You are here

Hãy xem nghệ thuật là “đặc sản”

Tác giả: 
Văn Đoàn

Việc 4 đêm diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” do Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng cháy vé, sẽ phải diễn thêm suất, là một tin mừng với những người làm nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh mà những sản phẩm giải trí dễ dãi đã chiếm lĩnh thị trường suốt hơn hai thập niên.

Nhiều người lạc quan tin rằng nghệ thuật hàn lâm đã bắt đầu tìm lại được chỗ đứng trên thị trường, nhất là khi đã có những thành công từ các tác phẩm khác trước đó như “Hồ Thiên Nga” hay vở thanh xướng kịch “Tiên Nga”...

Thực tế, không phải là thị trường nghệ thuật hàn lâm đã hồi sinh như vài người vẫn nghĩ. Chẳng qua là chúng ta hơi thiếu sự quan tâm nên không để ý đến việc trong suốt những năm qua, các buổi trình diễn nhạc cổ điển, các vở múa đương đại vẫn có đất sống. Cơ bản là chúng không được truyền thông rầm rộ nên không mấy người nhận thấy sự thành công mà thôi. 

Nói chung, lớp khán giả yêu thích nghệ thuật hàn lâm vẫn tồn tại, và tạo thành một thị trường ngách, khai thác như thế nào mới là điều quan trọng. Một bằng chứng: nhóm sản xuất chuỗi chương trình “Music in the spotlight”, bao năm rồi họ vẫn miệt mài đi trên con đường của mình, với mỗi năm vài buổi trình diễn được bán sạch vé, đồng thời tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả trung thành. 

Các nghệ sĩ tham gia trong vở nhạc kịch "Những người khốn khổ". (Ảnh: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam)

Chuyện nghệ thuật hàn lâm nói riêng và nghệ thuật nói chung chỉ chiếm được một ngách thị trường thực ra không phải chỉ là vấn đề tồn tại riêng ở Việt Nam. Nó là câu chuyện toàn cầu. Nghệ thuật khác giải trí ở chỗ nó đòi hỏi khán giả thưởng lãm phải có nền tảng văn hoá và tri thức nhất định.

Ở các nước phát triển, một vở diễn được dàn dựng không phục vụ cuộc chơi ngắn ngày hoạch toán lỗ lãi kiểu một dự án ngắn hạn. Chúng là những dự án dài hơi, lên tới hàng chục năm, và nhiều vở diễn đã trở thành thương hiệu văn hoá của một địa phương mà bất kỳ du khách nào tới đó cũng phải thưởng thức một lần. Ở Việt Nam không tồn tại thứ đặc sản ấy. 

Đơn giản, không có đủ nguồn nuôi dưỡng chúng dài hơi khi khán giả trong nước chưa có thói quen xem một tác phẩm trình diễn nghệ thuật là một món ăn thực sự. Với người Việt, câu hỏi “đã xem vở ABC chưa?” là một câu hỏi có thể rất quen. Nhưng câu hỏi “Mình đi xem lại vở ABC đi?” thì lại là một câu hỏi còn hiếm. 

Trong số những người đã xem, và đã khen “Những người khốn khổ”, tỷ lệ người sẽ sẵn sàng xem lại nó lần thứ hai là bao nhiêu, và tỷ lệ những người coi nó là một đặc sản, có thể một năm đi “ăn” đặc sản ấy vài lần là bao nhiêu? Chưa có thống kê nhưng chắc chắn khó có thể chiếm đa số. Người Việt nói chung có thói quen đã xem rồi coi như đã biết rồi và không có nhu cầu xem lại nữa.

Đây chính là lý do để nghệ thuật đích thực khó có đất sống. Đơn cử, vở thanh xướng kịch “Tiên Nga” chẳng hạn. Nhiều người thích nhưng tỷ lệ muốn xem lại không chiếm đa số. Điều đó dẫn tới vở không có cơ hội lớn để được duy trì kéo dài. Các diễn viên phải nhận việc khác như đóng phim, đi quay quảng cáo, đi diễn tỉnh... để sinh nhai. Từ đó, việc sáng đèn liên tục lại càng trở ngại hơn.

Mấy năm gần đây, người Việt bắt đầu quen dần với các khoá học cảm thụ như “music appreciation” (Cảm thụ âm nhạc) chẳng hạn. Học cảm thụ là trang bị nền tảng tri thức, văn hoá để từ đó có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Nhưng cần hơn nữa là thói quen “ăn” nghệ thuật, tức là phải coi nghệ thuật như đặc sản vậy. 

Nó không khác gì hàng ngày ta có thể dùng cơm nhà (như những chương trình giải trí chẳng hạn) nhưng thi thoảng cũng nên có thói quen đi nhà hàng ăn đặc sản (các chương trình nghệ thuật). Chính việc “ăn” nghệ thuật này sẽ khiến đời sống của ta phong phú hơn và cũng tạo ra môi trường sống cho nghệ thuật đích thực để nó không tạo ra cảm giác bị lép vế so với giải trí tầm thường.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.