You are here

Phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu tự hào Dệt may Việt Nam”

Tác giả: 
Thanh Nhã

Chiều 7/4/2023, tại Hà Nội, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề “Giai điệu tự hào Dệt May Việt Nam”. Cuộc thi nhằm tìm được những ca khúc hay, ý nghĩa về ngành Dệt May, chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội VI Công đoàn Dệt may Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Dự Lễ phát động có: ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; ông Vũ Mạnh Tiêm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam; ông Nguyễn Thái Dương – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; GS.nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường; NSƯT Doãn Nguyên – Trưởng Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nhạc sĩ Bá Môn, Hoàng Anh, Vũ Thiết, Ngọc Thịnh, Duy Thịnh, Ngọc Hòa, Tuấn Phương, Huyền ngọc, NSƯT Đức Chính, và đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ.

Dệt may được coi là một trong những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, đối với Việt Nam, ngành dệt may là một trong những ngành hàng sản xuất chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế. Những năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn do biến động của nền kinh tế toàn cầu, nhưng Công đoàn Dệt May Việt Nam đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, dùng toàn bộ năng lực chăm lo hỗ trợ cho người lao động với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo khích lệ cho người lao động gắn bó với nghề.

Trong lịch sử đã có nhiều ca khúc ra đời như: Mùa xuân trên thành phố Dệt, Qua bến đò Quan, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Bài ca may áo, Một thoáng quê hương, Thoi tơ, Dệt nên những ước mơ, Khúc ca tự hào Dệt may Việt Nam… đã nói lên tâm tình của người thợ, khái quát lên những đóng góp của ngành trong công cuộc xây dựng bảo vệ và kiến thiết đất nước, đồng thời cũng góp phần cộng hưởng thêm những giai điệu, những thanh âm, những ca từ vô cùng đẹp đẽ cho nền âm nhạc Việt Nam. Mặc dù vậy trong giai đoạn hiện nay đang thiếu vắng những ca khúc viết về ngành, khi mà ngành Dệt may vẫn đang ngày đêm hối hả vận động, phát triển, không ngừng làm đẹp cho đời, làm đẹp cho xã hội không chỉ trên thị trường Việt Nam mà trên toàn thế giới. Một Dệt may Việt Nam rất truyền thống và cũng rất mới mẻ đang hiện hữu trong đời sống thực trong dòng chảy thời đại.

NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phát biểu: Các nhạc sĩ của Hội đã gắn bó nhiều năm đối với ngành dệt may, hôm nay vui mừng hưởng ứng để bước vào một chặng đường sáng tạo để có những tác phẩm mới, dệt nên những ước mơ để có những bài ca thể hiện niềm tự hào của ngành Dệt may Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh có ý kiến: Dệt may Việt Nam đã có rất nhiều thành tựu trong thời gian qua và đặc biệt là trong tình hình mới hiện nay, tuy nhiên chúng ta thấy rằng những ca khúc tôn vinh về ngành, ngoài những ca khúc đi cùng năm tháng của thế hệ nhạc sĩ tiền bối, đó là những ca khúc rất hay, có vị trí đặc biệt. Nhưng trong cuộc sống đương thời hiện nay, những ca khúc mới viết về ngành dường như không có nhiều. Đặc biệt để tìm được một ca khúc chung viết về ngành là tiếng nói chung của các Công đoàn, các nhà máy thuộc về ngành Dệt may Việt Nam có một tiếng nói chung thì chưa xứng tầm với sự phát triển và thành tựu của ngành Dệt may Việt Nam. Với góc độ là một nhạc sĩ sáng tác và các nhạc sĩ sáng tác thì đều phải có tính thực tế. Vì vậy, đề nghị Ban tổ chức nên tổ chức chuyến đi thực tế cho đoàn nhạc sĩ thăm các nhà máy, để các nhạc sĩ được tiếp xúc với các anh chị em công nhân, nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư tình cảm của họ, có sự kết nối tìm được tiếng nói chung, để các sáng tác đạt được giá trị chân thực nhất.

Nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên: Cần tuyên truyền cho cuộc thi để làm lan tỏa rộng khắp về ý  nghĩa cũng như mời gọi được nhiều nhạc sĩ trong cả nước, để có nhiều tác phẩm tốt dành cho ngành Dệt may Việt Nam, là một trong những ngành rất đáng tự hào.

Nhạc sĩ Lân Cường chia sẻ kinh nghiệm sáng tác tại họp báo.

* Tại chương trình, một số ca khúc sáng tác về ngành dệt may đã được các nghệ sĩ thành viên Công đoàn Dệt May Việt Nam biểu diễn:

Dệt nên những ước mơ

Thoi tơ, sáng tác: Đức Quỳnh

Mùa xuân trên thành phố Dệt, sáng tác: Trần Chung

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Kế hoạch

Phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành Dệt May Việt Nam

Năm 2023, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của Ngành Dệt May Việt Nam; nổi bật là Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội VI Công đoàn Dệt May Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Để thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện lịch sử quan trọng năm 2023, Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về ngành Dệt May Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Thông qua Cuộc thi nhằm tìm kiếm các tác phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh được vai trò và những đóng góp to lớn của ngành Dệt May Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước; những ca khúc hay cũng sẽ là thông điệp để tuyên truyền, truyền thông sâu rộng trong Nhân dân và công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), tôn vinh giá trị truyền thống yêu nước, yêu ngành của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đoàn viên, CNVCLĐ ngành Dệt May Việt Nam.

- Chủ đề Cuộc thi nhằm giới thiệu văn hóa, con ngưòi, truyền thống và những thành quả của ngành Dệt May Việt Nam trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; cổ vũ, động viên đoàn viên, CNVCLĐ tiếp tục hăng hái thi đua lao động sáng tạo, xây dựng ngành Dệt May Việt Nam ngày một tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển.

2. Yêu cầu:

- Cuộc thi được triển khai rộng rãi, thu hút được đông đảo các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong nước, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia, đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.

- Tác phẩm dự thi là các ca khúc có nội dung tư tưởng đúng chủ đề, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của ngành; có chất lượng nghệ thuật cao, lời ca trong sáng, ngắn gọn, giàu cảm xúc, dễ hát, dễ nhớ, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam.

- Cuộc thi được tổ chức khoa học, bài bản, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, an toàn; các tác phẩm được lựa chọn có sức lay động, lan tỏa và truyền cảm hứng.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG THAM GIA

1. Nội dung:

- Chủ đề của Cuộc thi: “Giai điệu tự hào Dệt May Việt Nam”

- Nội dung tác phẩm tham gia cuộc thi.

- Ca ngợi truyền thống, văn hóa, lịch sử, nhịp sống mới, nét độc đáo riêng về văn hóa, ngành nghề truyền thống và những thành quả của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ngành Dệt May Việt Nam trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển ngành Dệt May.

- Ca ngợi sự vươn lên mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của ngành Dệt May Việt Nam trong sự nghiệp xây dụng và phát triển của đât nước.

* Không bao gồm các ca khúc có nội dung về một đơn vị, doanh nghiệp cụ thể.

2. Đối tượng tham gia

Gồm các nhạc sĩ chuyên và không chuyên là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước; cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ có khả năng viết ca khúc đều có thể tham gia Cuộc thi.

Thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi có quyền tham gia hưởng ứng sáng tác ca khúc nhưng tác phẩm sẽ không được tham dự xét giải thưởng.

