You are here

Sách 119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em

Tác giả: 
Bùi Văn Tiếng - Trịnh Tuấn Khanh

Trẻ em thời nào thì cũng đều thích được vui chơi cùng nhau, cũng đều có nhu cầu về trò chơi tập thể - ít nhất là hai trẻ cùng chơi. Chính vì thế trong các trò chơi đồng dao - một loại trò chơi dân gian - không có chỗ cho trò chơi “một mình”/ “độc diễn”, kể cả khi mới lớn trẻ cũng được chơi trò chơi đồng dao với mẹ, hay nói đúng hơn là được mẹ dạy những bài học đầu đời qua trò chơi đồng dao - chơi mà học. Rồi khi chơi thể thao, trẻ em cũng thích chơi những môn thể thao mang tính tập thể cao như bóng chuyền, bóng rổ và nhất là bóng đá. Ngay khi chơi cầu lông hoặc bóng bàn, thường trẻ em cũng thích… đánh đôi hơn đánh đơn - mặc dầu đánh đơn đã là chơi cùng nhau. Đó là chưa kể tham gia những trò chơi tập thể đông vui ấy - kể cả các cuộc chơi cờ tướng hoặc cờ vua mặt đối mặt giữa hai kỳ thủ nhỏ tuổi - không chỉ có các người-chơi-trẻ-em mà còn có các người-xem-trẻ-em/ cổ-động-viên-trẻ-em. Chính vì thế hiện tượng nhiều trẻ em thời nay suốt ngày cứ ngồi cắm mặt vào màn hình máy tính bảng hoặc vào điện thoại thông minh để một mình chơi game là hoàn toàn xa lạ với niềm vui được chơi cùng nhau trước sự reo hò cổ vũ của bạn bè đồng trang lứa… 

Chơi bóng thì phải có bóng và có sân bóng - kể cả quả bóng bàn và bàn bóng bàn nhỏ hơn nhiều so với quả bóng và sân bóng dành cho bóng chuyền/ bóng rổ/ bóng đá. Sân bóng đá/ sân bóng chuyền/ sân bóng rổ thường ổn định lâu dài - bàn bóng bàn dễ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác thậm chí có thể xếp lại, nhưng cơ bản cũng ổn định. Trong khi đó, sân chơi dành cho trò chơi đồng dao cơ động hơn nhiều - chỉ cần một khoảng không gian đủ rộng cho cả người-chơi-trẻ-em và người-xem-trẻ-em/ cổ-động-viên-trẻ-em. Dụng cụ trong các trò chơi đồng dao cũng đơn giản và dễ tìm, nhiều khi chính là chân hoặc là tay của các người chơi. Có trường hợp người chơi dùng vừa tay vừa chân làm dụng cụ - chẳng hạn trong trò chơi Đi chợ về chợ có hai em ngồi lần lượt duỗi chồng bàn chân lên nhau rồi chồng bàn tay làm hoa, trong khi hai em khác vừa đi qua đi lại rồi nhảy qua nhảy lại vừa hát bài đồng dao Đi chợ về chợ có ca từ tương thích với từng động tác duỗi bàn chân, chụm bàn tay hay xòe bàn tay... Đương nhiên “dụng cụ” khiến chơi đồng dao khác với chơi thể thao chính là bài đồng dao mà người-chơi-trẻ-em học được từ mẹ/ từ bà và chủ yếu từ các bạn chơi trong trường/ trong xóm. 

Cho nên học chơi trò chơi đồng dao phải bắt đầu từ việc học hát đồng dao. Các bài hát đồng dao là di sản văn hóa phi vật thể được truyền từ đời này sang đời khác với nhiều dị bản - tùy theo mỗi vùng miền. Cũng có các nhạc sĩ đương đại sẵn lòng ký âm những làn điệu đồng dao, sưu tập/ biên tập lại ca từ, qua đó góp phần phổ cập đồng dao trong trẻ em. Thời buổi này phổ cập các bài hát đồng dao trong trẻ em thuận lợi hơn xưa, bởi không chỉ trên sóng phát thanh mà còn trên cả sóng truyền hình; đương nhiên lịch phát sóng phải phù hợp để khán/ thính-giả-trẻ-em có thể xem/ nghe mà không ảnh hưởng đến bữa ăn/ giấc ngủ hoặc đến việc học - “Hổng dám đâu em còn phải học bài/ hổng dám đâu em còn phải làm bài” (ca khúc Hổng dám đâu của Nguyễn Văn Hiên). Học chơi trò chơi đồng dao không chỉ phải biết hát đúng lời đúng nhạc bài hát đồng dao mà còn phải biết chơi đúng cách chơi - biết thực hiện động tác nào trước động tác nào sau cho tương thích với ca từ, rồi biết thế nào thì thắng thế nào thì thua, thế nào thì được thưởng thế nào thì bị phạt. Đó là chưa kể những người-chơi-trẻ-em cần phải có đầu óc tổ chức để rủ bạn chơi cùng, cũng như cần có tinh thần đồng đội để có thể cùng chơi…

