You are here

Nữ nhạc sĩ Thu Hường - Người đi gieo hạt

Tác giả: 
Mai Hữu Phước

 

Giấc mơ thành cô giáo

Thu Hường sinh ra và lớn lên tại xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Quế Hiệp là một vùng bán sơn, bán địa, là một vùng khắc nghiệt và cằn cỗi.

Bây giờ, đường đi về nhà Hường còn khó, huống chi là thời bấy giờ cách đây 30 năm. Từ nhà Hường muốn đến trường học gần nhất phải qua nhiều đoạn trơn trợt và sông thì không có cầu. Người lớn ai cũng lo mưu sinh nên không thể đưa trẻ con đến trường đựơc. Do vậy mà đến năm 9 tuổi Hường mới có cơ hội đến lớp. Tuy chưa đi học ở trường , nhưng đã được người lớn bày cho biết đọc, biết viết.

Có lẽ để bù đắp cho sự thiệt thòi áy nên Hường học rất chăm và trở thành học sinh giỏi nhất lớp trong suốt thời gian học cấp một, cấp hai. Không chỉ học giỏi mà Hường còn xông xáo trong mọi hoạt động trường lớp, nhất là phong trào văn nghệ. Nhờ thành tích học tập xuất sắc và các hoạt động phong trào nổi bật mà mùa hè năm 1985, cô học trò quàng khăn đỏ ấy đã vinh dự đại diện cho vùng quê miền núi hẻo lánh đặt chân đến TP. Hồ Chí Minh hoa lệ để tham dự hội trại cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc. Bốn năm học cấp hai là cả bốn năm Hường làm liên đội trưởng của trường.

Học xong cấp hai thì hầu hết các bạn của Hường đều thôi học. Trường cấp ba thì xa, muốn học phải ở trọ, nhưng cái khó khăn lớn nhất vẫn là điều kiện kinh tế gia đình. Nhà Hường có đến bảy anh chị em đang tuổi ăn tuổi lớn nên càng khó khăn hơn. Để được học, Hường phải tranh thủ cuối tuần về nhà lên núi kiếm củi đổi gạo và học cho bằng đựơc với sự quyết tâm cao độ. Cả làng chỉ có mỗi mình Hường là con gái đi học cấp ba thời bấy giờ. Khát khao duy nhất và là ước mơ cháy bỏng của bé gái 9 tuổi mới đi học lớp một là trở thành cô giáo. Cùng với thời gian, Hường đã vượt qua mọi khó khăn để nuôi cho mơ ước ấy lớn dần.

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp cấp ba, Hường ra Đà Nẵng thi và đã đậu thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng năm đó. Sau ba năm trọ học với không biết bao nhiêu khó khăn phải vượt qua. Thậm chí có lúc “cầm hơi” bằng tiền nhuận bút thơ văn viết cho các báo. Trong thời gian này Hường đã có những vần thơ “gây sự chú ý” viết về mẹ đăng trên Báo Mực Tím: Mẹ của con là nắm khoai chà/ Thơm lựng theo con từng đêm cư xá/ Em và con đều xa mẹ cả/ Ở hai đầu nỗi nhớ hương quê… Nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn (Đà Nẵng) đã rất xúc động khi tình cờ đọc được bài thơ và phổ thành bài hát cho thiếu nhi phổ biến một thời.

Mùa hè năm 1993, Hường tốt nghiệp chuyên ngành Nhạc-Văn và về lại quê xưa để thực hiện giấc mơ gõ đầu trẻ của mình. Sau ba năm dạy nhạc tại trường tiểu học Quế Châu, huyện Quế Sơn thì cô giáo Hường đã phải chia tay với các học trò thân yêu của mình để “trôi” theo dòng đời đang cuộn chảy. Đến miền đất mới là huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, Hường lại vui với những ánh mắt học trò mới đầy trong trẻo và ngây thơ. Gắn bó với miền đất mới, tâm huyết trong sự nghiệp trồng người nên nhiều năm liền Hường là giáo viên giỏi cấp huyện, rồi cấp tỉnh. Không dừng lại ở đó, cô giáo Hường một lần nữa “khăn gói” quay lại giảng đường để cập nhật kiến thức và đã có được mảnh bằng cử nhân khoa học chuyên ngành âm nhạc của Trường Đại học sư phạm Hà Nội.Có lẽ nỗi nhớ quê, nhớ những kỷ niệm thời đi học, tình yêu, tuổi trẻ... và sự gắn bó với những ánh mắt ngây thơ trong học đường đã dần hình thành trong Hường các giai điệu để viết nên những ca khúc đầu tiên.

