You are here

Tchaikovsky: Concerto piano số 1

Tác giả: 
Ngọc Tú (tổng hợp)

Thông tin chung

Tác giả: Peter Ilyich Tchaikovsky
Tác phẩm: Concerto piano số 1 giọng Si giáng thứ, Op. 23
Thời gian sáng tác: Tháng 11/1874 – tháng 5/1875. Tác phẩm được sửa chữa vào mùa hè năm 1879 và tháng 12/1888.
Công diễn lần đầu: Ngày 25/10/1875 tại Boston với Hans von Bülow chơi piano và Benjamin Johnson Lang chỉ huy dàn nhạc.
Độ dài: Khoảng 35 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng nghệ sĩ piano Hans von Bülow.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro non troppo e molto maestoso – Allegro con spirito
Chương II – Andantino semplice
Chương III – Allegro con fuoco
Thành phần dàn nhạc: Piano độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 4 horn, 2 trumpet, 3 trombone, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Ngày nay, bản Concerto piano số 1 của Tchaikovsky là một trong những tác phẩm phổ biến nhất trong cùng thể loại nhưng sự khởi đầu của tác phẩm lại gặp phải nhiều khó khăn. Những ý tưởng ban đầu được tìm thấy trong một bức thư Tchaikovsky gửi cho em trai mình Modest vào ngày 10/11/1874: “Anh muốn bắt đầu với một bản concerto piano nhưng vì một số lý do nó không thành công”. Cũng trong một bức thư khác cho Modest vào ngày 10/12/1874, Tchaikovsky cho biết: “Anh đã hoàn toàn sa lầy trong việc sáng tác bản concerto piano, nó vẫn đang đến – nhưng rất tệ hại”. Sau khi trở về Moscow ngày 24/12/1874 từ Kiev để tham dự buổi trình diễn vở opera The Oprichnik của mình, ông nói với Modest rằng mình đã làm việc không mệt mỏi và tác phẩm chắc chắn sẽ được hoàn thành trong tuần.

Ngày 5/1/1875, Tchaikovsky đã chơi thử tác phẩm cho nghệ sĩ piano Nikolai Rubinstein và nhà phê bình âm nhạc Nikolai Hubert nghe. Tuy nhiên, phản ứng từ phía Rubinstein là rất tiêu cực. Tchaikovsky đã viết cho Nadezhda von Meck: “Vì tôi không phải là nghệ sĩ piano nên rất cần thiết cho tôi nếu có được sự tư vấn của một nghệ sĩ bậc thầy, để ông ấy có thể chỉ ra cho tôi bất kỳ thứ gì có thể chứng minh là khó về mặt kỹ thuật, bất tiện, không có hiệu quả…”. Rubinstein đã đưa ra những chỉ trích rất gay gắt về bản concerto và đưa ra một số đề nghị sửa đổi. Bị xúc phạm nặng nề về những lời phê bình, Tchaikovsky từ chối sửa đổi và tuyên bố sẽ xuất bản đúng như những gì đã được sáng tác và ông đã thực hiện lời nói của mình. Ngày 21/2/1875, Tchaikovsky đã hoàn thiện phần phối khí cho tác phẩm (theo những gì ghi trong bản thảo).

Mùa xuân năm 1875, Tchaikovksy gửi tổng phổ tác phẩm cho nghệ sĩ piano nổi tiếng người Đức Hans von Bülow (dường như là bản phối lại cho 2 piano) và nhận lại sự hồi đáp đầy hưởng ứng và lòng biết ơn về sự đề tặng tác phẩm: “Có lẽ nó quá tự tin vào phần của tôi, không quen thuộc với toàn bộ phạm vi tác phẩm và tài năng phi thường của anh, phải nói rằng Op. 23 thể hiện sự xuất sắc như vậy và là một thành tựu đáng kể trong danh mục các tác phẩm của anh, không nghi ngờ gì nữa đã làm phong phú thế giới âm nhạc hơn bao giờ hết. Có sức sáng tạo vượt trội, sự cao quý, sức mạnh như vậy và rất nhiều khoảnh khắc được nắm bắt trong suốt quan niệm độc đáo này; có sự trưởng thành về phong cách và hình thức như vậy – thiết kế và thực hiện, với một sự hài hoà rất thuận tai, rằng tôi có thể làm anh mệt mỏi bằng cách liệt kê toàn bộ các khoảnh khắc đáng nhớ khiến tôi cảm ơn tác giả – chưa đề cập đến niềm vui thích khi biểu diễn nó, tất cả. Nói ngắn gọn, viên ngọc thật sự này sẽ khiến anh có được sự biết ơn của tất cả các nghệ sĩ piano”. Ngày 20/7, trong bức thư gửi cho nhà xuất bản của mình, Pyotr Jurgenson, Tchaikovsky đề nghị gửi toàn bộ tổng phổ cũng như phân phổ của bản concerto cho Bülow trước ngày 13/9 để kịp chuyến lưu diễn tại Mỹ. Ngày 25/10/1875 tại Boston, Bülow đã công diễn ra mắt bản Concerto piano và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả Mỹ và làm gia tăng sự nổi tiếng của Tchaikovsky tại đây.