III. QUY ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM DỰ THI

1. Thể loại: Ca khúc và hợp xương.

2. Số lượng tác phẩm của mỗi tác giả: Mỗi tác giả gửi tham gia cuộc thi không quá 2 tác phẩm/thể loại.

3. Điều kiện tác phẩm dự thi:

- Tác phẩm dự thi là các ca khúc có ca từ trong sáng, dễ hiểu, nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật tốt, bám sát chủ đề, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, dễ phổ biến, dễ hát, dễ dàn dựng hát đơn ca, tốp ca hoặc hợp ca. Tác phẩm dự thi do chính tác giả hoặc có thể thuê ca sĩ thể hiện.

- Tác phẩm dự thi phải là ca khúc mới sáng tác, chưa được phổ biến và tham gia bất kỳ cuộc thi nào ở mọi cấp, mọi ngành (không được mua bán quyền sở hữu trí tuệ dưới mọi hình thức). Ban Tổ chức sẽ không xét giải đối với tác phẩm sao chép, mô phỏng ý tưởng và giai điệu, lời ca của các tác giả khác trong và ngoài nước, tác phẩm được trợ giúp bằng các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).

- Tác giả dự thi chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm dự thi của mình theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện tác phẩm đoạt giải vi phạm quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin.

IV. THỜI GIAN TRIỂN KHAI, CÁCH THỨC GỬI TÁC PHẨM DỰ THI

1. Thời gian tổ chức và trao giải

- Thời gian phát động cuộc thi: Từ ngày 07/04/2023.

- Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Bắt đầu từ 08h00’ ngày 01/05/2023 đến 17h00’ ngày 15/08/2023 (nếu tác phẩm dự thi gửi qua đường bưu điện thì Ban Tổ chức sẽ tính theo dấu Bưu điện).

- Thời gian chấm tác phẩm: Từ 16/08/2023 đến hết ngày 10/09/2023.

- Công bố kết quả và trao giải: Tại buổi công diễn chào mùng Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 (dự kiến tổ chức vào tháng 10/2023).

2. Hồ sơ và cách thức gửi tác phẩm dự thi

* Hồ sơ tác phẩm dự thi gồm:

- 01 bản ký âm đầy đủ phần nhạc và lời đánh máy trên giấy A4 (bản PDF).

- 01 bản thu âm ca khúc định dạng file Mp3.

- 01 Phiếu đăng ký dự thi của tác giả (bản PDF) trong đó ghi rõ họ và tên tác giả, bút danh - nếu có; đơn vị, nơi công tác, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại liên hệ, địa chỉ email - nếu có; tên tác phẩm dự thi, thể loại. Nếu tác phẩm phổ thơ, lời thơ (ghi rõ tên tác giả thơ và được sự đồng ý của tác giả thơ cho gửi tác phẩm dự thi).

- Các cách thức gửi tác phẩm dự thi:

- Gửi qua email theo địa chỉ: sangtaccakhucnganhdetmayvn@gmail.com (gửi phiếu đăng ký dự thi, bản ký âm theo định dạng PDF cùng file thu âm định dạng MP3).

- Gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp theo địa chỉ: Ban Tuyên giáo - Nữ công Công đoàn Dệt May Việt Nam - số 460 Minh Khai, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Ngoài bì thư ghi rõ Tác phẩm tham đự Cuộc thi sáng tác các ca khúc về ngành Dệt May Việt Nam (gửi bản PDF phiếu đăng ký dự thi, bản ký âm cùng file thu âm tác phẩm trong 01 USB).

Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về các tác phẩm, gửi tham gia Cuộc thi không đúng thời gian quy định hoặc bị thất lạc trong quá trình gửi tham dự. Tác giả chịu trách nhiệm về tính bảo mật của tác phẩm dự thi trong quá trình gửi tác phẩm dự thi về Ban Tổ chức Cuộc thi.

* Thông tin theo dõi, liên hệ:

- Kế hoạch phát động Cuộc thi "Sáng tác ca khúc về ngành Dệt May Việt Nam" được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử, trang Facebook của Công đoàn Dệt May Việt Nam; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành.

