You are here

Không thầy đố mày làm nên

Tác giả: 
Nguyễn Trọng Văn

Tôi mạn phép từ câu nói của các cụ ta xưa để thử đưa ra công thức: Học trò (có năng khiếu và đam mê) + Ông thầy (có chuyên môn và tâm huyết) = Tài năng

NSND Ngô Văn Thành.

 Và ngược lại: Tài năng = Ông thầy (có chuyên môn và tâm huyết) + Học trò (có năng khiếu và đam mê).

Có một thực tế là có rất nhiều học trò thành công sau các cuộc thi (tạm lấy tiêu chí là các cuộc thi quốc tế hoặc có tính chất quốc tế) thì chuyển sang sự nghiệp làm thầy. Và chính họ đã có nhiều đóng góp cho việc đào tạo nên thế hệ nối tiếp thành danh trên con đường sự nghiệp. Cũng có một số học trò thành đạt rồi thì vì lý do nào đó không tham gia vào công tác đào tạo. Có thể họ không có điều kiện và cũng có thể họ không muốn có ai sau mình? Vô hình chung suy nghĩ này đã làm hạn chế đi nhiều tài năng đang rất cần được rèn giũa, được bồi bổ chuyên môn.

Từ nhận định ấy, tôi cho rằng: Công tác làm thầy của những học trò thành đạt có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nên lứa tài năng mới cho đất nước. Công tác làm thầy của những học trò có thành tích cao trong các cuộc thi vô cùng hữu ích cho việc bồi dưỡng và đào tạo thế hệ sau. Nói một cách khác là: Những học trò giỏi đó cần làm thầy để truyền dạy kinh nghiệm và chuyên môn cho lớp học trò. Đó là cách tốt nhất và nhanh nhất giúp đất nước có những tài năng mới, có chất lượng cao và được nhiều hơn.

Ở bài viết này, tôi xin được đề cập đến lĩnh vực học tập, đào tạo nên những tài năng nghệ thuật bởi ở lĩnh vực nghệ thuật có đặc thù riêng. Đặc thù đó là không thể lấy cần cù bù thông minh được, mà đầu tiên là phải có những học trò có năng khiếu (thiên bẩm) và có niềm đam mê cùng khát vọng lớn. Những người không có năng khiếu thì không thể đào tạo thành tài năng nghệ thuật được?

Bài viết này tôi xin được lấy trường hợp của Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành – cây Violon cự phách của Việt Nam – để làm ví dụ.

Bằng khen của Cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Traicopxky tặng thí sinh Ngô Văn Thành năm 1974.

Từ niềm đam mê

Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật cả, dĩ nhiên thích nghe ca hát thì ai cũng giống nhau nhưng điều đó không có nghĩa là cứ thích là có năng khiếu. Năng khiếu là bẩm sinh và có thể nói luôn rằng: Năng khiếu là được trời cho. Cũng lưu ý luôn rằng: Đam mê chưa chắc đã tạo nên năng khiếu?

Còn nhớ năm 1974, báo chí nước nhà (miền Bắc) hân hoan đưa tin về thành tích của chàng trai trẻ mới 23 tuổi tên là Ngô Văn Thành, năm đó Ngô Văn Thành đã “Đoạt Bằng khen vòng II Cuộc thi âm nhạc Quốc tế mang tên Traicopxky tại Liên Xô về biểu diễn đàn Violon”. Phải nói thêm rằng, bộ môn Violon và nghệ thuật biểu diễn Violon ở nước ta còn nhỏ bé và rất ít ỏi bởi nhạc cụ đó là của người phương Tây, nhạc cụ đó dành cho âm nhạc có tính bác học nên ít phổ biến ở Việt Nam. Cùng đoạt Bằng khen ở kỳ thi năm đó chúng ta còn có nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh về biểu diễn Piano (Piano cũng là một nhạc cụ còn “hiếm hoi” ở Việt Nam như Violon).

Tuổi nhỏ của cậu bé Thành êm đềm trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Cha của cậu bé Ngô Văn Thành là chủ hiệu nhuộm vải “Tân Tân”, nghề nhuộm vải thời đó rất thịnh nên gia đình có hẳn một xưởng nhuộm. 

Sinh ra trong một gia đình có 6 người con nhưng cậu bé Thành có một người cha say mê âm nhạc truyền thống. Những lúc thư thái trong lòng hay việc nhà rảnh rỗi là ông chủ xưởng nhuộm lại đưa các con đi các nhà hát “thưởng thức” cùng mình. Hẳn ông cụ đã có ý hướng cho những người con của mình về một sự nghiệp nghệ thuật sau này. Rồi năm lên 7 tuổi, Ngô Văn Thành được cha cho theo học đàn tranh trong trường âm nhạc Việt Nam nhưng cậu Thành lại thích Violon mới lạ. Chiều ý thích của con, một năm sau cậu được cha gửi vào học lớp Violon của thầy Chu Bảo Khầu trên phố Chân Cầm. Lại cũng vài năm sau Ngô Văn Thành thi đỗ vào hệ trung cấp Violon của trường. Ở trường Ngô Văn Thành được theo học thầy Phan Minh, nhà giáo - NSƯT Nguyễn Đình Quỳ toàn những người thầy giỏi của thời đó.

