You are here

Ngũ Cung và những bản Rock tràn sức sống

Tác giả: 
Trần Thị Trường

Nhiều khi bạn đọc chỉ quen với những tên tuổi cũ, những giá trị đã được khẳng định, mà quên mất rằng, hằng ngày những cái mới đang sinh sôi. Ở đây, tôi xin giới thiệu những người mới, rất mới, mà sáng tạo của họ hiện chinh phục không chỉ số đông mà còn với người trong giới chuyên môn đó là: Ban Nhạc Ngũ Cung.Có người còn bảo: “Khi chán đời hãy đến nghe Ngũ Cung một lần,bạn sẽ thấy lại niềm tin cuộc sống”.

Được thành lập ngày 10-10-2007, xét về tuổi đời trong âm nhạc đến nay thì Ngũ Cung còn khá trẻ. Nhưng ngày từ những từ lúc sơ khai, Ngũ Cung luôn tiên phong với mô hình tổ chức chuyên nghiệp của một ban nhạc rock. Các thành viên trong ban nhạc thì đặt tiêu chí sáng tạo làm đầu. Cũng bởi sự khắc nghiệt của tính chuyên nghiệp, đến nay cũng không ít thành viên đã tự đào thải cho dù tình bạn của họ vẫn còn nguyên. Hiện nay, khán giả nhìn thấy đội hình Ngũ Cung gồm: Đỗ Hoàng Hiệp (ca sĩ, sáng tác, trưởng ban nhạc), Trần Thắng (guitar lead, sáng tác, phối khí).Nguyễn Văn Tuấn (guitar bass, sáng tác, phối khí), Trần Hoàng Đức (trống), David Payne (guitar, effect).

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Đỗ Hoàng Hiệp

1/Như nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận xét: Ngũ Cung là ban nhạc có khả năng vượt ra khỏi biên giới Việt, biểu diễn ngang ngửa với các đồng nghiệp ở nước ngoài, đồng nghĩa là Ngũ Cung có thể mang tầm vóc thế giới ở tương lai gần? Bạn nghĩ gì về điều này?

Đầu tiên, ban nhạc Ngũ Cung xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Ngũ Cung không hề ngại khi đem âm nhạc của mình đứng chung sân khấu với các ban nhạc, nghệ sĩ nước ngoài. Qua liveshow Cao Nguyên Đá vừa được tổ chức tại Giảng Võ Hà Nội đã có rất đông khán giả cả trong và ngoài nước đến với Ngũ Cung. Có thể nói đến nay số lượng fan yêu mến ban nhạc càng ngày càng tăng, càng ngày càng nhiều. Khi nghe tin ban nhạc tổ chức liveshow, cho dù không nhiều nhưng cũng đã có một số bạn, một số những nhóm người tại các quốc gia trên thế giới đã gửi ảnh cũng như lời chúc mừng tới ban nhạc. Đây là một niềm hạnh phúc vô bờ bến và cũng là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển âm nhạc của Ngũ Cung.

Từ sự nỗ lực của ban nhạc, sự ủng hộ của khán giả trong và ngoài nước, cũng như của các bậc nghệ sĩ đi trước, bản thân Hoàng Hiệp và anh em ban nhạc tin rằng, trong một tương lai không xa, Ngũ Cung sẽ vươn ra ngoài lãnh thổ cùng với mong muốn mang những nét đẹp văn hóa, tình yêu, đất nước, con người Việt Nam đến nhiều người thế giới biết đến thông qua một thứ ngôn ngữ chung đó chính là âm nhạc.

2/ Nếu có thể khái quát nhất về Ngũ Cung, bạn có thể nói gì: lấy tâm tình Việt làm gốc cho sáng tác và biểu diễn? Phát triển từ rock siêu thực (psychedelic rock)? Rock nghệ thuật (art rock) hay một ảnh hưởng nào từ các trường phái rock bên ngoài?

