You are here

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...

Tác giả: 
Mai Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Có những nhà tiên tri báo trước cho nhân loại những hiểm họa, bất trắc. Song cũng có những nhà tiên tri chỉ nói với con người về tình yêu, lòng bao dung và cái đẹp… Trịnh Công Sơn không phải là nhà tiên tri, song ông xứng đáng là sứ giả của cái đẹp và tình yêu thương.

* Triết lý của một thi nhân

Trịnh Công Sơn sống và viết nhạc trong tâm thế của một thi nhân; triết lý ông đưa vào tác phẩm là sự chấp nhận và buông bỏ. Vài năm trước, tôi có dịp được dự một chương trình văn nghệ do các bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 biểu diễn, đây cũng là một liệu pháp chữa bệnh bằng âm nhạc được bệnh viện áp dụng khá lâu. Những người bệnh đặt hết sự chú tâm, cố gắng để hát: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng... Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai…” .

Chứng kiến điều ấy, tôi không khỏi băn khoăn, day dứt về cuộc đời, song đồng thời lại cảm thấy an tâm, nhẹ lòng bởi nét mặt nhẹ nhàng, thoải mái của người hát. Cũng kể từ đó, tôi có thói quen lặng lẽ dõi theo những gương mặt khi họ đang hát nhạc Trịnh và nhận thấy hầu hết mọi người đều tỏ ra nhẹ nhõm, thanh thoát - dù là ca sĩ chuyên nghiệp hay là những người yêu âm nhạc...

Chấp nhận thực tại và buông bỏ những sầu não, ưu phiền, quả thực Trịnh Công Sơn đã làm được việc này qua gần 600 ca khúc ông đã viết, cùng những bức tranh, những bài thơ ông để lại... Vào các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, Trịnh Công Sơn đã có những mảng ca khúc khác nhau nhưng tất cả đều như “để gió cuốn đi”... Kể từ Ướt mi, rồi Diễm xưa, Biển nhớ, Tình sầu, Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ... Lẽ sống, tình yêu đều được nhạc sĩ mang tới bằng cảm xúc dịu dàng, để vỗ về, xoa dịu lẽ thương đau, sự mất mát sinh tử và cả lẽ vô thường...

Song hiểu theo phép biện chứng thì tâm thế chấp nhận và buông bỏ chính là sự tất yếu của triết lý sống và hành động (có lẽ với Trịnh Công Sơn còn là hành thiền nữa). Là một con người sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, Trịnh Công Sơn không theo đuổi con đường giải thoát riêng của mình mà ông đã tham gia phong trào sinh viên, viết nhiều bài hát phản chiến… Trịnh Công Sơn đã hát Nối vòng tay lớn trong ngày đất nước hòa bình, thống nhất, rồi Huyền thoại Mẹ, Em ra công trường em ra biên giới… Những bài hát dành cho thiếu nhi của Trịnh Công Sơn thể hiện tình yêu cuộc sống, tương lai thật hồn nhiên, tươi đẹp: Em là hoa hồng nhỏ, Tuổi đời mênh mông, Khăn quàng thắp sáng bình minh, Mùa hè đến...

* Ẩn dụ của hoa quỳnh

Có thể thấy, cuộc đời Trịnh Công Sơn đi theo triết lý đấu tranh và hành động, song ông luôn hướng đến sự giải thoát bằng tình yêu, bằng sự thấu hiểu, bằng lý lẽ của thiên nhiên và cái đẹp. Đó cũng là một cách để “nhập thế”.

Sinh thời, nhà thơ Rabindranath Tagore (giải Nobel Văn chương năm 1913) đã sáng tạo cho mình một tôn giáo riêng - tôn giáo của con người, song những tôn giáo lớn trên thế giới đều cho rằng thơ Tagore có tác động tích cực đến tín đồ của đạo mình. Trịnh Công Sơn đã tôn vinh con người bằng cuộc sống chân thật và sự ẩn dụ tuyệt đẹp của ngôn từ. Những giấc mơ phản chiếu đời sống qua một màng lọc rất tinh tế, đó chính là đôi mắt thanh khiết, trong veo của người nghệ sĩ....

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên

Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình

Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống

Vì đất nước cần một trái tim.

Thái độ sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì thế là rất tích cực, khi ông khẳng định: “Và như thế tôi sống vui từng ngày, và như thế tôi đến trong cuộc đời, đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi…” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui). Có lẽ không lời bình nào hay hơn chính ngôn từ của Trịnh Công Sơn, khi ông diễn ca vẻ đẹp của nội tâm khi muốn trao gửi tâm sự cho cuộc đời.

Trong một bài hát, ông nhắc đến đóa quỳnh hương:

Ta mang cho em một đóa quỳnh

Quỳnh thơm hay môi em thơm

Em mang cho ta một chút tình

Miệng cười khúc khích trên lưng (Quỳnh Hương).

Tròn 19 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa (1-4-2001 - 1-4-2020), mọi người có thể dành nhiều cảm xúc, nhiều mỹ từ để tưởng nhớ ông. Nhiều bài hát được cho là kinh điển của Trịnh Công Sơn cũng đã được hát nhiều thập kỷ qua, song ẩn dụ của một đóa quỳnh hương âm thầm nở trong đêm, mang đến mùi hương vừa quen vừa lạ, vừa thân thuộc, vừa quý giá… là điều mà tôi muốn nhắc đến tâm hồn và âm nhạc của Trịnh Công Sơn!

(Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.