Phân tích

Chương I

Chương I đầy nhiệt huyết và cảm xúc đáng chú ý vì hình thức độc đáo của nó, tự do và biểu lộ sự hân hoan hơn một bản concerto thời đại này. Sự xa rời truyền thống này có thể là một trong những nguyên nhân khiến Rubinstein tức giận nhưng cũng có thể khơi dậy lòng khâm phục của Bülow. Cách tiếp cận âm nhạc đầy phóng túng của Tchaikovsky tạo cho chương nhạc một phong cách đầy tính chủ quan và cá nhân của nhà soạn nhạc. Chương nhạc bắt đầu bằng một trong những giai điệu nổi tiếng nhất của Tchaikovsky: một đoạn nhạc ngắn hùng vĩ, huy hoàng đúng tính chất maestoso trên horn ở giọng Si giáng thứ với phần đệm của dàn nhạc nhanh chóng được điều chỉnh sang Rê giáng trưởng. Sau màn giới thiệu, piano cố gắng chơi phần của riêng mình nhưng dàn nhạc đã mang nghệ sĩ độc tấu trở lại phần tái hiện của chủ đề hoành tráng, tuyệt vời ban đầu và không bao giờ xuất hiện nữa. Điều này sau đó cũng xảy ra tương tự trong concerto violin của tác giả, mang đến niềm tiếc nuối lớn cho người nghe.

Âm nhạc dần trở nên chậm rãi, giới thiệu 3 chủ đề chính của chương nhạc: chủ đề đầu tiên trên piano dựa trên một bài dân ca Ukraine mà ông nghe được từ một người hát rong mù, chủ đề hai sầu muộn bắt đầu trên clarinet và chủ đề ba dịu dàng, mang đến nhiều hi vọng xuất hiện trên dàn dây. Thay vì xuất hiện lần lượt theo thông lệ, hai chủ đề sau được xuất hiện xen kẽ. Âm nhạc trôi đi từ bè này sang bè khác rồi bất ngờ bị gián đoạn bằng một đoạn nhạc căng thẳng từ phía piano. Phần phát triển bắt đầu với dàn nhạc chơi một đoạn mạnh mẽ có cường độ tăng dần dựa trên chủ đề ba dịu dàng. Nghệ sĩ piano gia nhập, phát triển chủ đề 2 sầu muộn dài cũng với cường độ mạnh dần với dàn nhạc phụ hoạ. Tiếng horn cắt ngang với giai điệu của chủ đề ba, phần phát triển tiếp tục biến đổi liền mạch thành sự tái hiện của chủ đề dân ca Ukraine. Sau sự trở lại của chủ đề hai u buồn, lần này trên oboe, một cadenza dài xuất hiện, dựa trên những chất liệu của hai chủ đề sau. Chương nhạc kết thúc mạnh mẽ với sự trở lại lạc quan của chủ đề ba nhẹ nhàng.

Chương II

Chương II chậm được viết theo hình thức 3 đoạn bắt đầu bằng một giai điệu trang nhã do flute độc tấu với 4 nốt nhạc đầu tiên La giáng-Mi giáng-Pha-La giáng trên nền pizzicato của dàn dây, được bắt nguồn từ chủ đề 2 sầu muộn của chương I. Ngay sau đó, chỉ thay đổi một nốt nhạc từ Pha thành Si giáng (cao hơn), rất tinh tế, piano tiếp nối chủ đề. Nhiều người cho rằng phần flute đã bị ghi sai nốt trong quá trình in ấn nên đã biểu diễn với các nốt nhạc giống như của piano. Âm nhạc chuyển từ Rê giáng trưởng sang Pha trưởng rồi nhanh chóng trở về Rê giáng trưởng khi xuất hiện sự tham gia của 2 cello và được tiếp nối bằng oboe. Nhịp điệu được chuyển nhanh và tương phản ở đoạn giữa. Tchaikovsky tâm sự với Modest rằng giai điệu bè dây ở đoạn này được lấy từ một bài hát Pháp “Il faut s’amuser, danser et rire” (Mọi người phải vui tươi, nhảy múa và cười). Piano trở lại chủ đề chậm đầu chương và được tiếp nối bằng oboe thiết lập một coda kết thúc chương nhạc với cường độ pianississimo (ppp) dần tan biến vào hư không.

