You are here

Tại sao chúng ta yêu thích ABBA đến thế?

Tác giả: 
Bích Ngọc

Cho tới hôm nay, ABBA vẫn là huyền thoại trong nền công nghiệp âm nhạc quốc tế. Trong ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn xao xuyến khi nghe giai điệu "Happy New Year"...

Dư vị ngọt - đắng trong mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm ABBA

ABBA là nhóm nhạc đến từ Thụy Điển đã góp phần làm thay đổi diện mạo âm nhạc hồi thập niên 1970, hai thành viên nam - Björn Ulvaeus và Benny Andersson - là những người đứng sau các ca khúc đình đám của nhóm.

ABBA thành lập vào năm 1972, với những ca khúc gây sốt, nhóm nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong nền công nghiệp âm nhạc quốc tế, đặc biệt sau khi nhóm giành chiến thắng tại cuộc thi ca hát Eurovision hồi năm 1974.

ABBA vẫn tiếp tục chinh phục người nghe nhạc trên khắp thế giới trong suốt gần một thập kỷ sau đó. Nhóm tan rã vào năm 1982 sau khi nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống riêng của các thành viên. Lý do lớn nhất đằng sau sự tan rã của ABBA đến từ việc ly hôn của hai cặp đôi trong nhóm.

Trước khi chính thức thành lập nhóm nhạc, nữ ca sĩ Agnetha Fältskog đã kết hôn với nam ca sĩ - nhạc sĩ Björn Ulvaeus hồi năm 1971; vào năm 1978, nữ ca sĩ Anni-Frid Lyngstad kết hôn với nam ca sĩ - nhạc sĩ Benny Andersson, dù vậy, hai người họ đã có mối quan hệ tình cảm từ năm 1969.

Những mối quan hệ tình cảm gắn bó đã đưa các thành viên trong nhóm lại với nhau trong buổi đầu thành lập, tình yêu và hôn nhân của hai cặp đôi trong nhóm đã tồn tại gần suốt chặng hành trình thăng hoa nhất của họ trong âm nhạc.

Dù vậy, mọi thứ đã trở nên khó khăn cho ABBA khi họ dần cảm thấy khó có thể cùng nhau sáng tạo và trình diễn âm nhạc thêm nữa, bởi hai cuộc hôn nhân trong nhóm đều gặp phải khó khăn và đi tới đổ vỡ.

Thành viên Björn Ulvaeus từng chia sẻ: "Tôi nhớ mình viết ca khúc 'Knowing Me Knowing You' ngay trước khi tôi ly hôn Agnetha. Agnetha và tôi đã ly hôn một cách nhẹ nhàng, chúng tôi dần cách xa nhau và quyết định sẽ dừng cuộc hôn nhân này lại. Việc chia tay giữa Benny và Frida diễn ra khó khăn hơn. Đó là một giai đoạn không lấy gì làm vui vẻ nhưng chúng tôi vẫn sáng tạo trong âm nhạc".

Ca khúc "The Winner Takes It All" chính là nói về cuộc ly hôn của hai cặp đôi trong nhóm. Chia sẻ về việc thể hiện ca khúc nói về chính việc ly hôn của mình, của các bạn mình, nữ ca sĩ Agnetha từng nói: "Björn sáng tác ca khúc này để nói về chính chúng tôi sau khi hôn nhân tan vỡ. Ca khúc này thực sự gây nên nhiều xúc cảm trong tôi, nhưng sau cùng tôi cũng không để ý quá nhiều.

"Thật tuyệt vời khi hát ca khúc này, bởi tôi có thể đưa những xúc cảm chân thực của mình vào cách thể hiện ca khúc. Tôi không ngại chia sẻ với công chúng. Có quá nhiều điều lắng đọng trong ca khúc ấy. Đó là sự kết hợp của những gì tôi cảm thấy và Björn cảm thấy, nhưng cũng chính là những gì Benny và Frida đã trải qua".

Björn và Agnetha ly hôn hồi năm 1979, Benny và Frida tuyên bố ly hôn hai năm sau - năm 1981. Mỗi thành viên sau này đều tập trung vào công việc của riêng mình.

Chia sẻ về sự tan rã của nhóm, thành viên Benny từng nói: "Có những việc đã xảy ra trong cuộc sống riêng của chúng tôi, không phải chúng tôi chỉ ở bên nhau trong công việc. Frida và tôi ly hôn. Björn và Agnetha ly hôn. Thoạt tiên chúng tôi cũng vẫn hợp tác trong công việc với nhau, bởi chúng tôi biết mình đang sở hữu những gì".

