You are here

Kỷ niệm 70 năm Viện Âm nhạc Việt Nam (1950-2020)

Tác giả: 
Nguyễn Thị Minh Châu

Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tròn tuổi 70 tính từ thời điểm tiền thân của Viện là Ban Âm nhạc thuộc Vụ Văn học nghệ thuật chào đời (năm 1950). Hẳn không mấy ai để ý rằng Viện Âm nhạc có tuổi đời “già” hơn và thâm niên đào tạo còn dài hơn cả cơ quan quản lý Viện hiện nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (năm 1956).

70 năm Viện đã đồng hành cùng lịch sử đất nước, qua những tháng năm tàn khốc và bi tráng của hai cuộc chiến tranh, những thập niên thiếu thốn vẫn kiên định thời hậu chiến, những đổi thay tất yếu đầy thách thức thời chuyển giao, những trăn trở và khát vọng thời mở cửa hòa nhập thế giới.

70 năm Viện đã đồng hành cùng lịch sử nền nhạc mới Việt Nam nói chung và chuyên ngành nghiên cứu lý luận âm nhạc nói riêng, qua những thăng trầm của từng giai đoạn phát triển: hình thành đội ngũ chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất, định hướng và định hình mục tiêu hoạt động, trưởng thành qua những biến động trong đời sống xã hội, gây dựng và bảo tồn tài sản sáng tạo âm nhạc nước nhà.

70 năm Viện đã có được những trang lịch sử cho riêng mình, qua nhiều lần đổi tên (Ban Âm nhạc, Ban Nghiên cứu nhạc vũ, Ban Nghiên cứu âm nhạc, Viện Âm nhạc, Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, Viện Âm nhạc và Múa), đổi cơ cấu tổ chức: lúc tách lúc nhập giữa hai chuyên ngành nhạc và múa, lúc là cơ quan độc lập hoặc là cấp dưới trực thuộc cơ quan khác, ngay cả đơn vị quản lý Viện cũng thay đổi nhiều lần (Vụ Văn học nghệ thuật, Vụ Âm nhạc và Múa, Viện Nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Về những người làm nên lịch sử hình thành và phát triển của Viện Âm nhạc, trước hết phải kể đến những nhà chuyên môn trong lĩnh vực âm nhạc thuộc các thế hệ khác nhau, nổi bật là những tên tuổi thuộc thế hệ nhạc sĩ đầu đàn từng gánh trách nhiệm quản lý Viện như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Vũ, Hoàng Kiều, Phạm Đình Sáu…; thuộc thế hệ kế tiếp như: Tô Ngọc Thanh, Lư Nhất Vũ, Nguyễn Xinh, Đặng Hoành Loan… 

Từ con số ít ỏi ban đầu giữa thế kỷ XX, Viện Âm nhạc của hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã mở rộng nhân sự cho các hoạt động khác nhau: bên cạnh các nhà sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo và biểu diễn âm nhạc, còn có các cán bộ kỹ thuật thu thanh và quay phim, công nghệ thông tin, bảo tàng, lưu trữ, thư viện, báo chí, xuất bản…; bên cạnh nhân viên biên chế và hợp đồng dài hạn còn có cả một mạng lưới cộng tác viên âm nhạc, cũng như các chuyên ngành liên quan ở cả trong và ngoài nước.

Từ khởi đầu trong địa bàn hạn hẹp của chiến khu Việt Bắc, Viện Âm nhạc mở rộng dần phạm vi hoạt động tới mọi vùng miền đất nước, rồi vượt khỏi biên giới quốc gia để hợp tác với các đồng nghiệp khu vực và quốc tế. Viện tổ chức hoặc tham dự nhiều hội nghị, hội thảo, hội diễn, tọa đàm, liên hoan, dự án với quy mô quốc gia và quốc tế.

Từ năm 2002, Viện Âm nhạc chính thức tham gia Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (ICTM) với tư cách một quốc gia thành viên và tích cực góp tiếng nói đại diện dân tộc Việt Nam tại hội nghị thường kỳ của ICTM tại các châu lục: Âu, Mỹ, Á, Phi.

Sau khi tham gia lập hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế và Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Viện Âm nhạc đảm nhận vai trò chủ trì thực hiện các bộ hồ sơ trình UNESCO, lần lượt đưa Ca trù, Xoan, Đờn ca Tài tử, Bài chòi, Then vào danh sách di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Cuối cùng, điều đáng kể nhất sau 70 năm vẫn là thành phẩm âm nhạc gồm các tài liệu dưới hình thức tiếp cận khác nhau (đọc - nghe - nhìn): văn bản (chữ viết và bản nhạc), âm thanh (băng tiếng, CD), hình ảnh (photo, băng hình, VCD, DVD).

Xin lướt qua vài con số tượng trưng cho khối tài sản phong phú này, một kho báu vẫn không ngừng được làm giàu thêm về số lượng cũng như giá trị sử dụng cho tương lai:

- Hơn sáu chục công trình khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước;

- Hàng vạn bài dân ca, hàng nghìn bài dân nhạc, hàng trăm tiết mục diễn xướng dân gian, sân khấu và lễ hội;

- Một phòng trưng bày nhạc cụ truyền thống với âm thanh “sống” - điểm độc đáo là đây: khách tham quan không những được thấy hiện vật, mà còn được nghe trực tiếp bài bản cổ với phong cách biểu diễn cổ truyền;

- Một hệ thống số hóa các tư liệu âm thanh, hình ảnh và văn bản đã và đang được tiếp tục thực hiện để tiến tới hoàn thiện Ngân hàng Dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam;

- Trên bốn chục đầu sách thuộc các chủng loại khác nhau: nghiên cứu, phê bình, kiểm kê di sản, kỷ yếu hội thảo, bản nhạc dân ca, tổng phổ khí nhạc (dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc);

- Hơn sáu chục số Nghiên cứu Âm nhạc (Thông báo khoa học) gồm hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh đăng tải hàng trăm chuyên luận và báo cáo điền dã. Dù hoạt động trong khoảng thời gian chưa dài (1999-2020), tập san của Viện đã được coi là diễn đàn mang tính học thuật cao nhất trong lĩnh vực nghiên cứu cũng như phê bình âm nhạc Việt Nam. Đây còn là ấn phẩm âm nhạc định kỳ duy nhất được công bố ra thế giới với mã số quốc tế.

Với đóng góp đáng kể cho sự phát triển âm nhạc nước nhà trong nhiều hoạt động khác nhau (sưu tầm, nghiên cứu, phê bình, truyền dạy, lưu trữ, phục dựng, xuất bản…), Viện Âm nhạc xứng đáng có được sự quan tâm nhiều hơn của Nhà nước, của các cơ quan quản lý âm nhạc, để có thêm cơ hội quảng bá và ứng dụng thành quả đã có vào đời sống xã hội, tiếp tục là địa chỉ đáng tin cậy cho giới nhạc và công chúng yêu nhạc khắp mọi miền đất nước.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.