You are here

Henryk Szeryng: Mang lại hạnh phúc bằng âm nhạc

Tác giả: 
Ngọc Tú

Với Henryk Szeryng, âm nhạc là sự lao động khổ luyện miệt mài và là phương tiện tuyệt vời để kết nối mọi người và mang lại hạnh phúc cho thế giới.

“Tôi coi âm nhạc là thứ ngôn ngữ cao quý nhất, mang lại sự thoải mái, niềm vui, nguồn cảm hứng và hòa bình cho nhân loại. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải gìn giữ hòa bình và nếu âm nhạc có thể giúp ích, thì hãy cùng nghe nhạc!” (Henryk Szeryng)

Henryk Szerying sinh ra tại Żelazowa Wola, một ngôi làng nhỏ cách Warsaw 46 km về phía Tây trong một gia đình Do Thái giàu có vào ngày 22/9/1918. Đây cũng chính là quê hương của Chopin. Khi lên 5 tuổi, cậu bé bắt đầu được mẹ hướng dẫn các bài học piano và hòa âm. Tuy nhiên, Henryk cảm thấy thích thú hơn với violin, nhạc cụ mà anh trai cậu Jerzy đang học nên khi lên 7 tuổi, cậu đã chuyển sang học violin. Thầy giáo của Henryk là Maurice Frenkel, người từng theo học Leopold Auer lừng danh tại Saint Petersburg. Szeryng vẫn nhớ bài học quan trọng nhất mà Frenkel đã dạy mình: “Khi chơi violin, khuỷu tay trái của con phải chính xác ngang với trái tim”.

Bronisław Huberman, nghệ sĩ violin danh tiếng, người sáng lập ra dàn nhạc Israel Philharmonic là một người bạn thân của gia đình Szeryng. Ông thường đến nhà Henryk để thảo luận về thơ và triết học với cha mẹ cậu. Sau một lần nghe cậu chơi concerto violin của Mendelssohn, Huberman đã thốt lên: “Cậu bé có tài năng tuyệt vời với đôi bàn tay như Jascha Heifetz” và khuyên gia đình nên cho Henryk học violin chuyên nghiệp. Szeryng rất trân trọng Huberman: “Khi ông ấy thảo luận về âm nhạc, nói không chỉ là bài học, nó đang mở ra những chân trời mới chưa được nhìn thấy. Bronisław Huberman là người khiến tôi trở thành nghệ sĩ violin”.

Khi lên 10 tuổi, cậu lên đường tới Berlin theo học Willy Hess. Tuy nhiên, những năm tháng này thực sự khó khăn với Henryk, tiếng Đức của cậu rất tệ khiến cậu gần như không thể hòa nhập được. Mọi sự chỉ được thay đổi vào năm 1930, thầy giáo lúc này của Henryk là Carl Flesch, một nghệ sĩ và giảng viên mẫu mực người Hungary. Henryk đã rất biết ơn sự dạy dỗ của Flesch: “Mọi thứ tôi biết, cách để một cây violin nói ra, tôi đều học từ ông”. Flesch cũng là thầy giáo của nhiều nghệ sĩ violin ưu tú khác như Ivry Gitlis, Ida Haendel, Josef Hassid hay Ginette Neveu. Sau khi kết thúc khóa học với Flesch, Henryk trở về Ba Lan và có buổi biểu diễn đầu tiên vào ngày 6/1/1933 khi mới 15 tuổi tại Warsaw cùng Warsaw Philharmonic dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Georges Georgescu với bản concerto violin của Brahms. Szeryng luôn yêu thích Brahms và thường xuyên biểu diễn tác phẩm của nhà soạn nhạc trong suốt sự nghiệp của mình: “Nếu có ai đó yêu cái đẹp, thì đó là Brahms. Tôi cảm thấy rất gần gũi với Brahms và hi vọng Brahms cũng cảm thấy gần gũi với tôi”. Cũng với tác phẩm này, Henryk đã biểu diễn tại Salle Pleyel, Paris vào ngày 17/12 cùng Paris Symphony Orchestra và Pierre Monteux. Ngày 13/4/1934, cậu trình diễn concerto violin của Beethoven với Warsaw Philharmonic và nhạc trưởng lừng danh Bruno Walter.

