You are here

Những cánh én lấp lánh của mọi tuổi thơ...

Tác giả: 
Phạm Hồng Tuyến

Điều gì báo hiệu mùa xuân đến? Tiết trời, cỏ cây hay hoa lá? Còn nhiều nữa và chắc chắn trong đó không thể thiếu những cánh én − cánh én và mùa xuân − biểu tượng từ bao đời nay.... Bất giác bạn sẽ khe khẽ hát: “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân...” Câu hát ấy xuất phát từ một ngạn ngữ của Pháp: “Une hirondele ne fait pas le printemps Một con chim én không tạo nên mùa xuân.”

Khi viết những lời ca này, chắc hẳn nhạc sĩ Phạm Tuyên đã hồi tưởng về tuổi thơ của mình, những năm tháng ngắn ngủi êm đềm bên cha mẹ với bao ước mơ và... không lường được chẳng bao lâu sau, chông gai, thử thách, gian khổ sẽ ập đến cuộc đời...

Ngược dòng thời gian trở lại những năm 30−40 của thế kỉ 20... Cậu bé Phạm Tuyên là con thứ chín trong gia đình ở ngôi biệt thự có tên Hoa Đường nằm cạnh dòng An Cựu tại kinh thành Huế khi đó. Cả nhà ai cũng yêu nghệ thuật, cậu bé Tuyên nổi trội về năng khiếu âm nhạc. Thấy người ta sáng tác Sóng Danube cậu cũng có bản trường ca Sông Hương của riêng mình lúc chín tuổi. Đi học tại ngôi trường nổi tiếng Quốc học Huế, cậu được tiếp xúc với những kiến thức, tinh hoa thế giới, vì thế mà ước mơ nghệ thuật càng bay bổng. Tham gia ban nhạc ở trường, cậu có cơ duyên sinh hoạt cùng người bạn đồng trang lứa tên là Nguyễn Tăng Hích, sau này cũng trở thành một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam − nhạc sĩ Trần Hoàn. Và có lẽ những tinh túy về văn học, âm nhạc, hội họa, ngoại ngữ.... được tiếp thụ từ thuở ấu thơ ấy đã song hành cùng nhạc sĩ trong cả cuộc đời. Để rồi gần năm mươi năm sau ông gửi gắm vào bài ca về “Những cánh én chấp chới của mọi tuổi thơ, những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ...”

Tôi là con gái thứ hai, và là út trong nhà, cách chị cả mười tuổi, vì thế được chăm lo, cưng chiều hơn cả. Và tôi có những món quà đặc biệt của bố... Hiếm người bố nào yêu con lại dành tặng con nhiều bài hát như thế. Từ lúc chập chững đến trường mẫu giáo, các bài Trường chúng cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan  viết cho con gái đã trở thành khúc ca của mọi em bé, cho đến bài ca viết tặng thầy giáo lên đường chiến đấu ở biên giới năm 1979 − Tiễn thầy đi bộ đội đã được cả một thế hệ yêu mến, ghi nhớ và hát mãi. Đến khi tôi bắt đầu tiếp xúc với tiếng Nga, ông lại có món quà chuyển ngữ bài hát Nụ cười để bao lớp trẻ em Việt Nam yêu quý như bài hát của nước mình. Từ món quà cá nhân của một ông bố yêu con, bài hát đã đến với các thế hệ thiếu nhi, là những kỉ niệm không bao giờ nhạt phai.

Bài hát Cánh én tuổi thơ được bố tôi sáng tác mùa đông năm 1987, phát sóng lần đầu tiên trên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội mùa xuân 1988. Lúc này tôi đã là sinh viên, đang học xa nhà ở Liên Xô. Theo những gì bố tôi từng chia sẻ thì ông muốn viết những bài hát cho lứa tuổi thiếu niên lớn với nhiều mộng mơ, ước vọng, lứa tuổi thuở ấy còn quá khan hiếm ca khúc của riêng mình. Nhưng khi nghĩ đến thời điểm ông sáng tác, lúc con gái đi học xa, tôi trộm nghĩ có lẽ khi viết những dòng nhạc ấy ông đã nghĩ đến cô út đang cô đơn, nhớ gia đình ở phương trời tuyết rơi lạnh lẽo. Quả thật, mùa đông ấy, mùa đông đầu tiên tôi xa bố mẹ, phải tự lập mà lại là đứa vụng về, hậu đậu nên tủi thân vô cùng.