- Mọi chi tiết xin liên hệ Ban Tuyên giáo - Nữ công Công đoàn Dệt May Việt Nam. Địa chỉ: số 460 Minh Khai, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội (đ/c Nguyễn Hồng Chiến, điện thoại: 0912.84.32.39).

V. BAN CHỈ ĐẠO, BAN TỔ CHỨC, HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO, TỔ GIÚP VIỆC

1. Ban Chỉ đạo Cuộc thi: Ban Chỉ đạo Cuộc thi gồm Thường trực đoàn Dệt May Việt Nam và đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo - Nữ công.

2. Ban Tổ chức:

- Ban Tổ chức Cuộc thi gồm: Đại diện Thường trực, Thường vụ, Ban Tuyên giáo Công đoàn Dệt May Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn và một số thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

3. Hội đồng Giám khảo

- Hội đồng giám khảo đánh giá tác phẩm dự thi là những nhạc sĩ chuyên nghiệp, có uy tín của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và một số thành viên do Công Dệt May Việt Nam mời tham gia.

- Hội đồng Giám khảo có trách nhiệm xây dựng tiêu chí chấm điểm và quy chế làm việc trên cơ sở yêu cầu của Cuộc thi; đảm bảo khách quan, công bằng được Ban Tổ chức thông qua.

4. Tổ giúp việc

Tổ Giúp việc gồm: Đại diện Ban Tuyên giáo - Nữ công Công đoàn Dệt Việt Nam và một số thành viên chuyên môn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

* Trong quá trình triển khai Cuộc thi, căn cứ vào tình hình thực tế, Công đoàn Dệt May Việt Nam có thể điều chỉnh, bổ sung thành phần tham gia của các Ban Giúp việc cho phù hợp.

VI. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG VÀ MỨC THƯỞNG; CÁCH THỨC CHẨM ĐIỂM

1. Cơ cấu giải thưởng và mức thưởng

- Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ xem xét khen thưởng đối với các tác phẩm dự thi đảm bảo chất lượng; trao Giấy chứng nhận giải thưởng và tiền thưởng đối với các tác phẩm đạt giải.

- Cơ cấu giải thưỏng Cuộc thi như sau:

+ 01 Giải đặc biệt, trị giá 80.000.000 đồng (tám mươi triệu).

+ 01 Giải Nhất, trị giá 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu).

+ 02 Giải Nhì, mỗi giải trị giá  40.000.000 đồng (bốn mươi triệu).

+ 03 Giải Ba, mỗi giải trị giá 30.000.000 đồng (ba mươi triệu).

+ 10 Giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 20.000.000 đồng (hai mươi triệu).

+ Một số giải chuyên đề khác 10.000.000 đồng/giải

* Căn cứ thực tế chất lượng các tác phẩm dự thi và kết quả chẩm thi của BGK, số lượng các giải có thể thay đổi do BTC quyết định.

2. Cách thức chấm điểm

- Điểm của các tác phẩm được Hội đồng giám khảo chấm dựa trên các tiêu chí cơ bản của thang, bảng điểm do Hội đồng giám khảo xây dụng và được Ban Tổ chức thông qua.

- Căn cứ thực tế số lượng các tác tham gia dự thi, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo sẽ bố trí sắp xếp các buổi làm việc và các vòng chấm thi cho phù hợp và đảm bảo tiến độ.

VII. QUY ĐỊNH SỬ DỤNG TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TÁC GIẢ

1. Quy định sử dụng tác phẩm tham gia Cuộc thi

- Đối với các tác phẩm đoạt giải, Công đoàn Dệt May Việt Nam có quyền sử dụng tác phẩm cho các hoạt động tuyên truyền, các hoạt động sự kiện của Công đoàn Dệt May Việt Nam. Ban Tổ chức không trả lại hồ sơ tác phẩm và USB đã gửi tham gia Cuộc thi.

