You are here

Linh Nga Niê Kdăm: Tại gió mà nhớ về Hà Nội

Tác giả: 
Vương Tâm

Nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm (Linh Nga) với tôi có sự gắn bó rất tự nhiên. Tôi đã từng nghe chị hát vào giữa thập niên 70. Sau này tôi và Linh Nga cùng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (1997). Mỗi lần gặp nhau Linh Nga luôn trào dâng những ký ức Hà Nội nơi chị dâng hiến tuổi thanh xuân. Ngược lại nhịp điệu "Mưa cao nguyên" của Linh Nga thường vang lên đâu đó trong tôi mỗi khi chạm tới vùng nhớ Ban Mê.

Sơn nữ ca với rừng cây Kơ Nia

Linh Nga cất tiếng chào đời tại chiến khu Việt Bắc (năm 1948). Cha của Linh Nga là bác sĩ Y Ngông Nie K'đăm tham gia kháng chiến từ rất sớm. Ông thường xuyên nhắc nhở con gái mình nhớ đến cội nguồn Tây Nguyên. Thấy Linh Nga từ bé đã có giọng hát hay, ông động viên con gái đi học thanh nhạc để về phục vụ đồng bào người Ê Đê tại quê hương Đăk Lăk. Chính vì thế đang học năm thứ hai trường nhạc Hà Nội, Linh Nga đã trích ngón tay lấy máu viết đơn xung phong ra chiến trường ca hát phục vụ chiến sĩ, năm 1967 (19 tuổi).

Ca sĩ trẻ Linh Nga hiện thân đúng là một chim sơn ca núi rừng Tây Nguyên với những nét đẹp rực rỡ nhất. Hình tượng cây Kơ Nia trong ca khúc "Bóng cây Kơ Nia" (Nhạc Phan Huỳnh Điểu - thơ Ngọc Anh) đã ám ảnh Linh Nga qua những đêm biểu diễn. Cùng với đó là những bài dân ca Ê Đê trong vắt như suối rừng thác đổ trên núi cao. Giọng hát Linh Nga đem lại tinh thần lạc quan cho hàng ngàn chiến sĩ trên chiến hào. 

Nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm.

Năm 1979, ca sĩ Linh Nga trở về Tây Nguyên sau 25 năm gắn bó với Thủ đô. Linh Nga nhập đoàn Ca múa dân gian Đăk Lăk và trở thành một trong những ca sĩ chính. Được hát trên quê hương là ước vọng bao năm mong chờ. Linh Nga như con chim   Phí được tung cánh trên đại ngàn bao la. Đó là những chuyến vượt núi băng đèo tới các buôn biểu diễn. Đi bất cứ đâu Linh Nga cũng không nề hà gian khó, ngày đêm. Những ngày tháng không thể nào quên khi đứng hát dưới tán cây Kơ Nia cao vút. Hoặc đó là những đêm ca hát trên biên cương xa xôi cùng lửa trại bập bùng trong mưa gió. Nhưng không ngờ tai họa ập đến khi Linh Nga bị mất giọng hát sau một trận ốm. Những âm thanh cộng hưởng biến đâu mất hút. Lời ca tiếng hát cao vút bấy lâu nay bay lên trời xanh. Linh Nga buồn rũ khi bị nghỉ hát để dưỡng sức.

Tuy vậy sơn nữ ca Ban Mê đâu bó tay cam chịu số phận hẩm hiu. Một thời gian sau Linh Nga thu xếp trở lại Hà Nội xin học khoa sáng tác âm nhạc (1985-1990). Lần trở về này hoàn toàn khác trước với những khát vọng dâng hiến cuộc đời âm nhạc cho quê hương. Từ đó những bản tình ca Tây Nguyên đậm chất phóng khoáng và du ca ra đời. Thời gian này Linh Nga đã viết văn nên những lời ca của chị rất gợi cảm qua giai điệu âm nhạc. Một chất liệu Tây Nguyên đằm sâu trong từng câu nhạc. Có lần tôi đã được nghe chị hát ca khúc "Rồi một chiều xa Ban Mê" là một trong những bài hát được khán giả yêu thích. Những tiết tấu nhanh mang phong cách pop nhưng lại không kém phần sôi động. Tôi vẫn còn nhớ những lời ca ngân vang bên nhà Rông ngày nào: "Rồi một chiều đông xa Ban Mê/ Nhớ về một vùng trời xa lắc/ Rồi một chiều đông Ban Mê/  Sẽ nhớ hoài một ngày chia xa...".

