You are here

Nhạc sĩ Trần Tiến với đường Trường Sơn

Tác giả: 
Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII

Tôi là người đọc khá nhiều, lưu giữ được một ít tài liệu quý của cả hai phía, ta và Mỹ, về đường Trường Sơn năm xưa. Hơn nữa, sau này công tác ở Quốc hội có ít nhiều liên quan đến giai đoạn xây dựng đường Hồ Chí Minh, nên tôi đặc biệt quan tâm tới tất cả những câu chuyện xảy ra trên con đường chiến lược lịch sử này. Vì thế, câu chuyện của nhạc sĩ Trần Tiến về những năm tháng anh gắn bó với đại ngàn Trường Sơn càng cuốn hút tôi và tôi không thể không ghi lại để chia sẻ với bạn đọc.

Năng lượng sống và sáng tác mạnh mẽ

Tôi có duyên vài lần gặp nhạc sĩ Trần Tiến nhờ quen biết gia đình cô Phùng Thị Thu Thủy, họ hàng của anh. Lần nào gặp anh, tôi cũng ấn tượng với năng lượng sống và sáng tác đặc biệt mạnh mẽ cùng tính cách cởi mở, chân thành, tinh thần lạc quan, yêu đời nhưng cũng rất nghiêm túc trong công việc.

Trần Tiến sinh năm Đinh Hợi, hơn tôi 10 tuổi và anh cho rằng mình rất hợp với những người tuổi Đinh, Nhâm và Canh. Trong bữa cơm thân mật đầu xuân Nhâm Dần cùng tôi và người bạn nữa tuổi Đinh Dậu, nhạc sĩ nói đùa: “Chúng mình chẳng là cái đinh gì nhưng mà là 3 cái Đinh”. Rồi anh kể mình đã ra chiến trường như thế nào.

Mọi người hẳn còn nhớ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 6 vạn thanh niên Hà Nội đã tham gia trên tuyến đường Trường Sơn trong các đơn vị quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, văn nghệ xung kích. Năm 1967, chàng trai Hà Nội Trần Tiến vừa tròn 20 tuổi, đang là ca sĩ Đoàn Ca múa Hà Nội, đã cùng nhóm nghệ sĩ xung kích do chính bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội khi đó thành lập vào biểu diễn phục vụ những người con Thủ đô đang bám trụ ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh. Bài hát Thanh niên ra tiền tuyến nổi tiếng của anh ra đời trong thời gian này. Anh kể là bài hát đã có “sức mạnh khủng khiếp” động viên, kêu gọi biết bao thanh niên tạm xa quê hương lên đường ra mặt trận và hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do của Tổ quốc.  

Năm 1968, Trần Tiến được cử sang Lào biểu diễn khắp các chiến trường và anh đã sáng tác bài Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp. Nhạc sĩ nói đùa là khi ấy anh suýt nữa trở thành “phò mã” của nước bạn Lào.

Cả hai bài hát Thanh niên ra tiền tuyến và Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp đã đoạt Giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, sau này, cùng với các tác phẩm Giai điệu Tổ quốc (1980), Chiếc vòng cầu hôn (1984), Tùy hứng ngựa ô (1987), Chị tôi (1997) đưa anh tới Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác giả và nhạc sĩ Trần Tiến tại studio của nhạc sĩ

“Có một thời như thế” trên đường Trường Sơn

Năm 1971, khi đã là người lính Trường Sơn, nhạc sĩ Trần Tiến tham gia Chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Anh cũng đã tới Sê-pôn, Seng Phan và nhiều trọng điểm khác trên tuyến, nơi cao hơn tiếng bom là khe núi tiếng đàn (Tiếng bom ở Seng Phan, thơ Phạm Tiến Duật, 1968), nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát (Lửa đèn, thơ Phạm Tiến Duật, 1967). Khi đó, anh được gặp Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên cùng với nhà thơ Phạm Tiến Duật và ca sĩ Huyền Châu - người biểu diễn rất hay bài dân ca quan họ Người ơi, người ở đừng về. Trần Tiến nhớ mãi việc Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tặng anh mẩu nhân sâm dài gần bằng ngón tay. Nhờ mẩu nhân sâm đó mà anh có đủ sức đi tới Binh trạm 32, một trong những nơi ác liệt nhất trên tuyến đường Trường Sơn. Sau chiến dịch này, nhạc sĩ bị sốt rét ác tính, kiệt sức nên được đưa ra miền Bắc điều trị.

Khi gặp lại Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trong dịp lễ kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh năm 1999, Trần Tiến đã sáng tác ca khúc Có một thời như thế, ghi lại những ngày tháng chiến đấu ở Trường Sơn. Năm 2007, tên bài hát đã trở thành tên một đĩa nhạc của nhạc sĩ. Sau đêm nhạc "Chuyện tình" ở Nhà hát Lớn Hà Nội tháng 3.2021, vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến cùng chúng tôi ăn tối ở quán Ầu Ơ trên phố Lý Thường Kiệt, anh đã ngẫu hứng hát bài về những người lính của Ban Xây dựng 67, thường gọi tắt là Ban 67, lực lượng của Bộ Giao thông vận tải trên đường Trường Sơn trong chiến tranh, với những câu hát hào hùng: Bạn уêu dấu có một thời ta từng sống bên nhau/Từng đam mê những con đường và tiếng hát/Tuổi thanh xuân ta đã qua những khu rừng thắm máu đào của bạn bè Ban 67 đầy khát khao/Ta đã hát vang trời, giữa làn khói bom vùi, những đoạn đường, những kỷ niệm, những buồn vui/Ta đã sống kiêu hùng trong cuộc chiến bi hùng, naу trở về ôm đồng đội tóc bạc phơ/Bao nhiêu năm ta lại về ngồi bên nhau, taу trong taу như những người bạn chiến đấu/Để một thời nhớ một thời, để một đời nhớ một đời, tìm lại mình Trường Ѕơn ngàу xưa ấу... (Có một thời như thế, 2007) .

Trần Tiến kể rằng, mỗi sáng tác của anh là một câu chuyện. Nhưng cũng có những tác phẩm chứa đựng tới cả chục câu chuyện. Được biết nhà báo Đinh Thị Thu Hà, bút danh Việt Hà, từng công tác ở báo Sài Gòn Giải Phóng, đang tập hợp các tác phẩm âm nhạc của Trần Tiến gắn với những câu chuyện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể để sớm in thành sách, kỷ niệm một thời sáng tác và biểu diễn không ngừng nghỉ của anh.

Đã có lúc Trần Tiến có vấn đề về sức khỏe, nhưng giờ thì hàng ngày anh thức dậy lúc 5 giờ sáng, ngồi thiền khoảng một tiếng, tập khí công rồi chạy bộ, tập thể dục để hồi phục sức khỏe sau những đêm biểu diễn hay làm việc miệt mài trong studio. Đó cũng chính là cách anh nạp thêm năng lượng, xung lực cho con đường sáng tạo nghệ thuật phía trước. Chúng ta tự hào vì có những nhạc sĩ tài hoa vào sinh, ra tử, luôn sống hết mình, cống hiến không mệt mỏi cho nền âm nhạc Việt Nam như Trần Tiến.

(Nguồn: https://daibieunhandan.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.