- Giải thưởng sẽ được trao trực tiếp cho tác giả có tác phẩm dự thi đoạt giải hoặc người được tác giả đoạt giải ủy quyền nhận giải khi kết thúc Cuộc thi. Trường hợp tác giả không có điều kiện tham dự lễ trao giải, Ban Tổ chức sẽ gửi qua đường bưu điện.

2. Trách nhiệm của tác giả

- Thực hiện đúng quy định của Cuộc thi; việc gửi tác phẩm tham gia dự thi được xem như tác giả đã chấp nhận mọi quy định, thể lệ Cuộc thi.

- Chịu trách nhiệm về bản quyền tác giả, quyền liên quan, chi phí nhận giải và thuế thu nhập cá nhân (tiền giải thưởng) theo quy định của pháp luật.

Thể lệ Cuộc thi được ban hành kèm theo Kế hoạch và được đăng tải trên Cổng TTĐT của Công đoàn Dệt May Việt Nam, cổng TTĐT Hội Nhạc sĩ Việt Nam và một số cơ quan báo chí khác. Việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung thể lệ Cuộc thi thuộc thẩm quyền của Ban Tổ chức Cuộc thi.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công đoàn Dệt May Việt Nam

1.1 Ban Tuyên giáo - Nữ công

- Là đầu mối tham mưu, giúp Thường trực Công đoàn Dệt May Việt Nam trong việc triển khai, tổ chức Cuộc thi.

- Tham mưu công tác hướng dẫn, đôn đốc chung; tham mưu thành lập Ban Tổ chức, Tổ Giúp việc, mời Hội đồng Giám khảo; tổ chức truyền thông; trực tiếp thu nhận các tác phẩm dự thi; giải đáp thắc mắc, tổng họp thông tin tác phẩm dự thi; tổng hợp kết quả, báo cáo Ban Tổ chức và đề xuất khen thưởng.

- Đầu mối lập dự trù kinh phí tổ chức.

1.2. Văn phòng

- Phối họp với các Ban, Bộ phận liên quan, hướng dẫn xây dựng dự toán kinh phí tổ chức và các thủ tục thanh quyết toán theo quy định.

- Phối hợp lập dự trù kinh phí, trực tiếp thực hiện thanh quyết toán Cuộc thi.

1.3. Các Ban chức năng

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Ban Tuyên giáo - Nữ công, triển khai, thực hiện Kế hoạch này.

1.4. Các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi đơn vị, lựa chọn hình thức phù hợp để triển khai, tổ chức Cuộc thi tới các cấp công đoàn. Lựa chọn tác phẩm tiêu biểu nhất gửi tham dự Cuộc thi.

- Phối hợp với Bộ phận Truyền thông của Công đoàn Dệt May Việt Nam để thông tin, giới thiệu về Cuộc thi, tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia Cuộc thi.

2. Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn

Đề nghị Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn

- Hội Nhạc sĩ Việt Nam tuyên truyền trên các kênh thông tin, truyền thông của Hội; vận động, triển khai cuộc thi đến các cấp Hội trong cả nước.

- Tư vấn về chuyên môn đảm bảo Cuộc thi đạt chất lượng, hiệu quả.

- Tham gia công tác tổ chức và quá trình phân loại, thẩm định tác phẩm.

Công đoàn Dệt May Việt Nam mong nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các nhạc sĩ, các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành; sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành về Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Hội Văn học nghệ thuật; các Trường nghệ thuật; các đơn vị nghệ thuật trong cả nước để Cuộc thi thành công tốt đẹp.

BAN THƯỜNG VỤ

CÔNG ĐOÀN DỆT MAY VN

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

THỂ LỆ CUỘC THI

1. Quy cách tác phẩm và một số quy định liên quan:

- Thể loại âm nhạc: Ca khúc và họp xướng.

- Số lượng tác phẩm của mỗi tác giả: Mỗi tác giả gửi tham gia cuộc thi không quá 2 tác phẩm/thể loại.