Âm nhạc như là máu thịt

Đến Quế Hiệp, huyện Quế Sơn mà hỏi gia đình ba mẹ Hường, gần như ai cũng bảo đó là một gia đình nghệ sĩ. Hường có bảy anh chị em thì tất cả đều biết đàn hát. Riêng Hường và cậu em trai được học hành bài bản nên trở thành nhạc sĩ. Người em trai tên là Trần Quế Sơn đã rất nổi tiếng với bài hát “Cõng mẹ đi chơi”. Về xứ Quảng hỏi dân văn nghệ thì hầu như không ai không biết bài hát này. Và đâu đó trên các sân khấu chuyên nghiệp hay quần chúng hoặc lúc trà dư tửu hậu không ít người lại thích “Cõng mẹ đi chơi”. Riêng với Hường tuy chưa đến trường cho đến năm 9 tuổi, nhưng nhiều đêm đã lẽo đẽo đi theo bố làm “kép nhí” cho gánh hát bộ địa phương do ba Hường đứng ra tổ chức phục vụphong trào văn hóa văn nghệ và động viên lao động sản xuất thời bấy giờ. Ông ngoại Hường là vốn là một người chơi nhạc cho nhà thờ và thông thạo nhiều loại nhạc cụ nên đã truyền dạy lại cho các anh chị em của Hường. Đến khi đi học thì Hường hát tưng bừng trên các sân khấu hội diễn văn nghệ từ trường, đến huyện và lên tỉnh. Rất nhiều phần thưởng và huy chương xứng đáng đã được dành cho cô giáo dạy nhạc tương lai này. Hường ôm guitar dạo nhạc khi còn là học sinh cấp hai. Sau này thì bén duyên với các nhạc cụ organ và piano.

Khi là giáo viên âm nhạc tại huyện Di linh, cô giáo dạy nhạc “kiêm ca sĩ” đã được đón chào nồng nhiệt dưới ánh đèn màu của các sân khấu hội diễn. Đài truyền hình tỉnh Lâm Đồng đã phải làm một chương trình truyền hình riêng mang tên “Tiếng hát Thu Hường” để giới thiệu giọng ca số 1của Ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng. Tại nơi Hường hiện sống nhiều phụ huynh đã tìm gởi con mình theo học piano với cô giáo Hường. Mặc dù công việc đầy bận rộn vì lo toan cuộc sống, nhưng sáng tác ca khúc mới là mục tiêu đeo đuổi chính của Thu Hường. Năm 2000 thì ca khúc đầu tay viết cho người lớn ra đời. Bài hát có tên “Lời buồn trên đá” (phỏng thơ Bùi Kim Tú). Ca khúc đầu tay viết cho thiếu nhi là “Vầng trăng, chiếc võng” (2001). Các học trò đón nhận bài hát của cô giáo với sự ngạc nhiên, thích thú. Điều này đã kích thích sự sáng tạo của Thu Hường, các ca khúc viết cho học trò lần lượt lại ra đời. Và thế là cô trò cùng nhau lên truyền hình trong chương trình “Thu Hường và những giai điệu tuổi thơ”.

Cuối năm 2007, Thu Hường được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng, chuyên ngành âm nhạc, trở thành nữ nhạc sĩ duy nhất hiện nay của xứ sở vàng rực hoa dã quỳ và lãng mạn mimosa. Vào Hội VHNT Lâm Đồng không bao lâu, Thu Hường viết “lên tay” hẳn, và chỉ 4 năm phân đấu, năm 2011 Thu Hường được kết nạp vào hội nhạc sĩ Việt Nam chuyên ngành sáng tác.

Thu Hường tâm sự:“ Rất yêu trẻ con, niềm đam mê lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của minh là viết thật nhiều ca khúc cho trẻ con”. Được biết Thu Hường đã xuất bản tập ca khúc thiếu nhi với 20 ca khúc chọn lọc có tên Vầng trăng cánh võng do Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2009. Hy vọng tập bài hát này sẽ như là món quà nhiều ý nghĩa của cô giáo tâm huyết với ngành, với nghề dành cho thế hệ trẻ. Trên sân khấu Đô rê mí năm 2009 Bé Chỉ Hoa đạt giải triển vọng khi chọn ca khúc Bé làm phi công( Phỏng thơ Vũ Duy Thông) của Thu Hường để dự thi. Và cho tới nay, Thu Hường sáng tác rất nhiều ca khúc cho thiếu nhi khác nữa và đã có thêm tập ca khúc cho người lớn : Từ bục giảng yêu thương ( NXB Thanh Niên - 2013 ) và 3 CD ca khúc viết cho người lớn,sẽ phát hành trong thời gian tới.

Hai năm gần đây, Thu Hường còn là một trong những cây bút phê bình và phân tích tác phẩm âm nhạc đắc lực cho tạp chí Langbiang, tạp chí Non Nước với những bài báo được bạn đọc chú ý....

Năm 2013 Thu Hường sang tác một thể loại tương đối mới. Đó là tác phẩm đầu tay viết cho đàn piano có tựa đề : Đà Lạt trong tôi gồm ba chương, chương 1: Đà Lạt thuở hồng hoang, chương 2: Đà Lạt xuân thì, chương 3 Đà Lạt ngàn hoa. Tác phẩm này đạt giải ba của Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh Lâm đồng trao tặng. Năm 2014, Thu Hường nhận được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với Ca khúc thiếu nhi Vầng trăng cánh võng đạt giải khuyến khích. Tuy giải chưa cao lắm nhưng đánh một mốc son trong sự nghiệp sáng tác của môt cô giáo dạy Âm nhạc ở vùng cao nguyên này.

Thời gian gần đây chị hay viết các ca khúc cho thầy cô hát. Quả thật các ca khúc dành cho thầy cô hát rất ít. Hy vọng, ca khúc Từ bục giảng yêu thương là món quà tri ân, là khúc nhạc ca ngợi những con người đi gieo hạt cho đời.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

 

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.