Một cánh én nhỏ lạc bầy giữa mùa đông

Cô đơn giữa trời sương mờ giăng trắng đồng...

Cô sinh viên gầy còm, lẻo khẻo, xa nhà, hay ốm đau, lần thì ngất giữa đường, lần thì sốt cao xình xịch vì ngấm tuyết lạnh... Có những lúc bị đau đầu, chỉ biết viết những dòng thư: “Bố mẹ ơi, con đau đầu quá, con muốn về nhà với bố mẹ...” Có lẽ khi đọc lá thư của con gái ông đã thương xót lắm, bởi vậy nên dồn nén tình cảm vào bài hát chăng? Tôi không bao giờ hỏi bố việc đó, chỉ đoán vậy...

Lần đầu tiên tôi được nghe trực tiếp Cánh én tuổi thơ là khoảng ba năm sau đó, khi tôi tốt nghiệp đại học và vừa về nước. Dịp đó là tháng 9 năm 1990, kỉ niệm 20 năm thành lập Đài Truyền hình Việt Nam, cũng là kỉ niệm 20 năm ngày phát sóng đầu tiên của chương trình Những bông hoa nhỏ[1]. Là người gắn bó, đóng góp nhiều cho chương trình, ông được mời đến tham dự buổi ghi hình kỉ niệm, và được đề nghị tự hát một sáng tác với đàn guitare. Tôi bỗng nhiên trở thành người có mặt trong buổi đó với ”nhiệm vụ“ thú vị là ngồi sau xe máy cầm đàn cho bố. Và lần đầu tiên tôi nghe giai điệu Cánh én tuổi thơ qua phần hát mộc mạc của bố, có gì đó khiến tôi thấy ngập tràn trong lòng niềm xúc động... Tôi nghĩ, có lẽ, đây là bài ca khi được nghe thì không chỉ trẻ thơ mà cả người lớn đều có cảm xúc đặc biệt. Các bạn nhỏ có những ước mơ, những khát khao bay bổng giữa bầu trời rộng lớn như cánh én, còn người lớn lại là những nỗi buồn man mác, tiếc nuối về tuổi thơ đã trôi qua..... Nhưng “Một cánh én không làm nên mùa xuân” chính là thông điệp quan trọng nhất nhạc sĩ muốn gửi gắm tới tất cả những ai đã, đang và sẽ nghe, hát khúc ca ấy của ông. Với hơn 200 bài hát dành cho trẻ em, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Kỉ lục Việt Nam xác nhận là người có nhiều bài phổ biến tới thiếu nhi nhất trong thời điểm ấy. Ông luôn mong muốn ngày càng có thêm nhiều ca khúc viết cho tuổi thơ, và cũng là tương lai của đất nước. Xã hội càng hiện đại, trẻ em có thêm nhiều nguồn kiến thức, hình thức giải trí, tuy vậy, bài hát dành riêng cho các em cứ ngày một thiếu hụt. Nhạc sĩ Phạm Tuyên giờ tuổi đã cao, sức yếu hơn, và lại càng trăn trở về vấn đề này. Ông mong muốn có thêm nhiều “cánh én” không chỉ từ các nhạc sĩ mà còn là tất cả những ai quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ thơ, để có thể “dệt nên mùa xuân” – chính là các bài hát, món quà trân quý cho những búp măng non của đất nước, làm phong phú thêm tâm hồn, tràn ngập yêu thương.

Một mùa xuân đang đến, “rủ nhau én về theo làn nắng ấm dần...” Mong ước của ông liệu có thành hiện thực… Chúng ta cùng hy vọng và hy vọng…

Nghe Cánh en tuổi thơ https://hoinhacsi.vn/thanh-nhac/canh-en-tuoi-tho


[1] Một chuyên mục dành riêng cho thiếu nhi của Đài Truyền hình Việt Nam thời kì đó.

BÌNH LUẬN

Cám ơn Hồng Tuyển co bài viết rất cảm động về bài hát Cánh én tuổi thơ và Cha mình, Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.