Là một ban nhạc được đào tạo bài bản, có một nền tảng vững chắc, luôn học hỏi và là một tập thể đoàn kết. Qua quá trình sáng tác và biểu diễn đến nay, ban nhạc đã có được con đường đi riêng trong âm nhạc. Luôn lấy gốc rễ là tâm tình, nét tinh hoa Việt, kết hợp với kinh nghiệm và âm nhạc của mình để luôn làm mới, luôn vươn lên không ngừng, đó chính là Ngũ Cung.

3/ Thường thì các ban nhạc rock - progressive thường từ bỏ loại hình một ca khúc ngắn của nhạc pop để dồn sức cho các kỹ thuật sáng tác và biểu diễn gắn với nhạc jazz hay nhạc cổ điển nhắm gắng sức đem lại cho nhạc rock tầm vóc ngang bằng về sự phức hợp âm nhạc và sự trân trọng của giới chuyên môn. Còn các bạn? Điều gì làm cho các bạn trở nên khác biệt, hấp dẫn với fans Việt và thể hiện được đẳng cấp với bên ngoài?

Cùng một câu chuyện thì luôn có vô vàn những cách kể khác nhau thông qua nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Cái khác biệt của Ngũ Cung đó chính là ban nhạc đã tạo ra tiếng nói riêng về âm nhạc gắn liền với nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc ta dựa trên cảm xúc cũng như tâm hồn mình.

Âm nhạc thì luôn muôn màu, rock cũng vậy, ở trong nhạc rock thì cũng có rất nhiều những thể loại khác nhau như: metal, progressive, punk v.v… kết hợp với đó, dựa trên những am hiểu về các loại hình âm nhạc khác như jazz, cổ điển v.v.. Ngũ Cung đã khéo léo biến những mảng màu âm nhạc đó hòa quyện làm một, tạo ra một màu sắc riêng của mình.

Trong rock của Ngũ Cung, mỗi một tác phẩm ra đời, ngoại trừ giai điệu mới là điều đương nhiên nhưng các hợp âm, câu cú guitar hay trống cũng đều phải mới. Chính vì vậy, một tác phẩm của rock bao giờ thai nghén cũng lâu hơn rất nhiều so với một bản nhạc pop.

4/ Các bạn phải mất bao lâu để trải qua những thực nghiệm về cấu trúc tác phẩm, nhạc cụ, hòa âm, tiết tấu và lời ca? Và làm thế nào để chịu được những thử thách khắc nghiệt về sự hưởng ứng của cộng đồng khi mà người trẻ thì không có tiền mua vé, người có sẵn sàng bỏ tiền mua vé lại chỉ thích những âm thanh quen tai?

Để những lời ca cũng như các hòa âm phối khí trong ban nhạc được như bây giờ thì tính ra có lẽ cũng mất khoảng 5 năm để Ngũ Cung có được sự hòa hợp cả trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống bên ngoài giữa các thành viên. Là một ban nhạc, khó hơn nhiều so với một ca sĩ đơn lẻ. Ca sĩ thì là một người, cũng chỉ lo về phần hát và biểu diễn, còn một ban nhạc thì ngược lại, đông người hơn, lo nhiều khâu hơn, từ phối khí, dàn dựng, đến thời gian tập nhạc cũng mất thời gian nhiều hơn để cho ra được một tác phẩm.

“Những người sẵn sàng bỏ tiền mua vé lại chỉ thích những âm thanh quen tai”, nói thế có lẽ không đúng, ai chẳng thích cái mới, còn muốn nghe “quen tai” thì ở nhà bật đĩa là xong thôi mà. Đôi khi, vì xem một ban nhạc với chương trình “khủng” sẽ phải chi nhiều hơn vì thành viên ban nhạc nhiều, kèm với đó là hệ thống âm thanh “đỉnh”, những tác phẩm mới, lạ và duy nhất… nên những người đơn giản, họ tặc lưỡi đến với chương trình đơn giản. Và đó cũng là lý do khiến các đơn vị tổ chức hay mời các ca sĩ đơn lẻ để tiết kiệm được chi phí.