Trẻ em ngày nay có nhiều sự lựa chọn về trò chơi hơn trẻ em ngày xưa, nhưng trò chơi đồng dao do dễ chơi - không đòi hỏi quá cao điều kiện về sân bãi và dụng cụ chơi, chưa kể còn được hỗ trợ bởi sức hấp dẫn của âm nhạc - nên vẫn có ưu thế nhất định để có thể tiếp tục đồng hành với trẻ em đương đại. Đương nhiên sở thích của người-chơi-trẻ-em thường đa dạng: có em thích chơi thể thao có em thích chơi đồng dao; ngay cùng thích chơi thể thao nhưng có em thích bóng bàn, có em thích bóng đá, thậm chí có em thích đánh cờ; hoặc cùng thích trò chơi đồng dao nhưng có em thích Dung dăng dung dẻ, có em thích Tập tầm vông… “Nhân sinh quý thích chí”, chơi cũng không ngoại lệ, có điều các bậc phụ huynh ở nhà và nhất là thầy cô ở trường hoàn toàn có thể định hướng và “truyền lửa” nhằm tạo cho trẻ em hứng thú cần thiết đối với các trò chơi đồng dao vốn bình dị bình dân và do vậy mà rất bình đẳng - ai cũng được chơi và ai cũng chơi được, bởi chơi thể thao còn đòi hỏi sự khổ luyện và thậm chí đòi hỏi năng khiếu, chứ còn chơi trò chơi đồng dao bài hát thì dễ nhớ dễ thuộc, cách chơi thì dễ biết dễ quen, chỉ cần có một tinh thần đồng đội và một tấm lòng đồng điệu…        

Đương nhiên dễ nhớ dễ thuộc đến mấy thì cũng cần biết nhạc và lời của từng bài đồng dao để hát cho đúng lời đúng nhạc; dễ biết dễ quen đến mấy thì cũng phải được hướng dẫn chơi cho đúng cách chơi. Và vì vậy trẻ em đương đại rất cần những tập sách như Một trăm mười chín trò chơi đồng dao dành cho trẻ em của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh. Là người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đồng thời là một nhạc sĩ và là một thầy giáo dạy âm nhạc, khi biên soạn tập sách này, Trịnh Tuấn Khanh có nhiều thuận lợi hơn những người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian không am hiểu nhạc lý. Đó là chưa kể được sinh ra và lớn lên ở nông thôn Bắc Bộ từ thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, Trịnh Tuấn Khanh có những năm tháng tuổi thơ từng mê mải với không ít trò chơi đồng dao và nhờ vậy mà hiểu biết về trò chơi đồng dao của Trịnh Tuấn Khanh còn là sản phẩm của một quá trình tự trải nghiệm. Đó là chưa kể lợi thế của một người làm văn nghệ truyền hình cũng giúp Trịnh Tuấn Khanh có điều kiện thâm nhập thực tế trò chơi dân gian nói chung, trò chơi đồng dao nói riêng, nhất là có điều kiện gần gũi học hỏi với nhiều chuyên gia trên lĩnh vực này... 

Với sự ngưỡng mộ sâu sắc về tâm huyết mà nhiều năm qua nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh đã dành cho văn hóa văn nghệ dân gian và đặc biệt đã dành cho trẻ em và cho một loại hình trò chơi của trẻ em thấm đẫm chất dân gian là trò chơi đồng dao, tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa tập sách Một trăm mười chín trò chơi đồng dao dành cho trẻ em.