Với tư cách một nhóm nhạc, ABBA đã bán được hàng triệu đĩa hát và được coi là một trong những nhóm nhạc huyền thoại trong nền công nghiệp âm nhạc quốc tế.

Dư vị ngọt - đắng trong các ca khúc của ABBA

"Happy New Year" - ca khúc buồn vui lẫn lộn trong ngày đầu năm

"Happy New Year" - bài hát quá đỗi quen thuộc của nhóm nhạc ABBA huyền thoại, dù có lời hát khá trầm buồn, nhưng xuyên suốt nhiều thập kỷ vẫn là một trong những bài hát được nghe nhiều nhất vào mỗi dịp đầu năm mới, ở cả phương Đông và phương Tây.

"Happy New Year" của ABBA đã "đánh trúng" tâm lý của chúng ta - những người trưởng thành thường cảm thấy có chút bâng khuâng, lặng lẽ khi đứng trước một năm mới.

"Happy New Year" là bài hát nổi tiếng nhất của ban nhạc huyền thoại ABBA, nằm trong album ra mắt hồi năm 1980 có tên "Super Trouper". Ban đầu, trong quá trình thực hiện album, bài hát có cái tên rất thú vị, vừa hài hước vừa mang đậm tính chất của mùa Giáng sinh - năm mới, đó là "Daddy Don't Get Drunk on Christmas Day" (Ba ơi, đừng say xỉn trong ngày Giáng sinh).

Dù được thu âm và nằm trong album "Super Trouper" từ năm 1980 nhưng phải đến năm 1999, bài hát nổi tiếng này mới được ra đĩa đơn do ca khúc quá thành công và nhu cầu của công chúng nghe riêng ca khúc này vào mỗi dịp năm mới là quá lớn, ngay cả ở thời điểm… 19 năm sau khi ca khúc ra mắt lần đầu.

Cho đến nay chưa có bài hát chúc mừng năm mới nào có thể vượt qua thành công của "Happy New Year" trên quy mô toàn thế giới.

Trải qua hơn ba thập kỷ, giai điệu ấy vẫn tiếp tục làm rung động lòng người mỗi khi chứng kiến khoảnh khắc giao thừa, giai đoạn chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Giai điệu bài hát nghe ấm áp, nhẹ nhàng, gợi lên niềm xao xuyến, lời hát cũng gửi gắm nhiều nỗi niềm trước sự chảy trôi của thời gian.

"Happy New Year" không tràn ngập niềm vui, tình yêu và hy vọng như nhiều ca khúc năm mới khác. Bài hát không "hời hợt" kêu gọi người ta hãy vui lên, hãy tin tưởng, rồi mọi điều tốt đẹp sẽ đến…

Mỗi khi giai điệu của "Happy New Year" cất lên, ta như thấy lòng mình lắng lại với một nỗi buồn không tên, khó tả, nhưng rất đặc trưng của khoảnh khắc giao thừa.

Một năm trôi qua với biết bao vui buồn, thăng trầm, biến động... Đứng trước sự vận động, biến thiên của cuộc sống, con người không tránh khỏi cảm giác man mác, xốn xang, bùi ngùi…

Lời ca của "Happy New Year" có phần ảm đạm với đại ý nói về một sáng đầu năm, đôi vợ chồng trẻ ngồi lại với nhau sau bữa tiệc đêm ồn ào cùng bạn bè đón phút giao thừa. Nhìn lại những tàn dư của cuộc vui đã kết thúc với xác pháo, vỏ chai… họ thấy thoáng buồn và trống vắng.

Tiệc đã kết thúc rồi, chỉ còn lại hai vợ chồng và một buổi sáng tịch mịch, giá lạnh. Họ nhớ về những gì đã qua trong năm cũ, vui có, buồn có... Họ lo lắng về tương lai, ai biết rồi mười năm nữa sẽ ra sao, những điều gì đang chờ đợi phía trước…

Lúc này, khi chỉ còn lại người bạn đời, họ mới chúc mừng năm mới với nhau một cách chân thành nhất. Họ chúc nhau sống có ước mơ và có ý chí để thực hiện ước mơ, bởi nếu không có ước mơ và ý chí, chúng ta sẽ chẳng có động lực để tiếp tục dấn bước trong cuộc sống này.

Nỗi buồn trong lời hát được chuyển tải qua giai điệu đẹp đẽ và sâu lắng khiến người nghe cảm nhận được cả những dư vị buồn vui, có cả thất vọng và hy vọng, không quá bi lụy nhưng cũng không "lạc quan tếu" trước thực tại và tương lai.