Quả thực, trước đây Ngũ Cung cũng buồn vì điều này, nhưng đến giờ mọi chuyện có lẽ đã khác rồi, người trẻ giờ cũng không hẳn chỉ thích đi xem miễn phí, họ phải tiết kiệm nhiều thứ để mua vé vào với show mà họ ưa thích, còn những người có nhu cầu thưởng thức âm nhạc có giá trị thì họ sẵn sàng bỏ tiền để nghe thứ âm nhạc mà họ vừa ý.

5/ Các ban nhạc rock thường thường nổi bật về kỹ năng trình tấu nhạc cụ và ca sĩ của band cũng là người có giọng hát, khả năng trình diễn đặc trưng cho các bản rock do chính họ sáng tác cũng như làm mới các bản nhạc cũ. Trong Ngũ Cung, điều đó được thể hiện như thế nào?

Ngoại trừ nổi bật về các kỹ năng nhạc cụ cũng như giọng hát thì ở Ngũ Cung, những thành viên luôn có một tiếng nói chung, đồng điệu về tâm hồn trong âm nhạc. Cái lợi thế ở Ngũ Cung là trong ban nhạc, các thành viên cũng phong phú cả về tuổi đời, có người 20, có người 30, cũng có người 40. Kinh nghiệm và sức sáng tạo của 3 thế hệ: 7x,8x và 9x đã cộng lại làm nên sức mạnh. Mỗi người trong Ngũ Cung đều chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, có thể hoán đổi vị trí cho nhau lúc tập. Rồi thêm cả yếu tố nước ngoài, một tư duy khác, bổ sung: đó là David Payne, người Úc đã sống tại Việt Nam 15 năm. Ngũ Cung vì thế có phong cách đa dạng, phong phú và giàu sức sáng tạo.

6/ Thường thì các band nhạc rock sử dụng kỹ thuật hòa trộn trong mở rộng khúc thức các chương đoạn và những đoạn nhạc chuyển tiếp làm cầu nối các chương đoạn lại với nhau, tạo nên những tổ khúc theo phong cách cổ điển, hoặc mở rộng bảng màu âm bằng cách thêm vào những nhạc cụ điển hình hơn cho nhạc dân gian, jazz, hoặc âm nhạc của dàn nhạc truyền thống. Còn Ngũ Cung thì sao? Việc khám phá những nhịp phức tạp (5/8 hay 7/8) hay những biến chuyển liên tục tiết tấu, chủ âm và nhịp phách là việc phổ biến trong các sáng tạo của Ngũ Cung?.

Đúng như vậy, Ngũ Cung luôn biến đổi khôn lường trong cách hòa âm phối khí. Những nhịp bình thường đơn giản được phối hợp chặt chẽ với những nhịp phức tạp hơn, các tiết tấu cũng như hợp âm được biến chuyển liên tục. Chính những điều đó đã khiến cho các bản nhạc của Ngũ Cung không bị gò bó và luôn được phát triển sáng tạo. Trước đây, điều này cũng là một bất lợi cho ban nhạc, vì thường khi nghe những nhịp khó hay đảo phách, khán giả có vẻ hơi khó nghe, nhưng đến giờ có một sự thật rằng, khi đã nghe được nhạc của Ngũ Cung, khán giả sẽ không bao giờ quên, tác phẩm đó sẽ đọng lại mãi trong họ. “Một cách nghe khác, một ý thức và khả năng khác trong việc nghe nhạc.”

7/ Những sáng tác của Ngũ Cung cho đến giờ thường mang phong vị vùng cao: Cướp vợ, Nụ hôn trên đỉnh Fan xi fang, Truyết trắng và đỗ quyên đỏ, Du tiên… Ngũ Cung sẽ mở rộng những cảm hứng của mình tới các miền âm thanh Việt khác hay tiếp tục chỉ với vùng Cao Nguyên đá…?

