You are here

Khúc khải hoàn ngày Giải phóng Thủ đô

Tác giả: 
Phan Đông Viên

Sau khi quân phát xít ở Đông Dương bị lực lượng Đồng minh giải giáp, quân Pháp thực hiện dã tâm dùng vũ lực tái chiếm và bình định Đông Dương.

Thực hiện chiến lược trường kỳ kháng chiến, để chuẩn bị, từ tháng 11/1946 toàn bộ các cơ quan đầu não của mặt trận Việt Minh cùng các cơ sở vật chất, kho tàng, công xưởng và hơn 6 vạn nhân dân miền xuôi trong đó có nhân dân Hà Nội đã lần lượt chuyển lên An toàn khu (gồm 5 huyện của Việt Bắc: Đại Từ + Định Hóa tỉnh Thái Nguyên, Sơn Dương + Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang và Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn). Một số lớn nhân dân Hà Nội cũng kịp thời tản cư sang các tỉnh khác.

8 giờ tối ngày 19/12/1946, sau phát đại bác và khối bộc phá lớn ở pháo đài Láng nổ vang trời Hà Nội như một tiếng pháo lệnh, đèn điện toàn thành phố vụt tắt, tất cả lực lượng Vệ quốc đoàn, Công an xung phong và dân quân tự vệ thành Hà Nội đồng loạt nổ súng tấn công phủ đầu các đồn bốt Pháp xung quanh Hà Nội. 8 giờ 30 tối điện thành phố được nối lại, Đài phát thanh truyền đi lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch và mệnh lệnh chiến đấu của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, kể từ đây không chỉ ở Hà Nội mà trong toàn lãnh thổ Việt Nam một cuộc chiến tranh toàn diện với thực dân Pháp đã bắt đầu.

Với tinh thần Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, các lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội đã chiến đấu vô cùng anh dũng, ngoan cường, giành giật với quân Pháp từng căn nhà góc phố, đục tường ngang dọc thông nhà nọ sang nhà kia, phố nọ sang phố kia để làm đường chuyển quân bí mật, đem hết giường phản, sập gụ tủ chè ra làm chướng ngại vật chặn các ngã ba ngã tư cản đường quân Pháp, các em liên lạc, các chị cứu thương di chuyển theo từng bước quân đi, nhân dân tiếp tế cho bộ đội ngay tại chốt chiến đấu, tạo nên không khí quyết chiến sôi sục trong toàn thành phố. Để thống nhất lực lượng và chỉ huy trên mặt trận Hà Nội, ngày 6/1/1947 thành lập Trung đoàn Thủ đô. Sau một thời gian chiến đấu, do quân số và vũ khí có hạn, hậu cần khó khăn khan hiếm, Trung ương đã quyết định: để bảo toàn lực lượng thực hiện kháng chiến lâu dài, ngày 17/2/1947 Trung đoàn Thủ đô và các đơn vị chiến đấu rút lên Việt Bắc. 60 ngày đêm kiên cường chiến đấu, lực lượng ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của giặc Pháp, Bác Hồ đã khen ngợi: "Các chú kìm chân giặc Pháp, giữ được Hà Nội 2 tháng là đã thắng lớn".

Trên đường lên chiến khu, lòng người ra đi vẫn đau đáu nhớ về Hà Nội, từ 1948 các nhạc sĩ đã có các ca khúc nổi tiếng như Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Ngày về của Lương Ngọc Trác - lời thơ Chính Hữu, năm 1949 có những bài Tiến về Hà Nội  của Văn Cao, Hà Nội đây rồi của Văn Đức, Sẽ về Thủ đô của Huy Du... Tất cả đều toát lên lòng hoài niệm, nỗi nhớ thương và niềm khát vọng của người chiến sĩ Hà Nội nóng lòng trở về giải phóng quê hương.

