You are here

Tây Ninh tiếp nối những dòng chảy âm nhạc

Tác giả: 
Nguyễn Quốc Đông

Tây Ninh là một vùng đất nằm ở vị trí cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh vương quốc Campuchia và là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đầu năm 2014 thị xã Tây Ninh đã được công nhận là thành phố Tây Ninh nằm cách TP HCM khoảng 100 km theo đường quốc lộ 22, cách biên giới Campuchia 40 km về phía Tây Bắc.

Về mặt truyền thống văn hóa, Tây Ninh có những bài thơ, bài hát một thời vang bóng từ những năm thập niên 50 và 60 như bài thơ: Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Dzũng Chinh (Tha La xóm đạo), Sơn Thảo (Hận Tha La)…; bài thơ Mưa đêm nay của Trường Anh được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc qua tiếng hát ca sĩ Hoàng Oanh, Trúc Mai… Là quê hương của nhạc sĩ Xuân Hồng với bài Xuân chiến khu, Tiếng chài trên sóc Bombo…), nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (Bến Cầu) với bài hát Chiều mưa biên giới, nhạc sĩ Trương Quốc Khánh (Bàu Đồn) với bài Tự nguyện, nghệ sĩ Thanh Hiền  (Trảng Bàng) với bài vọng cổ Chuyến xe Tây Ninh…

Tây Ninh có truyền thống cách mạng lâu đời, là cái nôi của cách mạng miền Nam với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tây Ninh rất tự hào với một truyền thống âm nhạc qua nhiều thời kỳ: trong âm nhạc thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có các nhạc sĩ Hoàng Việt, Xuân Hồng... 

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân sinh năm 1928 tại Châu Thành Thành,tham gia cách mạng từ rất sớm làm công tác giao liên,sau đó là đại đội trưởng giao bưu vận miền Nam, trưởng Đoàn văn công quân giải phóng miền Nam. Có thể nói nhạc sĩ Xuân Hồng là người nhạc sĩ của quê hương Tây Ninh bởi những bài hát của ông như Xuân chiến khu, Chiếc khăn tay, Bài ca may áo, Hàng quạn đêm, Tiếng chày trên sóc Bom Bo… là những bài ca nằm lòng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam, nhất là miền Đông Nam bộ. Sau nầy ông còn là tác giả của rất nhiều bài hát nổi tiếng như: Mùa xuân trên TP HCM, Mùa xuân bên cửa sổ, Cây đàn ghita của Đại đội 3, Người Mẹ Việt Nam... 

Ông đã từng trải qua nhiều chức vụ như Tổng thư ký Hội âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá III, Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV (1989-1995). Lịch sử âm nhạc Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Xuân Hồng. Những sáng tác của ông có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của nhiều thế hệ. Ông mất ngày 14/5/1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nhắc đến thế hệ  kế tiếp theo ta không quên ca sĩ Thúy Nương, Thanh Thúy (quê hương Hảo Đước – Tây Ninh) nguyên là diễn viên ca sĩ của Đoàn Văn công quân Giải phóng miền Nam, cố nhạc sĩ Võ Tấn Ngọc là nhạc công violon của Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam, nguyên phó trưởng Đoàn Nghệ thuật quân khu 7 (1987 – 1999), tuy quê hương ở Tiền Giang, nhưng đã từng gắn bó với Tây Ninh trong thời kháng chiến những năm (1963-1971). Ngoài ra có Lê Chí Trung cũng từ trong kháng chiến sau 75 về làm trưởng phòng văn hoá quần chúng (Sở VHTT TN) trưởng đoàn ca múa nhạc Tây Ninh (đã mất). 

Từ sau 30/ 04/1975 tiếp nối truyền thống quý báu trên và hòa cùng sự phát triển của nền âm nhạc đất nước các anh em nhạc sĩ địa phương có điều kiện và thời gian cũng như phương tiện để trau dồi kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ, đã có nhiều ca khúc ngợi ca quê hương Tây Ninh, con người trung dũng kiên cường của Tây Ninh trong những năm qua. Một số các ca khúc của anh em được chiếm giải cao của TW và địa phương được phát sóng trên các Đài PT TH cả nước và khu vực.

Có thể nhắc đến một số nhạc sĩ tiêu biểu của thời kỳ này như Tạ Quang Tố, Chí Trung,Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Quốc Đông,Quốc Thái, Lê Hoàng Minh, Lê Hữu Trịnh, Hoài Nguyên, Vĩnh Hiển,Võ Thành Thái… tiếp theo là Trần Quang Cường, Hoài Nhân, Vĩnh Phát… Thời kỳ nầy một số bài hát của anh em cũng được phổ biến khá rộng rãi như Khi bầy chim trở lại, Bài ca nhớ thương, Lời ca của đá, Sarika vô tình, Qua phố Tây Ninh, Nước trong tình đất tình người, Chiếc áo xanh v.v...

