You are here

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Toàn Việt Nam đón chào ngày mới

Tác giả: 
Vương Tâm

Lần nào đến Cần Thơ tôi cũng đi dạo công viên Lưu Hữu Phước bên đại lộ Hòa Bình. Công viên mang hình dáng cây đàn ghi ta thật độc đáo. Đây là một trong số ít công viên mang tên nhạc sĩ và trở thành trung tâm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng thành phố. Bức tượng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) luôn hiện diện với cây đàn cùng bước chân lãng tử trên mọi cung đường. Nhịp đập trái tim tôi xáo động theo từng nốt nhạc kiêu hùng của ông.

Số phận kỳ lạ của những tuyệt phẩm hành khúc

 Người hướng dẫn đoàn chúng tôi là anh Đinh Văn Phú ở Cần Thơ. Anh bồi hồi đứng bên bức tượng nhạc sĩ say sưa kể chuyện cho chúng tôi nghe những ký ức không thể nào quên về nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ông sinh tại thành phố Cần Thơ và có tài bẩm sinh về âm nhạc dân tộc, khi được gia đình cho đi học đàn Kìm và đờn ca tài tử. Ông chăm chỉ tự học đàn Măngđôlin, ghi ta và ký xướng âm cơ bản theo sách Tây. Đặc biệt nhạc sĩ có năng khiếu sáng tác ca khúc. Ở tuổi 16, Lưu Hữu Phước đã viết những dòng nhạc đầu tiên thể hiện tình yêu đất nước tha thiết qua khúc ca “Non sông gấm vóc”.

Nhưng có lẽ bài hát “Tiếng gọi thanh niên” của ông viết ở tuổi 18 mới tạo nên hiệu ứng đặc biệt trong giới trẻ ở miền Nam. Đây là thời gian ông học tú tài ở Sài Gòn. Nhóm hoạt động thanh niên học sinh yêu nước do ông đứng đầu tạo nên phong trào sôi nổi. Bài hát ra đời do Lưu Hữu Phước viết nhạc cùng hai bạn khác viết lời (tiếng Pháp) gây chấn động trong phong trào hoạt động thanh thiếu niên ngày đó. Không khí thời cuộc với tình yêu nước kháng Pháp rất sục sôi trên khắp đất nước.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Tranh sơn dầu của Trịnh Kim Vinh (vợ nhạc sĩ) vẽ

Sau khi tốt nghiệp tú tài Lưu Hữu Phước ra Hà Nội học Cao đẳng Y khoa niên khóa (1940-1944). Ca khúc “Tiếng gọi thanh niên” đi theo Lưu Hữu Phước với nhiệt huyết bừng sôi. Do tiếp xúc với một số cán bộ cách mạng thời gian bí mật này nhạc sĩ Lưu Hữu Phước càng muốn dùng âm nhạc để thể hiện tình yêu nước của mình. Trong một ngày tham gia lễ hội đền Hùng (1942), ông đã viết lại lời tiếng Việt cho ca khúc “Tiếng gọi thanh niên” để dàn hợp xướng trẻ biểu diễn phô trương lực lượng. Đồng thời đây cũng là dịp tổ chức cách mạng lên tiếng kêu gọi thanh niên sinh viên rời bỏ nhà trường. Họ động viên nhau không theo học để làm tay sai cho giặc Pháp.

Ban hợp xướng ba mươi thành viên say sưa biểu diễn gây xúc động lòng người. Hàng trăm cánh tay giơ lên ủng hộ và nâng cao tinh thần xả thân cứu nước. Trong dịp này một số hành khúc mới của Lưu Hữu Phước cũng được hòa nhịp với tinh thần yêu nước rạo rực. Mọi người đều được truyền tụng phổ biến sâu rộng những bài ca: “Bạch Đằng Giang”, “Xếp bút nghiên”, “Bài hát thiếu sinh quân”…và đặc biệt là “Hờn sông Gianh” và “Hát Giang trường hận”…

Nhưng có điều kỳ lạ, riêng bài hát “Tiếng gọi thanh niên” đã bị tay sai thực dân Pháp sửa lời để dùng làm quốc ca cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa (từ năm 1954). Mặc dù chúng rất biết nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã tham gia kháng chiến trên Việt Bắc và là cán bộ cách mạng cao cấp của Đảng và Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam. Mãi cho đến khi đất nước thống nhất (1975) bài hát mới được trả lại nguyên vẹn với lời ca gốc như ban đầu. Cùng với hành khúc “Tiếng gọi thanh niên” còn có bài “Hát Giang trường hận” (1942) của ông cũng có một đời sống đặc biệt khác. Giai điệu của bài hát đầy tâm cảm với nỗi buồn ám ảnh khôn lường, khóc thương cho sự tuẫn tiết của Hai Bà Trưng. Sau này bản nhạc đã được dùng làm lễ truy điệu các chiến sĩ cách mạng hy sinh cho tổ quốc. Những nốt nhạc trầm buồn thấm buốt lòng người mỗi khi chia xa đồng đội trong trận mạc. Bài hát đã được đổi thành “Hồn tử sĩ” vào năm 1946. Từ đó đến nay 80 năm bài hát ra đời vẫn được dùng để làm nhạc lễ quốc tang mỗi khi nhà nước tổ chức truy điệu. Những lời ca vẫn âm vang trong tâm cảm mọi người: “Đêm khuya âm u/ Ai khóc than trong gió đàn/ Sóng cuốn Trưng Nữ Vương/ Gợi muôn ngàn bên nước tràn/ Hồn ai đang thổn thức trên sông…”.