ThS. Bùi Văn Tiếng
(Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng)

LỜI TÁC GIẢ SÁCH

Xin được thưa trước rằng: nội dung tập sách này không phải là tuyển tập trò chơi dân gian Việt Nam. Cũng chưa phải là trò chơi chọn lọc! Chúng tôi chỉ đi sâu giới thiệu một trăm mười chín trò chơi dân gian, đồng dao gần gũi với trẻ em Việt Nam.

Tự thổ lộ một chút về bản thân. Sinh ra ở nông thôn, nơi đồng chiêm trũng, châu thổ sông Hồng, lớn lên độ tuổi mục đồng, nhiều trò chơi dân gian, đồng dao đã gắn liền với bản thân. Khi sang tuổi người lớn, may mắn được gần gũi, “tháp tùng” một số vị “cao niên” xâm nhập thực tế vào lĩnh vực văn nghệ dân gian, một chuyên ngành tôi rất thích. Và thế là tám năm liền giảng dạy, truyền bá đồng dao, dân ca Việt Nam cho trẻ em trên sóng Truyền hình Việt Nam. Hơn mười lăm năm cùng GS-TS Khoa học Tô Ngọc Thanh, cố NSND, biên đạo múa Ybrom… chủ trì các cuộc liên hoan dân ca - dân vũ, (dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên). “Lăn lộn” cùng nhạc sĩ Trần Hồng (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), NSƯT Thiện Tâm… dàn dựng gần một trăm chương trình Giai điệu miền Trung (dân ca Nam Trung bộ) biểu diễn phục vụ khán giả các địa phương và phát sóng quảng bá trên Truyền hình Việt Nam… Nhiều năm trăn trở cùng “Từ điển sống”1] nhạc sĩ lão thành Trương Đình Quang (Giải thưởng Nhà nước về VHNT) giới thiệu chân dung các nghệ sĩ dân gian, các trò đồng dao vùng Nam Trung bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng…Văn nghệ dân gian nói chung, trò chơi cho trẻ em nói riêng cứ thấm dần, thấm dần trong tôi. Nguyện vọng tiếp là ghi chép, sưu tầm, hướng dẫn, quảng bá các trò chơi dân gian, đồng dao cho trẻ em Việt Nam, thưa quí bạn đọc! Một trăm mười chín trò chơi trong tập sách này mới chỉ là khởi đầu nan!

Chúng ta đã biết, đồng dao là một phần của âm nhạc dân gian, một phần của trò chơi dân gian. Nói cách khác, đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam được thể hiện qua các bài hát, các trò chơi, lời hát ru... Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, nhạc sĩ Trần Hồng, có ý kiến rất cụ thể về đồng dao gắn với trò chơi: “Đồng dao là bài văn vần, ngắn, truyền miệng của trẻ em luôn kèm theo trò chơi. Các em vui chơi nơi ruộng đồng, đồi núi, sân vườn, các em bày ra các trò chơi, qua các bài dân ca, vừa hát vừa chơi khi bỏ trâu vào rừng, vào núi… Bài hát đồng dao thường là một bài vè 3 chữ, 4 chữ có vần, có nội dung rõ ràng, dễ hiểu, dễ thuộc do các em sáng tạo ra phù hợp với các trò chơi. Về giai điệu, cấu trúc theo thang âm ngũ cung, hát như nói theo vần thanh âm rất đơn giản. Tiết tấu đều đặn, vui, khỏe, nhí nhảnh hợp với lứa tuổi của các em. Có những trò chơi dành riêng cho con trai hoặc con gái, nhưng thường là những trò chơi chung cho cả trai và gái rất vui vẻ”. Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, nhạc sĩ Trương Đình Quang đề cao tâm hồn của các em khi chơi các trò: “Đồng dao là thể loại ca hát bình dị, mà em bé nào cũng biết và yêu thích. Đồng dao với những trò chơi ngộ nghĩnh, những cảm xúc non tơ làm cho tâm hồn các em thêm tươi, thêm đẹp. Trò chơi trẻ em là những trò vui có lời (bài hát) hoặc không có lời. Những trò này đều mang những tính chất của sáng tác dân gian”.