Mặc dù đã trở thành nghệ sĩ violin chuyên nghiệp và có một khởi đầu tốt đẹp nhưng Szerying vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Năm 1935, anh tiếp tục theo học tại nhạc viện Paris dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ violin nổi tiếng Jacques Thibaud và Gabriel Bouillon. Tại đây, tiếng đàn của Szeryng đã hấp thu được sự tinh tế và trau chuốt đầy hoa mỹ, những gì tinh túy nhất của trường phái violin Pháp. Chỉ chưa đầy 20 tuổi, anh đã được tôi luyện trong môi trường nghiêm khắc và kỷ luật của Đức cũng như sự sang trọng và quý phái của Pháp. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1937, Szeryng tiếp tục theo học sáng tác với Nadia Boulanger cũng như gặp và kết bạn Jean Cocteau, Pablo Picasso và Stravinsky. Cũng trong khoảng thời gian này, anh có được cây đàn Andrea Guarneri, Cremona, 1683, “Santa Teresa”, trước đây từng thuộc về Giuseppe Tartini.

Sự giáo dục quốc tế trở nên rất hữu ích với Szeryng khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Mùa thu năm 1939, ông gia nhập quân đội Ba Lan, trở thành sĩ quan liên lạc và thông dịch viên của tướng Władysław Sikorski, thủ tướng của chính phủ lưu vong Ba Lan, được thành lập tại Pháp. Szeryng đã chơi hơn 300 buổi hòa nhạc cho lực lượng Đồng minh trong các doanh trại quân đội và bệnh viện dã chiến. Năm 1983, trong lần trả lời phỏng vấn New York Times, ông cho biết: “Đây là những năm tháng rất đẹp theo một cách nào đó. Tôi học được âm nhạc không chỉ một môn nghệ thuật tuyệt vời mà còn có thể xoa dịu nỗi đau về tinh thần và thể chất, đồng thời có thể gắn kết mọi người với nhau. Trong thời gian cuộc chiến diễn ra, tôi đã tự hứa với mình rằng chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ cố gắng liên kết mọi người”. Với  khả năng ngôn ngữ tuyệt vời của mình (thành thạo bảy ngôn ngữ Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Ý, Đức), Szeryng đã trở thành phụ tá đắc lực cho Sikorski. Tháng 12/1942, ông tháp tùng Sikorski tới Mexico nhằm tìm kiếm sự trợ giúp cho hơn 4000 người dân Ba Lan đang phải sống lưu vong. Tổng thống Mexico Manuel Ávila Camacho đồng ý cho họ tị nạn và tuyên bố sẽ luôn chào đón Szeryng khi đến với đất nước này. Quá xúc động trước tình cảm của Mexico dành cho mình và những người đồng hương. Szeryng đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với đất nước này.

Henryk Szerying và Arthur Rubinstein thu âm các sonata của Beethoven

Từ năm 1943, Szeryng định cư tại Mexico và có buổi biểu diễn đầu tiên tại đây vào ngày 18/7 với việc ra mắt lần đầu tiên trên phạm vi toàn thế giới bản violin concerto mà nhà soạn nhạc Manuel Maria Ponce dành tặng cho ông. Nhận lời đề nghị của Tổng thống Mexico, Szeryng nhận lời tổ chức lại nhạc viện Mexico và đảm nhiệm cương vị trưởng khoa dây tại đây từ năm 1945. Tháng 10/1948, Szeryng trở thành công dân Mexico. Tại đất nước xa xôi này, trong vài năm sau đó, cuộc sống bình lặng cứ thế trôi qua, ông dạy học, làm công tác từ thiện và biểu diễn khoảng 20 buổi một năm và có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài nếu như không có một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi sự nghiệp của Szeryng.

