bức tranh quê hương với những hình ảnh cây đa, cây gạo, bến nước, sân đình quen thuộc.

Cảnh sắc nhiều vùng miền thêm tươi vui, rạng rỡ, đằm thắm khi hoa gạo nở giữa mùa xuân, ngay ở nội thành Hà Nội, chúng ta có thể ngắm hoa gạo trong khuôn viên Viện Bảo tàng lịch sử Quốc gia hoặc đây đó trên những con đường, ra ngoại thành hoa gạo nở dọc đê sông Hồng từ Bát Tràng đi Văn Giang (Hưng Yên), vùng Hà Tây xưa như Sơn Tây, Chương Mỹ, Mỹ Đức có rất nhiều cây gạo, nhất là làng Đoan Nữ huyện Mỹ Đức... Nhiều cây gạo đã trở thành cây di sản như cây gạo thần nông 300 tuổi trước cổng làng Phan Dư - xã Cao Phong - huyện Sông Lô - tỉnh Vĩnh Phúc hoặc cây gạo 250 tuổi ở đình làng Văn Cú, xã An Dương, Hải Phòng... Ở thôn Đoài, xã Tiên Nội, thị xã Duy Tiên, Hà Nam cũng có một hàng cây gạo cổ thụ đẹp nổi tiếng trong vùng. Đi xa hơn lên miền biên giới, hoa mộc miên nở đỏ trên cao nguyên đá Hà Giang, trên các triền núi dọc quốc lộ 4C, đường lên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đã gây cảm hứng để nhạc sĩ Huy Du (sinh năm 1926) viết ca khúc nổi tiếng Hoa mộc miên, giọng sol thứ, giai điệu thiết tha chứa chan tình cảm:

Sinh thời, khi nói về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bác Hồ đã khẳng định đại ý: Nói kháng chiến chống Pháp đó là chống chủ nghĩa thực dân Pháp chứ không phải chống nhân dân Pháp. Nói kháng chiến chống Mỹ cứu nước đó là chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ chứ không phải chống nhân dân Mỹ. Câu nói tuy giản dị nhưng là tư tưởng rạng ngời chân lý và đạo đức của Người, qua đó gián tiếp gửi tới nhân dân thế giới một thông điệp rằng: nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, dân tộc Việt Nam biết phải trái để không bao giờ hận thù dân tộc khác. Bởi vậy, ca khúc Hoa mộc miên sáng tác từ năm 1962, ca ngợi tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Hoa vẫn còn nguyên giá trị. Đi xa hơn đến Tây Nguyên, ta còn được ngắm hoa pơ lang có 2 loại trắng và đỏ, là loài hoa đẹp nhất vùng, được ví như những người con gái Tây Nguyên tươi đẹp, rực lửa nồng nàn, anh dũng kiên cường trong chiến đấu và sản xuất. Hoa pơ lang đã tạo cảm xúc để năm 1965 nhạc sĩ Đức Minh (sinh năm 1941) sáng tác ca khúc Em là hoa pơ lang, với giai điệu mang âm hưởng và tiết tấu Tây Nguyên, giọng rê trưởng, khoan thai mà rạo rực nổi tiếng một thời:

Sau khoảng hơn một tháng, hoa gạo rụng hết còn lại những quả hình nang trứng, khi quả chín có màu đen, tách thành 5 mảnh, những dúm sợi bông rụng tỏa ra không trung mang theo những hạt gạo nhẹ lơ lửng như những chiếc dù bé tí, được gió cuốn bay đi, khi rơi xuống gặp thổ nhưỡng thích hợp là mọc thành cây, trên miền núi không ai trồng mà có những con đường dằng dặc toàn cây mộc miên, chính là do cách sinh trưởng di thực của loài cây này.

Cây gạo nở hoa và hoa gạo là đề tài hấp dẫn trong văn học nghệ thuật, đặc biệt với nghệ thuật nhiếp ảnh, hội họa và thơ ca... Hàng chục kiểu ảnh, bức tranh ở mọi góc độ, bối cảnh của cây gạo nở hoa vô cùng đẹp và sống động, cùng hàng chục bài thơ ca ngợi loài hoa hoặc nhờ loài hoa rực rỡ gửi gắm tình cảm nồng nàn đến người mình thương nhớ. Riêng âm nhạc, một số ca khúc có nhắc đến hoa gạo, nhưng chỉ lướt qua, duy chỉ có hai bài đặc tả sâu sắc về hoa gạo, đó là bài Hoa mộc miênEm là hoa pơ lang./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.