Xin được nhắc lại: đồng dao là một phần của âm nhạc dân gian, một phần của trò chơi dân gian. “Bất kỳ dân tộc nào cũng có thú chơi dân gian. Người lớn có thú vui của người lớn, trẻ con có thú vui chơi riêng của thế giới tuổi thơ. Trò chơi là hình thái sinh hoạt ban đầu của trẻ. Khởi đầu của trò chơi là trò, tức là các hoạt động cá nhân đều diễn ra có ý thức, trước mắt người khác hay chỉ một mình. Sau đó trò được kết nối với chơi thành trò chơi mà theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1988 thì: trò chơi là những hoạt động bày ra để vui chơi, giải trí. Như vậy trò chơi là hoạt động có sự tham gia của nhiều người. Không có trò chơi nào diễn ra duy nhất chỉ có một người chơi, mà tối thiểu phải có từ hai trở lên. Người tham gia càng đông, tính hấp dẫn của trò chơi càng tăng cao thêm”[2]. Trò chơi, trò diễn dân gian là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong lễ hội truyền thống của người Việt Nam, một mảng của kho tàng văn hóa dân tộc cần được bảo tồn. Cái làm nổi đình đám của hội làng chính là các trò chơi, trò diễn, vui chơi, múa hát, thi tài là những sinh hoạt văn hóa đại chúng có sức hút mạnh mẽ, đông đảo mọi người cả hai phía: tham gia và tham dự, nhập cuộc và hưởng thụ, bởi nội dung và hình thức phong phú của các trò chơi, trò diễn dân gian đã khêu gợi hứng thú không chỉ giải trí, mà còn đáp ứng nhu cầu về rèn luyện tinh thần và thể lực của con người. Chỉ tiếc là ngày nay, các trò chơi dân gian, đồng dao không còn phổ biến như xưa. Trò chơi dân gian từng là một phần ký ức không thể phai mờ đối với thiếu nhi trong hành trang khôn lớn, thì giờ đây đang ngày một xa dần và có nguy cơ mất đi trong sự hờ hững của chính các em. Thực tế xã hội đã phần nào phản ánh được xu thế vui chơi của trẻ hiện nay, khi mà những đồ chơi hiện đại đang thắng thế và làm cho trò chơi dân gian xưa bị lãng quên dần. Thật đáng lo ngại khi cả một thế hệ tương lai của quốc gia đang quên đi bản sắc văn hóa dân tộc, quên đi những tinh hoa mà tổ tiên ta đã vun đắp, xây dựng từ hàng ngàn năm.

Lĩnh vực nghiên cứu về trò chơi dân gian, đồng dao cho trẻ em Việt Nam đã có nhiều công trình, nhiều cuốn sách được xuất bản với hàng loạt tác giả có tên tuổi dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình cho Văn nghệ Dân gian. GS-TS Khoa học Tô Ngọc Thanh với tuyển tập: Ghi chép về âm nhạc và văn hóa, Võ Văn Trực với Gọi nghé Nhà xb Kim Đồng 1967; tập Nhi đồng lạc viên của Nguyễn Văn Ngọc, in lần thứ hai, Hà Nội, Vĩnh Hưng Long thư quán xuất bản 1936; tập Chuyền thẻ của Trần Gia Linh Nhà xb Kim Đồng 1973; tập Rồng rắn đi đâu của Trần Hoàng, Nhà xb Thuận Hóa Huế 1987; tập Dung dăng dung dẻ của Trần Gia Linh, Nguyễn Thu Thủy, Hà Nội, Nhà xb Giáo dục, 1989; tập Trò chơi dân gian của Trương Kim Hùng, Phan Quỳnh Hoa, Hà Nội, Nhà xb Giáo dục, 1993; tập Đồng dao và trò chơi của các tác giả: Nguyễn Thúy Loan, Đặng Diệu Trang, Nguyễn Huy Hồng, Trần Hoàng, Nhà xb Văn hóa - Thông tin, 1997. Các tác giả sưu tầm biên soạn xoay quanh việc gìn giữ, giới thiệu các trò chơi dân gian còn rất nhiều như: Phan Đăng Nhật, Nguyễn Văn Bổn, Nguyễn Tử Yến, Lê Giang, Lê Anh Trung, Nguyễn Hữu Thu, Ngô Đình Chương, Nguyễn Anh Sơn, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Nguyên Cát, Lê Đình Khẩn, Trương Kim Oanh, Phan Quỳnh Hoa, Huy Hà, Phan Thanh Hiền, Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Chu Quang Trứ, Đào Cảng, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Văn Mại, Trần Hòa Bình, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Văn Sơn, Đoàn Việt Hùng… Chúng tôi không thể liệt kê hết các tập sách, các tác giả, các vị cao niên từ xưa tới nay đã hết lòng cho việc sưu tầm, quảng bá văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung và các trò chơi cho trẻ em Việt Nam nói riêng. Kính mong các vị thứ lỗi.