Mùa hè năm 1954, nghệ sĩ piano huyền thoại người Ba Lan Arthur Rubinstein tới biểu diễn tại Mexico City. Sau đêm diễn, Szeryng đã đến chúc mừng người đồng hương vĩ đại. Rubinstein lịch sự mời Szeryng đến khách sạn vào hôm sau. Và ông đã chơi đàn cho Rubinstein nghe. Rubinstein nhớ lại trên New York Times vào năm 1978: “Szeryng đã chơi các sonata của Bach khiến tôi rơi nước mắt. Những người yêu âm nhạc thực sự muốn cảm xúc - những khoảnh khắc tuyệt vời - điều mà Szeryng có thể mang tới cho họ”. Szeryng kể lại: “Ông ấy nhấc điện thoại trong phòng mình, không hỏi ý kiến của tôi, gọi đến London, Paris, New York và Berlin. Ông ấy nói nếu tôi muốn biểu diễn, ông ấy sẽ hỗ trợ tôi”. Và Szeryng đã quay trở lại với sự nghiệp biểu diễn quốc tế. Rubinstein thực sự yêu quý nghệ sĩ violin trẻ tuổi và họ đã thực hiện một số bản thu âm cùng nhau. Đó là sonata violin số 5, 8 và 9 của Beethoven, toàn bộ các sonata violin của Brahms, ba trio piano của Brahms cũng như trio piano số 1 của Schumann và 2 trio piano của Schubert (cùng với nghệ sĩ cello Pierre Fournier). Thật may mắn, nhờ sự động viên của Rubinstein, thế giới mới được chứng kiến sự trở lại của một nghệ sĩ violin xuất sắc. Năm 1956, Mexico phong ông làm Đại sứ lưu động về Văn hóa và Thiện chí và ông là nghệ sĩ đầu tiên đi lưu diễn với cuốn hộ chiếu ngoại giao.

Szeryng được giới thiệu với ông bầu quyền lực Sol Hurok và ngay lập tức có chuyến lưu diễn tới 20 thành phố trong năm 1957. Szeryng cũng tiến hành ghi âm với những dàn nhạc danh tiếng trên thế giới như concerto violin của Tchaikovsky với Boston Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Charles Munch hay concerto violin của Brahms với London Symphony Orchestra và Pierre Monteux. Danh mục biểu diễn của ông rất đa dạng, từ những tác phẩm “truyền thống” của Bach, Beethoven, Brahms, Mendelssohn, Wienawski… cho đến những nhà soạn nhạc hiện đại như Bartók, Berg, Khachaturian, Prokofiev, Szymanowski. Ông cũng là người biểu diễn đầu tiên trên phạm vi toàn thế giới các concerto violin của Jean Martinon, Benjamin Lees hay Carlos Chavez. Năm 1970, ông tình cờ phát hiện ra bản concerto violin số 3 của Nicolò Paganini, tác phẩm tưởng như đã bị thất lạc, tại nhà riêng của hậu duệ nhà soạn nhạc. Szeryng đã tự soạn các cadenza và ghi âm tác phẩm cùng với London Symphony Orchestra và nhạc trưởng Alexander Gibson cho hãng Philips.