Nhạc sĩ chiến sĩ Lương Ngọc Trác cùng với 2 vệ út trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến

Lên chiến khu, quân đội ta đã tập trung củng cố bổ sung lực lượng, cuối năm 1947 ta đã có 12 vạn quân, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với phương châm truyền thống của cha ông chống ngoại xâm là lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, đồng thời tiến hành chiến thuật quân sự theo 3 giai đoạn từ phòng ngự đến cầm cự rồi tổng phản công, xây dựng lực lượng vũ trang hùng hậu gồm 3 thứ quân: chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, trong 8 năm từ 1947 đến 1954 đã tiến hành thắng lợi 4 chiến dịch lớn ở miền Bắc:

1. Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 (từ 7/10 đến 22/12/1947): ngày 7/10/1947 Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn và đưa 12 nghìn quân tấn công Việt Bắc với âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh. Quân ta đã phản kích với 3 trận điển hình là trận sông Lô, trận đèo Bông Lau trên đường số 4 và trận đường số 3 bẻ gãy gọng kìm bao vây, đuổi quân Pháp ra khỏi trung tâm Việt Bắc, chúng chỉ còn cố giữ đường số 4 từ Cao Bằng đến Lạng Sơn.

2. Chiến dịch Biên giới thu đông 1950 (từ 16/9 đến 14/10/1950): với sự kiện Hồ Chủ tịch lần đầu và duy nhất trực tiếp ra mặt trận chỉ huy chiến đấu, trong 28 ngày đêm đã phá vòng vây cô lập lực lượng ta, đánh đuổi quân Pháp khỏi đường số 4, mở thông tuyến biên giới để liên lạc với bạn bè quốc tế.

3. Chiến dịch Tây Bắc thu đông 1952 (từ 14/10 đến 10/12/1952): ta đã phá âm mưu của Pháp định thành lập Xứ Thái tự trị, tiêu diệt sinh lực địch giải phóng vùng đất 30 nghìn km2 và 25 vạn dân.

4. Chiến dịch Điện Biên Phủ mùa xuân 1954 (từ 13/3 đến 7/5/1954): 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, bộ đội ta đã xóa sổ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở Điện Biên Phủ, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp nghị Genève chấm dứt chiến tranh và trao trả độc lập cho 3 nước Đông Dương.

Thực hiện các điều khoản của Hiệp nghị Genève, Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp đã tổ chức hội nghị tại Trung Giã (trên đồi thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên cũ) quyết định những thủ tục chuyển giao:

- Ngày 30/9/1954 hai bên ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự.

- Ngày 2/10/1954 hai bên kí Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính.

với nguyên tắc chuyển giao là: trật tự, an toàn, không được phá hoại, không làm gián đoạn các hoạt động của thành phố.

Từ ngày 2 đến ngày 5/10/1954 các đội tiền trạm của ta đã vào Hà Nội để chuẩn bị. Tối 9/10/1954 các lực lượng quân đội ta đã tập kết vào các cửa ô để sáng 10/10/1954 tiến hành tiếp quản Hà Nội.

Sau 8 năm kể từ ngày dời Hà Nội, giấc mơ và khát vọng trở về giải phóng Thủ đô của những người lính trẻ đã trở thành hiện thực.