Chương III

Cũng giống như trong chương I, chương III được viết theo hình thức rondo bắt đầu với một giai điệu sôi động dựa trên một giai điệu dân ca khác của Ukraine, bài hát “Anh Ivan yêu quý ơi, hãy xuất hiện đi”. Nguồn cảm hứng Ukraine có lẽ xuất phát từ chuyến đi tới Kiev trong quá trình sáng tác tác phẩm này. Một giai điệu tương phản, có thể hát lên được xuất hiện ngay sau đó trong bè violin. Sau một số biến tấu, hai chủ đề thay thế nhau: chủ đề hai ca hát bắt đầu trước ở giọng Rê giáng trưởng (giọng trưởng có cùng khoá nhạc với giọng Si giáng thứ), sau đó là chủ đề đầu tiên, lần này ở giọng Mi giáng trưởng. Quỹ đạo song song của giọng thứ và giọng trưởng thường được các nhà soạn nhạc sử dụng như một giải pháp cho phần kết, nhưng quá trình phát triển của chủ đề thông qua những giọng điệu khác nhau là một kỹ thuật tài tình và nguyên bản của Tchaikovsky. Sau một đoạn nhạc dài với cường độ tăng dần và những quãng tám mãnh liệt, chủ đề chính thứ hai trở lại lần cuối với toàn bộ dàn nhạc ở giọng Si giáng trưởng, đưa tác phẩm kết thúc trong huy hoàng, chói lọi.

Có vẻ như ngay sau buổi biểu diễn tác phẩm đầu tiên tại Moscow (3/12/1875 với Taneyev chơi piano và Nikolai Rubinstein chỉ huy dàn nhạc), Tchaikovsky đã lên kế hoạch thực hiện một số thay đổi. Ông đã nói với Bülow về ý định này vào tháng 12/1875. Trong bức thư trả lời vào ngày 13/1/1876, Bülow viết: “Tại sao ông viết rằng ông muốn thay đổi bản concerto của mình? Tất nhiên là tôi nhận chúng với thú vị lớn – nhưng lúc này tôi khuyên ông thành thật rằng dưới quan điểm của tôi, việc thay đổi là không cần thiết, trừ một vài mở rộng cho phần piano trong một vài cao trào, điều mà tôi đã tự giới thiệu, như tôi đã làm trong concerto của Raff. Nếu tôi có thể cho phép mình thực hiện một nhận định khác: hiệu ứng tuyệt vời của chương cuối sẽ bị giảm đi nếu motif 2 chiến thắng, ngay trước Stretta (đoạn nhạc thường được chơi ở cuối chương nhạc trong một tốc độ nhanh hơn) cuối, được chơi ở Molto meno mosso. Điều này sẽ tạo ra một cao trào li kỳ hơn và không quá trang trọng. Có lẽ tôi nhầm nhưng công chúng và một số nhạc công ủng hộ ý tưởng của tôi”. Khi Jurgenson xuất bản bản đầy đủ của tổng phổ vào năm 1879, phần piano của chương I tác phẩm chứa đựng một số khác biệt khi so sánh với ấn bản đầu tiên của bản phối lại cho 2 piano, mặc dù không đụng chạm đến hoà âm hoặc cấu trúc của tác phẩm. Đây có lẽ là những thay đổi mà Tchaikovsky đã thông báo cho Bülow vào tháng 12/1875 và nghệ sĩ piano người Đức Edward Dannreuther vào tháng 3/1876.

Trong những năm cuối 1880, Tchaikovsky bắt đầu làm việc với nhà xuất bản Daniel Rahter ở Leipzig, trong đó có một ấn bản mới của bản concerto này và những trao đổi thư từ cho thấy ông đã tư vấn với nhiều người (trong đó có nghệ sĩ piano Alexander Ziloti, anh họ của Rachmaninov) về một số chỗ có thể chỉnh sửa. Ngày 8/1/1889, trong một bức thư Tchaikovsky gửi cho Ziloti có đoạn: “Ở Petersburg, Rahter đưa tôi một bản tổng phổ đầy đủ của Concerto piano số 1 và bảo tôi xem nó… Bản copy này có tên và các ghi chú của anh, không biết bằng cách nào đó đã đến tay Rahter từ Bumenfeld… nhưng nó phải được trở về với Rahter, nhưng trong lúc này tôi phải yêu cầu anh xem lại nó một lần nữa. Trong chương cuối, tôi đã thay đổi nơi đáng nguyền rủa (tiếng Đức “der verfluchte Stelle” trong nguyên bản); Tôi nghĩ nó sẽ ngắn và tốt hơn; cái chính bởi vì trước đó có một motif nhịp nhàng khá xa lạ… điều sai lầm này giờ bị loại bỏ. Tôi giữ lại các trang của anh (tức là bản sao với những thay đổi trước đây của tôi)…Tôi thấy anh có những trang in thử từ bản concerto số 1. Tôi không hiểu anh thực hiện những sửa đổi này cho ai, Jurgenson hay Rahter?” Và như vậy, dường như bản thân Tchaikovsky đã tự mình thực hiện những thay đổi cho ấn phẩm mới, đồng thời từ chối những thay đổi từ phía Ziloti.

Sau khi chứng kiến sự thành công của tác phẩm, Nikolai Rubinstein đã phải thay đổi quan điểm và đưa bản concerto vào danh mục biểu diễn của mình. Ngày nay, hầu hết các nghệ sĩ piano đều lựa chọn phiên bản thứ 3 và cũng là cuối cùng để trình diễn. Tuy nhiên, cũng có một số người đã tìm đến với phiên bản đầu tiên.

Xem tác phẩm: https://www.youtube.com/watch?v=hNfpMRSCFPE&ab_channel=AVROTROSKlassiek

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.