Một trong những sở thích của Szeryng là sưu tầm các cây violin cổ. Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Ông thường đi lưu diễn với một hộp đàn kép, trong đựng một cây Guarneri “del Gesù” , một Stradivarius và sử dụng chúng luân phiên. Szeryng cho biết: “Thật may mắn khi âm thanh của Stradivari đủ tối và Guarneri đủ sáng để khiến tôi không cảm thấy bối rối khi chuyển đổi”. Nghệ sĩ piano Gary Graffman, người từng theo học với Rudolf Serkin và Vladimir Horowitz, từng biểu diễn cùng Szeryng trong các chương trình thính phòng kể lại: “Szeryng thường đi biểu diễn với 1 Strad và 1 ‘del Gesù’, vợ tôi phải ngồi sau cánh gà trông chừng cây còn lại khi ông không chơi nó”. Cây đàn Strad của Szeryng chính là Antonio Stradivarius 1734 “Hercules” trước đây từng thuộc về nghệ sĩ huyền thoại Eugène Ysaÿe và được ông mua lại từ nhạc trưởng Munch với giá 40.000USD vào năm 1962. Ông sở hữu ít nhất sáu violin với tuổi đời mỗi cây đều hơn 100 năm, có cây lên đến gần 300 năm. Tuy nhiên, theo thời gian, ông đã tặng lại hầu hết bộ sưu tập của mình. Ngày 24/12/1972, sau buổi hòa nhạc kỷ niệm 25 năm thành lập Nhà nước Israel, Szeryng đã tặng lại cây Strad “Hercules” cho thành phố Jerusalem. Vì vậy, cây đàn được đổi tên thành “Kinor David Stradivarius” và được giao cho concertmaster của Israel Philharmonic. Năm 1974, ông tặng cây “Santa Teresa” mà ông có được ở Pháp từ năm 1937 cho đất nước Mexico và nó cũng được giao cho concertmaster của Orquesta Sinfónica Nacional de México. Năm 1985, một violin khác của Szeryng, Jean-Baptiste Vuillaume 1861, được mô phỏng theo Stradivarius “Messiah” được ông tặng cho hoàng tử Reiner III của Công quốc Monaco và thường được concertmaster của Monte Carlo Philharmonic biểu diễn. Một cây đàn được nghệ nhân Pháp Jean-François Aldric làm được Szeryng tặng cho nghệ sĩ violin nổi tiếng Shlomo Mintz, cây đàn tuyệt đến nỗi rất nhiều người tưởng rằng đó là Strad. Còn với học trò và người trợ lý của mình tại Mexico Enrique Espín Yepez, ông đã tặng lại cây violin được nghệ nhân xứ Cremona Giovanni Battista Ceruti làm từ năm 1801. Ông cũng có một bộ sưu tầm vĩ đồ sộ, chủ yếu của Pháp. Trong đó, theo lời vợ ông, bà Waltraud, Szeryng thích nhất là một cây vĩ do Dominique Peccatte làm, từng thuộc về Ysaÿe. Szeryng cũng đã trao tặng đi rất nhiều cây vĩ, theo cách mà ông đã làm với các violin của mình hoặc bán đấu giá để ủng hộ cho các mục đích từ thiện. Szeryng giải thích về hành động của mình: “Mặc dù nhiều người coi đây là một hành động vô cùng vị tha nhưng tôi tin rằng việc làm này cũng có một chút ích kỷ. Tôi cảm thấy có một loại rung động đồng thời xảy ra giữa tôi với những nghệ sĩ violin khác, hãy để chúng tôi nói, chúng là những vật chất trước đây thuộc về tôi, nhưng sở hữu không chỉ là vật chất”. Ông cũng rất hóm hỉnh: “Violin cũng giống như người phụ nữ, không muốn bị chia sẻ và thích được chơi thường xuyên”. Szeryng chỉ giữ lại Guarneri “del Gesù” và một vài cây violin khác. Tháng 5/1975, tại Tel Aviv, ông thành lập “Quỹ Henryk Szeryng” với mục đích mua nhạc cụ để trang bị cho Israel Philharmonic. Ông liên tục ủng hộ quỹ cho đến tận tháng 4/1987 và quyên góp 2/3 số tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện.

Henryk Szeryng với Arthur Rubinstein và gia đình ông. Nguồn: Dmitri Kessel/Life Magazine