Sáng tinh mơ ngày 10/10/1954 đông đảo nhân dân Hà Nội quần áo mới chỉnh tề, tập trung 2 bên các con đường mà đoàn quân giải phóng sẽ đi qua, với cờ hoa và nét mặt hân hoan hồi hộp đón chờ, các em học sinh Tiểu học của các trường trong thành phố đã được tập và thuộc hết, đang hát vang các bài ca cách mạng như Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận, Tiến về Hà Nội của Văn Cao và một số bài của các nhạc sĩ trong thành Hà Nội, nhất là bài Hà Nội giải phóng của thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Văn Quỳ... Khắp nơi các nhạc sĩ nhạc công trong thành Hà Nội đã mang nhạc cụ ra biểu diễn các bài hùng ca Việt Nam, hình ảnh các nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Đình Thanh, Nguyễn Trần Giư, Tu My biểu diễn trên các ngã tư đoàn quân chiến thắng đi qua vẫn như còn tươi mới trong phim thời sự Việt Nam trên đường thắng lợi của đạo diễn Carmen, các lớp học sinh Trung học và sinh viên cũng tập trung ở các ngã tư lớn, đang bắt nhịp hát những bài ca kháng chiến và cách mạng, tất cả tạo nên một không khí rộn ràng rạo rực khó tả. Khoảng 9 giờ sáng, từ 2 cửa ô chính là cửa Ô Cầu Giấy ở phía tây và cửa Ô Cầu Dền ở phía nam trùng trùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Thủ đô, đoàn quân rầm rập tiến đến đâu tiếng reo hò của nhân dân vang đến đấy. Phải là người Hà Nội trực tiếp ra đón đoàn quân về giải phóng mới thấy hết không khí tưng bừng và tài năng dự báo của các nhạc sĩ Việt Nam, nhất là bài Tiến về Hà Nội của Văn Cao sáng tác từ 1949 nhưng vào thời điểm 5 năm sau bài ca đã đúng tuyệt đối như những gì diễn ra trong ngày giải phóng. Đặc biệt trong đó có bài Hà Nội yêu dấu, thi sĩ Hoàng Cầm lúc bấy giờ đang là một cán bộ phụ trách đoàn văn công quân đội đã lấy cảm hứng từ giai điệu bài dân ca Trèo lên quán dốc để đặt lời mới ca ngợi chiến thắng của quân dân ta, bài này cùng với các bài Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận, Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Quê tôi giải phóng của Văn Chung.v.v.. được Nhà xuất bản Thế giới biên tập có lời ca tiếng Anh để xuất bản ra nước ngoài. Ngoài ra còn có các bài: Về Thủ đô của Tô Vũ, Thủ đô vui đón các anh của Anh Vũ, Đêm trăng nhớ Hà Nội của Nguyễn Đức Toàn.v.v..

 Sự kiện ngày giải phóng Thủ đô luôn gắn liền với sự kiện quan trọng khác, đó là hơn 2 tháng sau, ngày 1/1/1955 Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô, một cuộc meeting, duyệt binh và diễu hành của nhân dân diễn ra tại quảng trường Ba Đình. Kể từ ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, 10 năm sau nhân dân Hà Nội mới được nhìn thấy Bác - vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân đang tươi cười vẫy chào các đoàn thể nhân dân diễu hành qua lễ đài. Các nhạc sĩ Việt Nam đã có những bài ca rất xúc động về sự kiện này, tiêu biểu là các bài: Hà Nội 55 của Tu My, Bác đã về Thủ đô của Lê Yên, Thủ đô thân mến của Nguyễn Xuân Khoát, Bài ca Hà Nội của Xuân Oanh - lời thơ Đào Anh Kha:

Kể từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, quân dân ta đã trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ và oanh liệt, lập nên kỳ tích giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ 80 năm của thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc, ngày giải phóng Thủ đô chính là dấu mốc khúc khải hoàn của kỳ tích vĩ đại này. Cuộc kháng chiến là của toàn dân, các nhạc sĩ chiến sĩ và nhạc sĩ công dân đã luôn đồng hành cùng dân tộc, viết nên những bài ca cách mạng và kháng chiến bất hủ, mang tính nghệ thuật và tính dự báo cao, đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc, cuối năm 1954 một cuộc liên hoan văn công toàn quốc tố chức trong nhiều ngày tại Nhà đấu xảo (nay là Cung Văn hóa Lao động Việt Xô) đã giới thiệu cho nhân dân Hà Nội những bài ca, điệu múa cách mạng và kháng chiến tiêu biểu rất hay và ấn tượng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân đồng thời làm phong phú thêm khúc khải hoàn ngày giải phóng Thủ đô./.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.