Cả một kho tàng đồ sộ các công trình - các tập sách, nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, quảng bá, truyền dạy các trò chơi dân gian, đồng dao cho trẻ em người Việt từ xưa tới nay là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, xin mạn phép suy nghĩ về tổng thể, “kho tàng đồ sộ ấy”: rất hiếm thấy trong các nhà sách hiện nay, lại càng hiếm hơn khi thấy nó được nằm trong các kệ sách của gia đình. Bởi một lẽ, sách về đề tài này rất ít khi được tái bản. Phải chăng là ít người mua, trong khi đó nhu cầu được vui chơi thông qua các trò dân gian, đồng dao của các em ngày càng có tín hiệu tích cực. Trong các trường học, trên các con phố đi bộ, đặc biệt trong các lễ hội, các trò chơi làm “nổi đình đám” trong phần “lễ”, góp phần không nhỏ với việc lôi kéo khách dự và khách cùng chơi trò chơi. Chính vì vậy việc sưu tầm, gìn giữ, quảng bá, truyền dạy các trò chơi dân gian, đồng dao Việt Nam cho các thế hệ sau là rất cần thiết, góp phần gìn giữ những tinh hoa của cha ông để lại.

Tập sách có ba chương chính:

- Chương I: Ba mươi sáu trò chơi thiên về vận động

- Chương II: Năm mươi lăm trò chơi thiên về khéo léo

- Chương III: Hai mươi tám trò chơi thiên về trí tuệ

Phần phụ lục:

- Những khúc đồng dao phù hợp với những trò chơi thiên về vận động (tác giả tập sách phổ lời đồng dao, ký âm hoặc sưu tầm)

- Những khúc đồng dao phù hợp với những trò chơi thiên về khéo léo (tác giả tập sách phổ lời đồng dao, ký âm hoặc sưu tầm)

- Những khúc đồng dao phù hợp với những trò chơi thiên về trí tuệ (tác giả tập sách phổ lời đồng dao, ký âm hoặc sưu tầm)

- Những ca khúc dành cho trẻ em hát trước, hoặc sau khi chơi xong trò chơi.

Kịch bản trò chơi đồng dao trên truyền hình:

- Kịch bản: Chào ông rắn đi đâu

- Kịch bản: Nghe ông kể chuyện ngày xưa

Góc nhìn của một số nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian về trò chơi đồng dao Việt Nam