Sau nầy có thêm nhạc sĩ Nguyễn Quốc Tây. Anh đã từng ra nhiều CD và tuyển tập nhạc và CD như Cho tình yêu của anh, Quà của ba... đã được nhà xuất bản Âm nhạc phát hành năm 2008. Bên lĩnh vực trình diễn phải kể đến ca sĩ Như Hảo xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng nhưng đã có tiếng nói chung toàn quốc khi chiếm giải nhất Tiếng hát truyền hình thành phố Hồ Chí Minh năm 1991 với bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng: Mùa xuân bên cửa sổ. Cô còn đạt Giải nhất đơn ca toàn quân. Ca sĩ Huy Đức (Hòa Thành – Tây Ninh): Giải nhất Tiếng hát phát thanh thành phố Hồ Chí Minh. Huy Đức trước đây còn là giọng ca vang bóng một thời của Đoàn nghệ thuật quân khu 7.

Âm nhạc Tây Ninh tiếp tục phát triển, được sự quan tâm của Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội VHNT TN và Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Tây Ninh, Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Tây Ninh thành lập vào ngày 9/8/2009. Phát biểu trước Đại hội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội nhạc sĩ VN) rất vui mừng khi Tây Ninh đã thành lập xong Chi hội, là một tỉnh biên giới Tây Nam còn nhiều khó khăn nhiều mặt anh em nhạc sĩ địa phương đã được sự hỗ trợ nhiệt tình của Hội nhạc sĩ VN. Đây là một nỗ lực lớn của giới nhạc sĩ Tây Ninh đánh dấu bước trưởng thành trong sáng tác và có điều kiện hoà nhập chung vào nền âm nhạc cả nước. 

Tuy nhiên các nhạc sĩ Tây Ninh cũng còn nhiều điều trăn trở như mảng quảng bá âm nhạc của mình còn nhiều hạn chế của một tỉnh lẻ ? ví dụ như để có một tác phẩm tốt ngoài sáng tác cần phải đầu tư khá công phu về hòa âm, thu âm, ghi hình, tổ chức biểu diễn mới có khả năng đến được với công chúng. Các nhạc sĩ tỉnh lẻ thường gặp khó khăn về điều nầy, tuy có tác phẩm nhưng kinh phí hạn hẹp cũng khó làm một bài thu âm có chất lượng. Việc giới thiệu các bài hát trên các sóng truyền hình lớn như HTV hay VTV cũng ít. Vấn đề nữa mà chúng ta quan tâm là làm sao ta có một bài Tỉnh ca hay, tiêu biểu như các thành phố khác đã có như bài Thành phố hoa phượng đỏ của Hải Phòng, Dáng đứng Bến Tre, Quảng Bình quê ta ơi, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Tình ca Vũng Tàu, Nha Trang mùa thu lại về…

Ngoài một số bài của các nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác từ lâu như: Son sắt Tây Ninh của Phạm Tuyên, Ai về Tây Ninh của Xuân Hồng, Tây Ninh vững bước đi lên của Hoàng Hà, Về lại Tây Ninh của Phan Nhân, Phù sa nồng nàn của Trần Quang Huy, Trăng sáng trên hồ Dầu Tiếng của Nguyễn Văn Tý... sau nầy có thêm một số bài của anh em địa phương như: Về giữa đôi dòng sông vàng của Vân An, Hào hùng Tây Ninh của Lê Hoàng Minh, Tây Ninh bay vào tương lai của Nguyễn Đình Hồng, Qua phố Tây Ninh của Lê Hữu Trịnh, Tây Ninh rực lửa tiến công của Lê Chí Trung, Ai có về Tây Ninh của Nguyễn Quốc Đông, Tây Ninh tình xuân của Nguyễn Quốc Tây, Tây Ninh quê tôi của Hoài Nguyên, Quê tôi Tây Ninh của Trần Quang Cường… nhưng cũng chưa gây sự chú ý của mọi người.

Nếu để chọn ra những bài hát hay về Tây Ninh từ xưa đến giờ, theo thiển ý của người viết ta có 4 bài đáng chú ý, những bài nầy mọi người đều biết,rất thích và đang thịnh hành, xin kể theo thứ tự thời gian đó là bài: Nhạc rừng (1951), Lên ngàn của Hoàng Việt (1952), bài Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục (1966) và  bài Ai về Tây Ninh của Xuân Hồng sáng tác khoảng thập niên 90 (cũng có tựa là Ai về cùng em – Ca khúc về Tây Ninh Hội VHNT TN xb 2004). Có người cho rằng bài Phù sa nồng nàn của Trần Quang Huy là một bài cũng khá hay nói về Tây Ninh, giai điệu rất tình cảm nhẹ nhàng nhưng chỉ nói lên một mảng về công trình thuỷ lợi Lòng Hồ.