Rồi Ngô Văn Thành học tiếp lên hệ đại học, GS.NSƯT Bích Ngọc (phu quân của NSND Trà Giang) đã nhận thấy cậu sinh viên trẻ này rất có triển vọng nên thầy trực tiếp đào tạo. Những bài học dưới sự hướng dẫn của thầy Bích Ngọc đã chắp cánh và gieo lên hy vọng phát triển biểu diễn đàn Violon của chàng sinh viên trẻ. Tự trong lòng mình Ngô Văn Thành khi đó đã quyết tâm phải chinh phục cây đàn Violon kỳ diệu. Thành tích học tập của Ngô Văn Thành cũng là một gợi mở để trường âm nhạc Việt Nam quyết định cử sinh viên tham dự các cuộc thi âm nhạc quốc tế.

Câu chuyện trên cho thấy: Từ niềm đam mê ban đầu Ngô Văn Thành đã có may mắn có được những người thầy giỏi tận tình và sớm phát hiện ra tài năng chớm nở. Ở đây vai trò đào tạo, khích lên của các thầy giỏi đã là một động lực để Ngô văn Thành “Chuyển đam mê thành tài năng”, thật đúng là “không thầy đố mày làm nên” như các cụ ta xưa đã đúc kết.

Trở lại năm 1974, sau khi Cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Traicopxky tại Liên Xô kết thúc theo lẽ thông thường thì Ngô Văn Thành và Tôn Nữ Nguyệt Minh phải trở về Việt Nam. Nhưng có một chi tiết vô cùng thú vị là “Cuộc thi vừa kết thúc thì ông Giám đốc Nhạc viện Traicopxky đưa ra ngay một gợi ý, đó là “giữ” Ngô Văn Thành và Tôn Nữ Nguyệt Minh ở lại để vào học ở Nhạc viện âm nhạc nổi tiếng thế giới này” – Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành kể lại. Thế là GS Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa liền trao đổi với GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học để đi đến thống nhất đồng ý cho hai thí sinh được ở lại Liên Xô và theo học như lời gợi ý của bạn. 

Thực ra lúc đó nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Piano ở trong nước và Ngô Văn Thành cũng đã học đại học xong năm thứ 4 nhưng nhận thấy việc học ở một ngôi trường danh giá và có nhiều thầy giỏi nên cả hai đều “chấp nhận” học lại đại học từ đầu. GS.TS.NSND Ngô Văn Thành cười, ông cho biết thêm “Chúng tôi rất biết ơn các vị Bộ trưởng lúc đó, vai trò của các vị vô cùng quan trọng, vừa có tâm vừa có tầm nhìn xa để có những chiến lược đào tạo lâu dài”.

Đúng là các thầy Liên Xô cũng có “con mắt tinh đời”, các thầy đã đưa ra ý kiến xác đáng và rất có tâm huyết với đất nước Việt Nam khi đó còn nhiều khó khăn, còn nhiều hạn chế, nhất là ở lĩnh vực âm nhạc mang tính bác học, lĩnh vực nghệ thuật cao.

Sinh viên trẻ Ngô Văn Thành học tại Liên Xô.

Đến nghiệp làm thầy

Năm 1982, tốt nghiệp Nhạc viện Traicopxky, Ngô Văn Thành trở lại trường âm nhạc Việt Nam lúc này đã được gọi là Nhạc viện Hà Nội. Ông lựa chọn nghiệp làm thầy chỉ với mong muốn đơn giản như ông đã tâm sự là “Tôi muốn đem kiến thức học được để góp phần đào tạo nên những tài năng trẻ cho đất nước”.

Và ông đã trưởng thành từ một giảng viên lên Phó Chủ nhiệm Khoa Violon, rồi Chủ nhiệm Khoa, tiếp đó là phó Giám đốc Nhạc viện và cuối cùng là Giám đốc Nhạc viện cho tới khi nghỉ hưu năm 2016.

Nghệ sĩ Violon Ngô Văn Thành - Thầy Ngô Văn Thành đã có công đào tạo nên những lứa nghệ sĩ ở môn Violon, môn nghệ thuật tưởng như “quý tộc” và khó học này. Và như ông đã bộc bạch: “Ơn giời tôi chắc cũng mát tay nên có nhiều học trò Violon tài năng. Trong các cuộc thi Concours Mùa thu các năm 1990, 1994 và 2007 các em đều đoạt giải thưởng cao. Những học sinh ngày nào còn nhỏ, nay đã là tiến sĩ, thạc sĩ violon – hiện đang là những giảng viên đầu ngành trong các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Họ là những nghệ sĩ violon biểu diễn xuất sắc trong nghệ thuật âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam. Đó là những NSƯT như Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Hoàng Lan, Đào Mai Anh, Phan Tố Trinh và là tài năng trẻ xuất chúng Đỗ Phương Nhi…

Từ câu chuyện đó cho thấy một hiển nhiên là: Có học trò giỏi là nhờ có thầy giỏi. Và ngược lại: Có thầy giỏi ắt sẽ có trò giỏi. Nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta phải biết quý trọng và có trách nhiệm đến công tác đào tạo với một tâm huyết: Vì sự nghiệp phát triển của nghệ thuật nước nhà.

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.