You are here

Lá thư âm nhạc: Ta là bài thơ hay viên gạch?

Tác giả: 
Hiền Trang

Các nghệ sĩ đã nói gì về áp lực học đường?

Cảnh trong phim Pink Floyd: The Wall (1982) phỏng theo album The Wall (1979) của Pink Floyd - Ảnh: IMDb

1. Khoảng mười năm trước, khi còn là một học sinh trường chuyên nhất nhì ở Hà Nội, tôi vô tình xem được bộ phim Pink Floyd: The Wall của đạo diễn Alan Parker qua DVD. Tôi mua nó bởi bìa đĩa ghi là phim kinh dị chứ chưa biết Pink Floyd là một trong những ban nhạc lớn nhất mọi thời.

Phim đáng sợ thật, không phải theo cách hù dọa, mà theo cách làm ta lạnh gáy. Tôi còn nhớ một đoạn khi cậu bé Pink, người sẽ thành siêu sao nhạc rock sau này, tưởng tượng cả lớp học là một kiểu trại tập trung. 

Những đoàn học sinh nối đuôi nhau bước lên chuyến tàu tử thần như chuyến tàu đến Auschwitz, đứa nào cũng đeo chiếc mặt nạ ma quái, rồi từng đứa một đi tới đoạn đầu đài, nhảy vào một cái máy nghiền và bị xay thành xúc xích.

Pink Floyd với ca khúc Another Brick in the Wall: https://youtu.be/5IpYOF4Hi6Q

"Tựu trung lại, bạn chỉ là một viên gạch nữa trên bức tường", giọng Roger Waters - thành viên của Pink Floyd và cũng là tác giả kịch bản phim - bốc lên ngùn ngụt như một ngọn lửa muốn thiêu cháy tất cả.

Một số nhà giáo có thể sẽ thấy tổn thương khi nghe ca từ sắc đanh không chút nể nang của ca khúc Another Brick in the Wall, nào là "chúng tôi không cần giáo dục", "chúng tôi không cần bị kiểm soát suy tư". 

Vả lại bài hát cũng đã lâu rồi, ngày nay chắc không trường học nào đáng bị coi là "phát xít". Nhưng nỗi ám ảnh rằng mọi xã hội để vận hành trơn tru đều cần một mục tiêu lớn - như xây một bức tường - và việc của mỗi cá nhân chỉ là làm sao hoàn thành bức tường ấy, vẫn còn hiển hiện.

Yêu cầu dành cho học sinh thật nặng nề: phải cứng cỏi như viên gạch, phải đồng đều như viên gạch, phải vâng lời như viên gạch và phải sống vì bức tường cũng như viên gạch. Khi một ai đó không chịu được áp lực ấy, coi như em đã thành viên gạch yếu đuối, viên gạch bỏ đi.

Yêu cầu dành cho học sinh thật nặng nề: phải cứng cỏi như viên gạch, phải đồng đều như viên gạch, phải vâng lời như viên gạch và phải sống vì bức tường cũng như viên gạch. Giấc mơ bị đóng khuôn thành gạch hết, và con đường duy nhất để sống là thành công.

2. Không thể coi Another Brick in the Wall là một bài hát quá khích chỉ xuất hiện trong rock phương Tây được. Gần 35 năm sau khi ca khúc này ra đời, ở bên kia thế giới, một nhóm nhạc Hàn Quốc tung ra đĩa đơn đầu tiên bắt đầu sự nghiệp của mình - No more dream.

No More Dream của BTS: https://youtu.be/pUkViXyQTI4

Bài hát cũng dữ dội không kém. Nó dành cho "những người trẻ không có giấc mơ", đúng hơn là những người trẻ ước ao có nhà lớn, xe lớn, nhẫn lớn nhưng không có giấc mơ lớn nào, vì xã hội đã quyết định thay cho họ con đường tương lai hết rồi. 

Nó cũng nói về nỗi sợ bị đuổi học, nỗi sợ bị coi là "tinh thần thủy tinh" nếu tỏ ra yếu ớt và nỗi sợ bị hỏi rằng: "Thế đã cố gắng hết sức chưa?". Nhóm nhạc này sẽ trở thành hiện tượng toàn cầu, và đó là BTS.

Thật ra nội dung của No more dream cũng là về kiểu quan hệ giữa viên gạch/trẻ em/học sinh và bức tường/người lớn/nhà trường. Giấc mơ bị đóng khuôn thành gạch hết, và con đường duy nhất để sống là thành công.

3. Thậm chí chính ở Đông Á, ta lại bắt gặp nhiều nhạc sĩ viết về áp lực học đường. Một trong số đó có Yutaka Ozaki, nghệ sĩ quá cố mà người Nhật truyền tụng là "ngôn từ anh viết còn hay hơn tác phẩm văn học đoạt giải Akutagawa". 

Yutaka Ozaki với ca khúc Graduation: https://youtu.be/xcI9LE4fD98

Khi nghe ca khúc Graduation lần đầu, các kênh thông tin trên mạng còn chưa phát triển nên tôi không biết anh hát về cái gì. Chỉ dựa vào cách anh đôi khi gằn đến lạc giọng như dứt tung mọi xiềng xích linh hồn, cách những dải piano rền vang mà anh chơi, thì có thể đoán anh đang hát về một khoảnh khắc tự do giải phóng.

Nó quả nhiên là thế thật. Graduation nghĩa là "tốt nghiệp", và bài hát hình dung về cái ngày khi anh "tốt nghiệp" khỏi sự kiểm soát và những trận chiến với người lớn thời đi học. Anh mô tả cuộc sống đi học vừa chán chường vừa giận dữ, vừa lạc lõng vừa phá hoại, cười giòn giã đấy mà cũng rất buồn. Anh muốn tin vào tình yêu nhưng người ta lại dạy anh rằng để sống, ta cần có những kế hoạch vĩ đại hơn (lại là một bức tường nữa!).

Có lẽ anh ích kỷ khi chỉ muốn lang thang vô định trong đời. Có lẽ những thành viên của Pink Floyd ích kỷ khi chẳng muốn xây lên bức tường mà xã hội muốn họ xây. Thật ra không phải họ thờ ơ với nỗi khổ tâm của việc làm người lớn. 

Phim Pink Floyd: The Wall lý giải sự khắc nghiệt của người thầy là bởi chính ông cũng là người đau khổ. Có khi với người khác, ông cũng là viên gạch đấy thôi.

Rất dễ thốt ra những cụm từ lộng lẫy về lẽ sống và lý tưởng sống. Nhưng có phải ai cũng là viên gạch phù hợp cho bức tường đâu, có khi, ta như cậu bé Pink chỉ muốn làm những vần thơ nhỏ mọn, hay như lời ca của Yutaka Ozaki, ta chỉ là "một bầy cừu mong manh".

(Nguồn: https://tuoitre.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.