Là một người có xuất thân quý tộc, được đào tạo theo hai trường phái Đức và Pháp, tiếng đàn của ông có một sức mạnh bền bỉ, một sự tư duy đầy lý trí ẩn sau một bề mặt duyên dáng và tinh tế. Cách tiếp cận của Szeryng đối với mọi thứ ông chơi rất thanh lịch và trữ tình, giọng điệu ngọt ngào và tròn trịa, ngữ điệu hoàn hảo với một trí thông minh nhạy bén. Nhưng ở ông, đôi khi tồn tại một thứ gọi là “cảm xúc lạnh lẽo”, một sự thiếu mạnh mẽ và táo bạo nhất định. Với Szeryng, đó là một ngôn ngữ âm nhạc được suy tính kỹ càng, chắc chắn, không bao giờ vội vã. Ông ít chú ý đến bản thân, không quan tâm đến những sắc thái hoa mỹ không cần thiết, mọi quyết định ông đưa ra đều được dựa trên sự trung thực thuần khiết đối với tổng phổ, một sự triệt để hạ thấp cái tôi nhằm tôn vinh nhà soạn nhạc, đặc biệt trong các bản nhạc của Bach - những tác phẩm khiến Rubinstein rơi lệ. Bản thân Szeryng đã nói với Los Angeles Times vào năm 1986: “Nếu những màn trình diễn của tôi có sự tươi mới và tự nhiên trong đó, sau khi tôi đã chơi chúng trong nhiều năm, đó không phải là một điều kỳ diệu. Đó là sự lao động vất vả”.

Sự nghiệp của Szeryng vẫn tiếp tục phát triển cùng với các hoạt động ngoại giao của ông. Ông có khoảng 250 bản thu âm trong suốt sự nghiệp của mình và được bổ nhiệm làm Cố vấn danh dự của Phái đoàn thường trực Mexico tại UNESCO vào tháng 5/1970. Năm 1967, Szeryng làm giám khảo tại cuộc thi violin quốc tế mang tên Henryk Wienawski và năm 1981 làm trưởng ban giám khảo. Tháng 1/1984, ông kết hôn Waltraud Büscher, một cô gái rất thông minh, thanh lịch và say mê âm nhạc. Họ gặp nhau lần đầu vào tháng 5/1966 tại Saarbrücken, Đức khi Szeryng biểu diễn cùng Saarland Radio Symphony Orchestra. Họ luôn giữ liên lạc với nhau kể từ thời điểm đó. Không phải tất cả những nghệ sĩ nổi tiếng đều duy trì được sự cân bằng thoải mái giữa sự nghiệp âm nhạc và cuộc sống cá nhân nhưng Szeryng là một người như vậy. Bà Waltraud cho biết: “Trên sân khấu, ngoài sân khấu hay sau hậu trường, những gì đáng giá nhất đối với Henryk là sự tôn trọng, lòng khoan dung, cư xử hòa nhã, kỷ luật và trật tự”. Ngày 19/11/1987, Szeryng lần đầu tiên công diễn tại Mỹ bản concerto violin của Reynaldo Hahn cùng Atlanta Symphony Orchestra và nhạc trưởng Louis Lane sau gần 60 năm tác phẩm bị quên lãng.

Ngày 1/3/1988, tại Kassel. ông biểu diễn bản concerto violin của Brahms dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Myung-Whun Chung trong chuyến lưu diễn Đức với Saarland Radio Symphony Orchestra, chính là dàn nhạc trong đêm mà ông gặp người vợ của mình. Đây chính là buổi hòa nhạc cuối cùng của ông. Sau đêm hôm đó, ông bị xuất huyết não và lâm vào hôn mê sâu. Ông qua đời vào ngày 3/3/1988, thọ 69 tuổi. Szeryng được chôn cất tại nghĩa trang Monaco, trên bia mộ ông khắc những ô nhịp cuối cùng của Ciaconna, trong Partita số 2 dành cho violin độc tấu của Bach.

Szeryng đã kết thúc sự nghiệp biểu diễn violin chuyên nghiệp của mình đúng theo cách mà nó đã bắt đầu khoảng 55 năm về trước với concerto violin của Brahms. Đó là sự tình cờ, định mệnh hay một điều ước? Gần 10 năm trước đó, ngày 23/7/1978, trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Excelsior của Mexico, một trong những câu hỏi ông nhận được là: “Ông sẽ làm gì nếu như ông chỉ còn một giờ đồng hồ để sống?”, Szeryng đã trả lời: “Tôi sẽ chơi concerto violin của Brahms”.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.