Những ân tình đầm ấm cung tơ

Đúng như anh Đinh Văn Phú kể chuyện, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn có những hành khúc khác sống mãi với thời gian như “Lên đàng” (1944); “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (1947); “Giải phóng miền Nam” (1961); “Tiến về Sài Gòn” (1966); và “Tình Bác sáng đời ta” (1969)... Nếu bài hát “Giải phóng miền Nam” một thời là Quốc ca của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976); thì hành khúc “Lên Đàng” lại trở thành bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (đã gần 80 năm). Nhưng có lẽ tính đến nay trường hợp bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” là sâu sắc nhất.

Cây đàn Mandolin (Bảo tàng lịch sử Cần Thơ) luôn gắn bó với nhạc sĩ trong kháng chiến chống Mỹ

Bài hát có số phận kỳ lạ vì nó đã trở thành bản nhạc “Lãnh tụ ca” của Đảng ta. 75 năm trôi qua, bản nhạc luôn vang lên trong các hội nghị quan trọng của Đảng. Đó là một tuyên ngôn về con đường cách mạng với lời hát thể hiện mục đích cao cả: “Muôn lòng sung sướng muôn lời hát ca/ Trời Việt Nam hòa bình nở hoa/ Hồ Chí Minh muốn toàn dân sướng vui/ Vững bền xây đắp nên đời thắm tươi…” (Nhạc Lưu Hữu Phước-Lời Lưu Hữu Phước và Nguyễn Đình Thi).

Hướng dẫn viên Đinh Văn Phú còn cho biết mới đây Nhà nước đã cho phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lưu Hữu Phước (1921-2021). Bộ tem được phát hành trong ba năm (2021-2023) với mẫu hình chân dung nhạc sĩ cùng bản nhạc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Dòng in còn đỏ dấu son năm tháng. Chúng tôi ai nấy đều xốn xang trong trái tim hòa nhịp cùng lời ca ấm áp, ngân rung khắp vườn hoa bát ngát hương bay.

Lát sau anh Đinh Văn Phú mỉm cười hiền hậu dẫn chúng tôi đi quanh bức tượng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Với chúng tôi đó là một nụ cười Cần Thơ ấm áp gửi trao bao niềm vui cho những du khách. Chúng tôi dừng chân và nghe anh kể tiếp những câu chuyện về người nhạc sĩ tài danh này. Câu chuyện vui nhất là sau ngày Thủ đô giải phóng (1954) nhạc sĩ cưới vợ và đã được nhà thơ Tố Hữu tặng thơ mừng. Vợ ông là họa sĩ Trịnh Kim Vinh (sinh năm 1932) cùng tham gia cách mạng. Mối tình hai người đẹp như bài thơ vậy. Cả hai hoạt động văn hóa trên chiến khu Việt Bắc suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Nhà thơ Tố Hữu đã ghép tên hai người trong lời chúc phúc: “Tổ quốc quang Vinh, gia đình hạnh Phước/ Cùng nhau tiến bước anh Phước chị Vinh/ Bây giờ tình đã gặp tình/ Chung nhau bảo vệ hòa bình mạnh hơn”. 

Hướng dẫn viên Đinh Văn Phú còn kể, đến năm 1965 nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được cử vào mặt trận miền Nam. Ông đã tạm xa vợ và ba con nhỏ để tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ tại quê hương. Thời gian trôi đi trong vô định khó biết ngày nào trở lại. Họa sĩ Trịnh Kim Vinh đã động viên chồng “Lên đàng” với tình cảm tha thiết, và mong ông thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được trao. Trước khi đi nhạc sĩ đã làm một ngôi nhà bằng giấy cho ba con trai nhỏ nuôi dế hót. Ông ra đi với niềm vui gửi lại cho các con khôn lớn và hẹn vợ ngày trở về. Nhạc sĩ trở thành Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng và sau đó còn làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tuy bận nhiều công việc tại Trung ương Cục miền Nam nhưng nhạc sĩ luôn viết thư gửi ra với tình cảm sâu sắc và luôn luôn nhớ thương người vợ hiền. Trong đó có bức thư còn được họa sĩ Trịnh Kim Vinh giữ lại với những lời bày tỏ yêu thương: “Ngày hôm nay sinh nhật của em, anh đang ở một điểm thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định, anh nhớ em. Em tròn 40 tuổi, nhưng người cách mạng không bao giờ già. 40 tuổi là 40 mùa Xuân, cứ Xuân mãi đấy thôi…” (Thư viết vào ngày 1-1-1972).

Âm thanh vang vọng đất trời

Vậy là phải sau 10 năm xa cách vợ chồng nhạc sĩ mới đoàn tụ. Khi đó bài ca “Tiến về Sài Gòn” cùng hành khúc “Giải phóng miền Nam” của ông vang lên  trong chiến thắng huy hoàng. Ông mất vào năm 1989 và để lại sự nghiệp âm nhạc cách mạng đồ sộ với tài năng xuất chúng của mình. Nhạc sĩ đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.

Toàn cảnh công viên Lưu Hữu Phước

Có nhạc sĩ đã nói ông là một kỷ lục gia về hành khúc cách mạng và là hiện tượng hiếm có trên thế giới. Lúc này chúng tôi chợt nhớ đến câu nhạc mở đầu bài “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” hàng ngày luôn vang lên trên đồng hồ Bưu điện thành phố Hà Nội. Đó là những giai điệu ngân vang bên hồ Hoàn Kiếm luôn gắn bó với nhân dân Thủ đô. Ai ai cũng nhớ đến câu hát mỗi khi nhạc chuông bay xa: “Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi/ Toàn Việt Nam đón chào ngày mới/ Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta/ Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta…”.

(Nguồn: https://antgct.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.