- Tác phẩm dự thi phải là ca khúc mới sáng tác, chưa được phổ biến và tham gia bất kỳ cuộc thu nào ở mọi hình thức tổ chức, không có tranh chấp bản quyền (không được mua bán quyền sở hữu trí tuệ).

* Không bao gồm các ca khúc có nội dung về một đơn vị, doanh nghiệp cụ thể.

- Ban Tổ chức sẽ không xét giải đối với tác phẩm sao chép, mô phỏng ý tưởng và giai điệu, lời ca của các tác giả khác trong và ngoài nước, tác phẩm được trợ giúp bằng các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).

- Tất cả các tác phẩm, vật phẩm thể hiện tác phẩm gửi kèm tham dự cuộc thi, Ban Tổ chức không gửi lại tác giả và được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để phục vụ cho các hoạt động sự kiện của Công đoàn Dệt May Việt Nam. Trường hợp Ban Tổ chức sử dụng tác phẩm không đoạt giải sẽ thỏa thuận trực tiếp với tác giả và trả nhuận bút theo quy định hiện hành.

- Tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm dự thi của mình theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện tác phẩm đoạt giải vi phạm quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chi phí nhận giải và các khoản nộp thuế thu nhập cá nhân liên quan đến giải thưởng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân sẽ do cá nhân đoạt giải chi trả.

- Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về các ca khúc gửi tham gia cuộc thi không đúng thời gian quy định (căn cứ theo dấu Bưu điện) hoặc bị thất lạc trong quá trình tác giả gửi tác phẩm tham gia cuộc thi.

2. Tác phẩm dự thi:

- Là ca khúc bao gồm 01 bản thu âm ca khúc định dạng file Mp3 và 01 bản ký âm đầy đủ phần nhạc và lời đánh máy trên giấy A4 (bản PDF).

- Các cách thức gửi tác phẩm dự thi:

+ Gửi qua email theo địa chỉ: sangtaccakhucnganhdetmayvn@gmail.com (gửi phiếu đăng ký dự thi, bản ký âm theo định dạng PDF cùng file thu âm định dạng MP3).

+ Gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp theo địa chỉ: Ban Tuyên giáo - Nữ công Công đoàn Dệt May Việt Nam - số 460 Minh Khai, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ngoài bì thư ghi rõ Tác phẩm tham dự Cuộc thi sáng tác các ca khúc về ngành Dệt May Việt Nam (gửi bản PDF phiếu đăng ký dự thi, bản ký âm cùng file thu âm tác phẩm trong 01 USB).

- Tác phẩm dự thi có thể ghi các thông tin gồm: Họ và tên, số chứng nhân dân, địa chỉ liên lạc, số điện thoại của tác giả trên bản ký âm (bản PDF), nhưng chỉ ghi tại vị trí đầu trang giấy (phía trên cách tên ca khúc và khuông nhạc 2cm). Ban Tổ chức chịu trách nhiệm mã hóa các tác phẩm dự thi trước khi chuyển cho Hội đồng giám khảo tiến hành chấm thẩm định.

3. Cách thức chấm điểm

- Điểm của các tác phẩm được Hội đồng giám khảo chấm dựa trên các tiêu chí cơ bản của thang, bảng điểm do Hội đồng giám khảo xây dụng trên cơ sở yêu cầu của cuộc thi và đã được Ban Tổ chức thông qua.

- Căn cứ thực tế số lượng các tác phẩm tham gia dự thi, Ban Tổ chức, Ban khảo sẽ bố trí sắp xếp các buổi làm việc và các vòng chấm thi cho phù hợp và đảm bảo tiến độ. Hội đồng giám khảo có trách nhiệm xây dựng dự thảo tiêu chí và cách thức chấm điểm đảm bảo tính khách quan, công bằng thông qua Ban Tổ chức.

BAN TỔ CHỨC

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.