Mới đây nhạc sĩ Linh Nga vừa phát hành sách tuyển tập ca khúc với tiêu đề "Mưa cao nguyên" (2021). Đó là những bài hát quen thuộc với khán giả như: "Nhớ tháng Ba" (giải nhất-2018), "Mưa cao nguyên", "Ngã Sáu tôi yêu". "Niềm tin trong tôi"; hay như "Tình ca Tây Nguyên", "Tuần tra" (phổ thơ Trần Đăng Khoa), "Đêm Pơ Thi"... Linh Nga còn kể với tôi một lần đi Trường Sa thực tế (2014), chị đã sáng tác bài hát cùng tên khi phổ thơ Nguyễn Việt Chiến với nhan đề "Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra". Đây là sự đồng cảm của nhạc sĩ khi đứng trước những hình ảnh chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ trên đảo Gạc Ma. Bài hát là tráng ca quân đội anh hùng. Nhạc và thơ chắp cánh cho nhau bay lên trong âm hưởng hào hùng trước những cánh sóng dữ dội của Biển Đông. 

Đường xa bao nỗi rừng xanh

Song song với những ca khúc rạo rực âm hưởng Tây Nguyên là những trang văn đậm chất sử thi và sâu sắc của Linh Nga. Chị sớm cầm bút viết truyện ngắn và tản văn về quê hương trong mỗi lần đi khảo sát văn hóa tại bản địa. Linh Nga cần mẫn ghi chép kỹ lưỡng về phong tục tập quán và những trường ca Ê Đê. Phải nói hiếm có cây bút nữ nào làm cùng một lúc mấy việc như Linh Nga.

Chuyến đi nào của chị cũng có sản phẩm ra đời. Nào là sáng tác một ca khúc mới, có khi là một áng văn chương tràn đầy cảm xúc yêu thương bản làng, hoặc có thể là một truyện ngắn đẫm nước mắt vì số phận con người trên núi rừng hẻo lánh. Nguồn cảm xúc của Linh Nga luôn được nuôi dưỡng bởi nền tảng văn hóa Ê Đê lâu đời. Đây là một dân tộc có chữ viết từ xa xưa cùng với những bản trường ca Đam San, Đam Kteh Mlan...

Linh Nga (thứ tư từ phải sang) ra Trường Sa.

Cũng trong năm nay cùng với tập ca khúc chọn lọc, Linh Nga còn cho ra đời bộ sách gồm những cuốn khảo cứu biên soạn về văn hóa Tây Nguyên. Trong đó đáng kể là những cuốn: "Văn học các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên"; "Nghệ thuật múa dân gian" (Các dân tộcTrường Sơn - Tây Nguyên); "Văn hóa Tây Nguyên - Giầu và đẹp"... Ấy là chưa kể trước đó chị đã có hàng chục công trình nghiên cứu và biên soạn nổi tiếng khác: "Nghệ thuật diễn xướng Tây Nguyên", "Lễ hội cộng đồng của người Tây Nguyên"' hoặc "Lễ cúng hồn lúa của người Sê Đăng"...

Có thể nói ở Linh Nga hội tụ ánh sáng văn hóa và đời sống Tây Nguyên qua những năm tháng đội mưa gió, lội suối băng đèo đến với đồng bào Tây Nguyên. Với chức danh một thời là Chủ tịch Hội VHNT Đăk Lăk chị luôn tổ chức hoạt động đi vào đời sống và văn hóa bản làng dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên rộng lớn.