Kết luận

Tài liệu tham khảo

Theo các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Huy Hồng, Nguyễn Thúy Loan, Đặng Diệu Trang, Trần Hoàng, các trò chơi được xếp theo ba nhóm: trò chơi vận động - trò chơi khéo léo - trò chơi trí tuệ. Cách phân chia này thực ra cũng chỉ là tương đối. Ở đây gồm có cả trò chơi có kèm lời bài hát và trò chơi không có lời bài hát. Khi phân nhóm chúng tôi dùng từ “thiên về” bởi trong vận động có thể lực, nhanh nhẹn. Trong trí tuệ có thông minh. Trong khéo léo có mềm dẻo, trong sáng... Có khi trong một trò chơi cũng phản ánh đầy đủ các tính chất của ba nhóm. Một trăm mười chín trò chơi trong tập sách này đã có từ rất lâu, nhiều trò được trẻ em chơi từ trước cách mạng Tháng Tám. Trong quá trình chọn lọc sưu tầm để gìn giữ, phổ biến, chúng tôi cố gắng tuyển chọn những trò gần gũi hơn với trẻ em. Dù có xa xưa nhưng không cổ lỗ, vẫn đồng hành được với đời sống đương đại mà trẻ em đang chơi các trò hiện nay. Do vậy trong quá trình thể hiện chúng tôi có ý chăm chút tỷ mỉ từng trò chơi, địa điểm diễn xướng, phục trang, dụng cụ cho trò chơi, đối tượng, độ tuổi, chơi trong nhà hay ngoài sân, vùng đất trống, ban ngày hay ban đêm dưới ánh trăng… sao cho trò chơi đến được với các em một cách thoải mái, vui và an toàn nhất. Nhiều trò chơi rất dân dã, đơn giản nhưng ngày nay đã được biến hóa, thậm chí “biến tướng”, buộc chúng tôi phải suy tính, cân nhắc xin ý kiến các vị “cao niên” về những điều cần góp ý với thầy cô giáo, quản trò, điều gì tâm tình, khuyên nhủ với các em trước và sau khi chơi. Đảm bảo tính kế thừa, phát huy, gìn giữ những tinh hoa của cha ông chúng ta để lại, nhằm mục đích cho các em Vui - Khỏe - Lanh lợi - Đoàn kết và An toàn. Song song với việc sưu tầm các trò chơi, nhiều năm qua chúng tôi cố gắng sưu tầm, ghi âm, phóng tác, phổ lời hàng trăm bài đồng dao trên nền nhạc. Sáu mươi ca khúc đồng dao trong tập sách này được gắn liền với các trò chơi. Có bản nhạc thuộc loại hình biểu diễn, có ca khúc đồng dao để các em chơi hát trước và sau khi chơi, có ca khúc đồng dao dùng cho hát múa tập thể, có ca khúc phổ nhạc rất đơn giản (theo nhịp điệu của trò chơi - theo cao độ của thanh bằng thanh trắc lời đồng dao) để các em vừa hát vừa chơi được dễ dàng. Trong đó có một số ca khúc phổ lời đồng dao đã được trẻ em trong cả nước đón nhận như: Ông giẳng ông giăng, Mèo đuổi chuột, Dung dăng dung dẻ, Chim công kể chuyện, Thìa la thìa lẩy, Con tôm con cá con cua, Kéo cưa lừa xẻ

Cũng vì khuôn khổ của tập sách, nên chúng tôi chỉ xin cung cấp hai kịch bản truyền hình (giới thiệu trò chơi quen thuộc trên VTV) để quý phụ huynh, quản trò, các em tham khảo nếu có điều kiện sẽ dàn dựng vui chơi, hoặc thể hiện trong các ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Phần cuối tập sách, trước phần kết luận, chúng tôi xin chuyển tải toàn bộ hoặc trích đăng một số ý kiến của các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian về lĩnh vực Trò chơi dân gian, đồng dao cho trẻ em Việt Nam để mọi người cùng tham khảo.

Tác giả tập sách xin chân thành cảm ơn họa sĩ Nguyễn Văn Tám vẽ bìa sách, họa sĩ Lê Huy Hạnh và “họa sĩ nhí” Tâm Nguyên 11 tuổi ở Đà Nẵng vẽ tranh minh họa, họa sĩ Trần Nhơn (vẽ chân dung nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh), họa sĩ Nguyễn Phương Nam trình bày sách.

Sinh ra ở một làng quê, nhớ lại tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh mà tôi đã phổ nhạc (ca khúc Ký ức làng quê): “Xưa tôi sống trong làng/ giờ làng sống trong tôi”. Hơn nửa cuộc đời sống trên phố mà tôi vẫn canh cánh nhớ về cây đa, giếng nước, sân đình. Nơi được đắm mình với những làn điệu dân ca, hết mồ hôi với những trò chơi dân dã, những câu cãi vã rất nhà quê… Mơ mộng được sưu tầm, gìn giữ, quảng bá các trò chơi dân gian, đồng dao cho trẻ em Việt Nam, một trăm mười chín trò chơi, hai kịch bản, sáu mươi bản nhạc trong tập sách này là kết quả của những điều tai nghe mắt thấy dù rằng rất ít. Bởi trò chơi của các em bây giờ phần nhiều trong máy với “bùm bùm - chat chat - thế quân - thế mạng”. Tác giả tập sách này mong ước trẻ em Việt Nam chắc chắn sẽ thích và “nghiền” lại các trò chơi dân gian, đồng dao. Và khi đã thích rồi thì mở mạng lên, trong máy điện thoại của các em đã có sẵn phần mềm, download về chơi mệt nghỉ!

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh
Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng
Phó Chủ Tịch Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng

[1] Công chúng  thường gọi  nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, nhà lý luận âm nhạc - sân khấu  Trương Đình Quang là: “Từ điển sống”.

[2] Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Đoàn Việt Hùng.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.