Về bài Nhạc rừng của Hoàng Việt, dù là nói đến miền Đông Nam bộ nhưng từ các nguồn tư liệu cho thấy nhạc sĩ sống,chiến đấu và sáng tác ở vùng biên giới Tân  Biên Tây Ninh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp 1951, cảm hứng và khung cảnh trong bài hát đều ở Tây Ninh. Bài hát với điệu valse mượt mà rất vui tươi thanh thoát tạo một bức tranh thiên nhiên sinh động có  tiếng suối róc rách,tiếng chim rừng líu lo... cho thấy dù ở trong một hoàn cảnh chiến đấu đầy gian lao khó khăn nhưng các chiến sĩ vẫn lạc quan, yêu đời:

Cúc cu! cúc cu! chim rừng ca trong nắng
Im nghe! im nghe! ve rừng kêu liên miên.
Rừng hát gió lay trên cành biếc lao xao, rì rào 
Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh.
Róc rách! róc rách! nước luồn qua khóm trúc.
Lá rơi! lá rơi! xoay tròn nước cuộn trôi.
Có anh chiên sĩ đi qua khu rừng vắng.
Lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới.
Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang.
Cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang.

Bài thứ hai là bài hát nổi tiếng Lên ngàn Hoàng Việt sáng tác năm 1952 nói lên hình ảnh gian khổ của người phụ nữ thời kháng chiến ngược dòng Vàm Cỏ Đông cắt lúa thay chồng nuôi con trong trận lũ lụt lịch sử của Tây Ninh năm Nhâm Thìn 1952:

Hò ơi! 
Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi 
Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng 
Nước chảy ngược dòng hò ơ 
Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng 
Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con.

Có một số trang web ghi là Tráng Cồng (có lẽ vì do cao độ nốt nhạc ta nghĩ thế thật ra là Trảng Cồng, ngày xưa Tây Ninh  rất có nhiều Trảng như Trảng Lớn, Trảng Bàng, Trảng Sụp, Trảng Mây...). Trảng Cồng là một địa danh ở xã Phước Vinh, cặp bờ sông Vịnh thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh. Từ một vùng đất hoang sơ hẻo lánh của Tây Ninh đã nổi tiếng cả nước nhờ bài hát Lên ngàn của Hoàng Việt.

Bài thứ ba là Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục, bài hát ngợi ca về một dòng sông anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ sáng tác năm 1966, dòng sông nầy cũng là niềm tự hào của người dân Tây Ninh: “ Ơ...Ơi! Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng, đuổi Pháp đi rồi nay đuổi giặc Mỹ xâm lăng”. Trong chiến tranh Việt Nam, sông Vàm Cỏ Đông cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Bằng những giai điệu tiết tấu dịu dàng thắm thiết, bài hát Vàm Cỏ Đông đã đi vào lòng người cho đến tận hôm nay. Có một chuyện ngoài lề xin kể lại: Trong Đại hội lần VIII của Hội Nhạc sĩ VN năm 2010 tại Hà Nội tôi có dịp trò chuyện với nhạc sĩ Trương Quang Lục, ông nói thoạt đầu tính dành bài hát nầy cho Tây Ninh nghe nói dùng làm nhạc hiệu Đài PTTH vì ông cũng gắn bó tình cảm nhiều với Tây Ninh, thường lên làm trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa phượng đỏ và hơn nữa dòng Vàm Cỏ Đông chảy qua tỉnh Tây Ninh khá dài khoảng 100 km (qua 5 huyện Châu Thành, Hòa Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng) thì chọn bài nầy cũng hợp lý thôi. Nhưng rồi lâu quá không nghe ai nói hay nhắc nhở gì cả, rồi  tỉnh Long An xin lấy làm nhạc hiệu cho Đài mình và tác giả ca khúc Vàm Cỏ Đông cũng đã được nhận Giải thưởng Nguyễn Thông lần thứ III vào năm 2009. 

Bài thứ tư là sáng tác gần đây của cố nhạc sĩ Xuân Hồng Ai về Tây Ninh đang thịnh hành hiện nay trong các cuộc thi, hội diễn... hát rất nhiều. Tiết tấu vui tươi, lời lẽ giản dị, nhạc sĩ có biệt tài gieo vần dễ nhớ. Vả lại tính chất thời sự và thực tế của nó gây sự chú ý mọi người. Bài hát đã gần như khái quát hết các địa danh vùng miền của Tây Ninh, những tự hào về truyền thống đấu tranh và tình cảm mến khách chân thành của người dân Tây Ninh:

Ai về Tây Ninh xin về cùng em.
Đưa anh viếng thăm núi Bà Đen cảnh đẹp, 
Người quen mến khách.
Đón anh đến thăm bến Tầm Long, 
Vàm Cỏ Đông đẹp như trong tiếng hát.
Xuôi con nước ta xuống Bến Cầu 
Qua Gò Dầu đến Vàm Trảng nước sâu.
Về thăm chiến khu Dương Minh Châu. 
Biên giới đất thiêng rừng Tân Biên.
Đến thăm Châu Thành xuôi bước về lại Ninh Điền. 
Từng tên đất trên quê hương em
Ghi dấu chiến công của quân dân. 
In dấu bước chân của các anh từng đến nơi đây.

Trên đây là những bài hát viết về Tây Ninh rất đẹp hay, có giá trị nghệ thuật, có ý nghĩa về mặt lịch sử, có đời sống âm nhạc lâu dài trong lòng người nghe. Rất mong trong tương lai có một cuộc hội thảo về ca khúc Tây Ninh.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.