Cũng có nhiều phản hồi từ phía các khán giả thế hệ 9x rằng: “Không có những tác phẩm của Ngũ Cung chắc chẳng bao giờ em biết và để ý đến được người Hơ Mông có tục cướp vợ, cũng chẳng thể biết được vẻ đẹp tình bạn của hoa Đỗ quyên, hay vẻ đẹp cũng như sự kiên cường của Cao Nguyên Đá ”…

“Không bao giờ dừng bước” đó chính là phương châm cũng như quan điểm của Ngũ Cung trong con đường âm nhạc. Ngũ Cung tự đặt ra nhiệm vụ: mang đến và phổ cập cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ những nét văn hóa đẹp của các dân tộc. Trong sáng tác của Ngũ Cung thường gắn kết âm nhạc với một câu chuyện nổi bật của mỗi vùng miền để nhiều người hiểu rõ hơn về con người cũng như lịch sử của đất nước Việt Nam ta. Hiện nay, Ngũ Cung cũng đã bắt đầu thu album tiếp theo với nhiều chủ đề, nhiều vùng miền mới. Và rất mong tiếp tục được sự đón nhận từ phía khán giả trên mọi miền Tổ quốc.

8/ Nhiều khán thính giả yêu âm nhạc có điệu tính, những bản nhạc “du dương”, dễ thuộc của một thời kỳ (nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến), nhưng đồng thời những người đó lại bị chinh phục qua những tái hiện (làm mới theo cách Ngũ Cung) những bản nhạc: Cung đàn mùa xuân, Hò kéo pháo, Hát mừng Anh hùng Núp, Giấc mơ Chapi, Hành khúc ngày và đêm… Có thể lý giải điều đó thế nào nhỉ?

Khán giả bị chinh phục, điều đó đã lý giải tất cả. Còn Ngũ Cung chỉ biết thả hồn và làm hết sức mình vào mỗi tác phẩm mà thôi. Bất kỳ một tác giả nào cũng đều muốn tác phẩm của mình sống mãi theo thời gian, mà thời gian thì luôn không ngừng thay đổi, chính vì vậy mà các ca khúc cũ cũng nên mặc những chiếc áo mới sao cho phù hợp hơn với đôi tai thời mới. Có lẽ những khán thính giả của nhạc vàng, nhạc đỏ hay nhạc tiền chiến cũng vậy, nghe lần đầu có thể họ bị sốc vì chưa quen tai, nhưng rồi họ bị chinh phục lúc nào không biết, với âm nhạc con tim thường mách bảo các giá trị. Ngũ Cung thấy mình thật may mắn và muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những chương trình đã tạo điều kiện cho ban nhạc có thêm được những trải nghiệm mới và chạm được vào trái tim của khán giả.

9/ Ngoài những show diễn theo lời mời của các chương trình với những đôi tai tinh tường của nhà đầu tư nào đó đã từng nghe âm nhạc Ngũ Cung, thì Ngũ Cung sống bằng nguồn thu nhập nào? Và dự tính tương lai của Ngũ Cung là gì?

Cho đến giờ, Ngũ Cung cũng rất may mắn khi nhận được những lời mời tham gia nhiều chương trình, xét về nguồn thu nhập bằng âm nhạc thì tuy không cao nhưng cũng được gọi là đủ. Ngoài ra mỗi thành viên ban nhạc đều có những công việc phụ thêm bên ngoài, làm thêm tí chút gì đó thôi, vì quá nửa thời gian trong một ngày các thành viên đã dành để tập nhạc rồi. Hy vọng trong thời gian sắp tới Ngũ Cung sẽ nhận được nhiều lời mời hơn và xứng đáng hơn với thời gian tập luyện cũng như những nghiên cứu, trải nghiệm thực tế để cho ra những tác phẩm hoàn hảo hơn tới khán thính giả trên cả nước. Dự định của ban nhạc Ngũ Cung trong năm nay sẽ là cho ra mắt album kép 3&4.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.