Nghe "Happy New Year" mỗi dịp năm mới sang đã trở thành một việc quá đỗi quen thuộc với nhiều người, đến mức chỉ cần nghe giai điệu thôi, đã cảm thấy một sự bồi hồi, chộn rộn. Và dù đã nghe bao nhiêu năm rồi, và sẽ còn nghe thêm bao nhiêu năm nữa, nhiều người vẫn thích nghe "Happy New Year".

"Dancing Queen" - niềm vui trong trẻo của tiệc tùng, họp mặt

Khác với "Happy New Year", "Dancing Queen" là ca khúc rất vui tươi, trong trẻo của ABBA, ca khúc thường được người dân phương Tây bật lên trong các sự kiện tiệc tùng, dạ hội bởi ca khúc nhanh chóng làm ấm không khí, lên tinh thần cho sự kiện tụ họp và khiến mọi người tin rằng bên trong mình ẩn chứa một "Dancing Queen" tỏa sáng giữa những cuộc họp mặt, tiệc tùng cuối năm.

Thực tế, "Dancing Queen" rất hay xuất hiện trong danh sách những ca khúc khiến người ta vui vẻ ngay lập tức. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu hồi năm 2015 của nhà nghiên cứu khoa học thần kinh người Hà Lan - giáo sư Jacob Jolij, ông đã tìm ra top 10 nhạc phẩm giúp người nghe cảm thấy vui vẻ, phấn khởi được sáng tác trong vòng 50 năm qua.

"Dancing Queen" đứng thứ 2 trong top 10 ca khúc ấy (đứng sau "Don't Stop Me Now" của nhóm Queen). Hay một khảo sát được thực hiện trong năm 2020 để tìm ra top 50 ca khúc vui tươi nhất, khảo sát tiến hành với 1.300 người trưởng thành ở độ tuổi từ 30-55, "Dancing Queen" đứng thứ 4.

Khảo sát này được thực hiện bởi hệ thống đài phát thanh Greatest Hits Radio (Anh). Có tới 58% những người tham gia khảo sát chia sẻ rằng những ca khúc khiến họ cảm thấy vui tươi nhất là những ca khúc đã ra mắt từ khi họ còn trẻ và từng khiến họ có nhiều ngày vui tươi, hứng khởi trong những năm tháng tuổi trẻ.

Đại diện của hệ thống đài phát thanh Greatest Hits Radio chia sẻ: "Âm nhạc luôn có tác dụng lên tinh thần cho người nghe nhạc. Đặc biệt khi chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn, việc tìm nghe những ca khúc giúp ta trở nên vui tươi hơn trong cuộc sống là rất cần thiết.

"Chúng tôi luôn tin rằng có sự gắn kết chặt chẽ và tích cực giữa những năm tháng trưởng thành với cảm nhận về sự hoài nhớ quá khứ, cảm giác ấm áp vui tươi về sau này, mỗi khi nghe lại những ca khúc gắn với thời kỳ trưởng thành ấy. Giờ đây, cuộc khảo sát này càng khẳng định niềm tin ấy.

"Những ca khúc có nhịp điệu nhanh cũng thường gia tăng xúc cảm vui tươi, khiến người nghe cảm thấy được tiếp thêm năng lượng, được lên tinh thần. Những ca khúc vui tươi mà ta từng nghe trong những năm tháng tuổi trẻ khiến ta nhớ về những giai đoạn đẹp đẽ trong cuộc đời mà không cần phải cảm thấy mình đã già nua".

85% người tham gia khảo sát cũng đồng ý rằng khi nghe lại những ca khúc mà họ đã nghe trong những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời luôn đưa họ trở về với những ký ức đẹp đẽ của những ngày tháng tuyệt vời nhất, với những trải nghiệm đáng nhớ nhất.

Chia sẻ về điều này, nhà nghiên cứu khoa học hành vi Paul McKenna giải thích: "Chúng ta có xu hướng gắn một số bài hát quen thuộc với mình vào một giai đoạn đẹp đẽ nào đó trong quá khứ khi ta vẫn thường hay nghe ca khúc ấy.

"Về sau, chỉ cần nghe lại ca khúc ấy, ta liền quay trở về với ký ức sống động, đó là những chất kích thích, chất xúc tác đối với hệ thần kinh của chúng ta, đưa ra những tín hiệu dẫn truyền thần kinh tích cực, khiến ta cảm thấy vui tươi. Vì vậy, nghe những ca khúc khiến ta cảm thấy vui vẻ là một cách rất tốt để giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần".

(Nguồn: https://dantri.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.