Đặc biệt hơn, nẻo đường văn chương của Linh Nga càng đậm sắc mầu Ê Đê với phong cách viết lãng mạn và hoang dã. Là một nhạc sĩ nên hơi thở trong mỗi áng văn đều có nhịp điệu dìu dặt mơ màng. Tôi đã đọc tập truyện "Gió đỏ" và "Con rắn mầu xanh da trời" của Linh Nga với bút danh H'linh Niê. Một cảm xúc khác lạ đến với tôi. Đó là hồn thơ Tây Nguyên đằm thắm như những điệu múa uyển chuyển cùng với bản dân ca Ay Ray ngọt ngào. Đọc văn của chị tôi nghe như có tiếng mưa rơi. Hay có khi đó là ngọn gió rừng tràn về đường phố Ban Mê. Nhịp văn của Linh Nga luôn vang lên âm thanh: "Gió trôi dài trên đường phố/ Mát lạnh nương cà phê/ Những bước chân trên một nẻo về...".

Linh Nga còn có một số tác phẩm văn xuôi được bạn đọc nhiệt thành đón nhận như: "Ngày Chúa đi vắng", "Bóng chiều bảng lảng", "Rưng rưng cỏ hát"; hay đó còn là "Pơ Thi mênh mang mùa gió", "Con trai của rừng Xà Nu"... Nhiều giải thưởng đã trao cho Linh Nga nhưng với chị tình yêu thương của bà con mỗi lần về bản mới cao quý biết bao. Dân tộc Ê Đê đã trao cho chị một sứ mệnh thiêng liêng, bảo vệ gìn giữ kho tàng văn hóa rộng lớn trên xứ sở Tây Nguyên hùng vĩ.

Mộng ký ức

Hà Nội luôn đem lại cảm xúc dạt dào trong tâm hồn nhà văn Linh Nga. Mới đây chị đã viết lại những ký ức không thể quên trên mảnh đất Thủ đô. Đó là những hình ảnh thân thương xiết bao cho dù nửa thế kỷ trôi đi: "Mấy ngày qua giá lạnh khá khác biệt với thời tiết Buôn Ma Thuột hàng chục năm qua. Tương tự cái lạnh lạ lùng, đặc quánh như cắt được thành miếng những năm 70 của thế kỷ XX. Hai mẹ con cô đơn trong căn nhà tập thể ở Cầu Giấy, Hà Nội. Không có nhiều chăn áo phải đốt lửa trong chiếc thau nhôm nhỏ cho phòng ngủ ấm hơn bên ngoài" (Ghi ngày 25-12-2020). Hay chỉ qua một giai điệu phố Ban Mê cất lên khi Linh Nga chơi đàn là Hà Nội lại hiện lên: "Đường xa cơn mưa nào ta trú/ Chiều ai qua Quang Trung lảnh lót tiếng rao hàng/ Để Nơ Trang Lơn ngơ ngác tìm hương ngọc lan...".

Trong một bài tản văn "Tại gió mà nhớ" nhà văn Linh Nga đã dồn nhiều nỗi niềm về Hà Nội. Chị đã từng tâm sự: "Hà Nội trong tôi là vị chua trái sấu, là lá vàng xạc xào trên đường phố mùa thu; là tiếng chuông nhà thờ gióng giả đêm Noel, khi chúng tôi đạp xe rảo khắp các nẻo đường; là đêm B52 giặc Mỹ đánh bom Hà Nội, khi tôi mang bầu đứa con đầu lòng...". Vậy là chỉ một cơn gió lạnh, hay làn mưa phùn lất phất bay, hoặc có khi tia chớp trên trời xanh là những ký ức về Hà Nội lại tràn về. Hà Nội được coi là quê hương thứ hai mà nhà văn Linh Nga đã sống và ca hát dưới khói lửa đạn bom. Hạnh phúc và sự nghiệp cũng bắt đầu từ đây. Nỗi nhớ Hà Nội luôn dậy sóng và thêm mạch nguồn sáng tạo cho Linh Nga. 

(Nguồn: https://antgct.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.