You are here

Chương 2 bản concerto số 21 cho piano của Mozart

Tác giả: 
Thu Cúc

 

“Âm nhạc của Mozart thuần khiết và đẹp đến mức người ta có cảm giác rằng ông chỉ đơn giản là tìm thấy nó, lấy nó ra một cách tự nhiên và nguyên vẹn như thế nó vốn đã tồn tại như một phần cái vẻ đẹp sâu kín của vũ trụ đang chờ được khám phá”. 

Đó là lời khen của một thiên tài khoa học - Albert Einstein dành cho Wolfgang Amadeus Mozart – một thiên tài âm nhạc. Đây có lẽ là lời nhận xét tinh tế nhất, chính xác nhất về vẻ đẹp của âm nhạc Mozart: trong sáng, tao nhã, trữ tình,hoàn hảo mà giản dị, thuần khiết như là bản thể của cái Đẹp đã tồn tại vĩnh hằng trong tự nhiên vậy.

Wolfgang Amadeus Mozart tên đầy đủ Johannes Chrysostomus Wolfgangus Theophilus Mozart, sinh ngày 27 tháng 1 năm 1756 mất ngày 5 tháng 12 năm 1791 – là nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo. Ông là một trong những nhà soạn nhạc có đóng góp nhiều nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu.

Như một ngôi sao chổi chói lòa quệt ngang qua bầu trời nghệ thuật châu Âu thế kỷ XVIII và để lại một cái đuôi dài rực sáng. 35 năm trên cõi thế thật ngắn ngủi nhưng Mozart kịp để lại cho nhân loại một kho tàng âm nhạc khổng lồ gồm: 628 tác phẩm, nổi bật với những bản opera “Cây sáo thần”, “Don Giovanni”, “Đám cưới Figaro”..., các bản concerto cho piano số 20, 21...

Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong các lĩnh vực concerto cho piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và opera. Âm nhạc của ông hài hòa, cân đối trong từng nốt nhạc. Bởi vậy, người ta khuyến khích các bà mẹ cho trẻ nhỏ nghe nhạc của Mozart để trẻ phát tiển về trí tuệ và tâm hồn. Đặc biệt đến những năm cuối thế kỷ XX đã rộ lên thuật ngữ “Mozart effect” – hội chứng Mozarrt, ảnh hưởng của Mozart...

Dàn nhạc Giao hưởng Viên (Vienna Philharmonic)

Cũng có ý kiến cho rằng, trong âm nhạc cổ điển châu Âu, Ludvwig Van Beethoven mới thực sự vĩ đại. Rằng âm nhạc của Betthoven có cấu trúc phức tạp hơn, hình tượng âm nhạc phong phú hơn, biểu đạt tư tưởng lớn lao hơn và sắc thái cảm xúc cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, có người lại cho rằng Mozart mới là tuổi thanh xuân của âm nhạc cổ điển, là nguồn nước mãi mãi trẻ trung đem đến cho nhân loại niềm vui khi mùa xuân về và sự hài hòa của tâm hồn, và chính Beethoven đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Mozart.

Một thiên tài nghệ thuật khác, Piort Irlich Tchaikovsky cũng đã phải thốt lên: “Tôi khẳng định một cách sâu sắc rằng, Mozart là đỉnh cao nhất mà cái đẹp trong âm nhạc có thể đạt tới.” Từ lâu, người ta đã coi Mozart là biểu tượng, là hiện thân, là những gì tinh túy và thuần khiết nhất của âm nhạc. Căn nguyên của nó là bởi Mozart luôn nhìn cuộc sống bằng cặp mắt trong sáng của trẻ thơ, và ông đã chắt lọc những gì đẹp đẽ nhất, tươi trẻ nhất và thánh thiện nhất của con người để biếu đạt nó trong âm nhạc.

Cấu trúc âm nhạc Mozart thông minh, tài tình, bác học nhưng tự nhiên, giản dị một cách kì lạ như không có sắp xếp gì. Nó đạt đến độ tinh tế đến mức không thể giải thích được mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn mà thôi. Cùng với Mozart, trong Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo AIWS Beethoven và Bach được coi như những đỉnh cao nhất, là những nhà soạn nhạc bất tử của nhân loại.

Vẻ đẹp tự nhiên, trong trẻo, tinh tế và thuần khiết của âm nhạc Mozart được thể hiện tập trung nhất trong bản concerto số 21 cung Đô trưởng giành cho dương cầm được Mozart hoàn thành vào 9/3/1785. Bản nhạc có độ khó rất cao trong kĩ thuật biểu diễn nhưng lại đậm chất trữ tình và độc đáo, nhất là ở chương hai. Nhiều nghệ sĩ lừng danh thế giới thể hiện bản nhạc này như một cách để khẳng định tài năng của mình. Bản nhạc cũng là cội nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm nghệ thuật thuộc các thể loại khác nhau.

Chương 2 được lấy làm đề tài cho bộ phim Elvira Madigan của Thụy Điển năm 1967, đến năm 1972 chương I được sử dụng như là nhạc nền cho bộ phim truyền hình “Whiz Kisd”. Có thể nói đây là bản piano concerto nổi tiếng nhất trong số 27 bản concerto của Mozart. Nếu chương một được mở đầu đầy sức sống và hứng khởi thì chương 2 tràn ngập giai điệu êm đềm, dịu ngọt.

Tiết tấu chậm, giai điệu đẹp, âm hưởng nhẹ nhàng mà sâu lắng dẫn dắt tâm hồn người nghe đi vào trạng thái an nhiên, thư thái - một trạng thái “ thiền” quý giá cho tâm hồn con người trong một cuộc sống nhiều xáo động, nhiều ganh đua, áp lực. Có độc giả cho rằng chương 2 Andante được viết ở cung Fa trưởng giống như lời tình tự từ trái tim người mẹ: dịu dàng, ấm áp kể với con câu chuyện yêu thương, có nắng trong, mưa nhẹ, có kí ức trong trẻo ngọt ngào thời ấu thơ, có những biến cố khi con trưởng thành...

Trong Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân tạo (AIWS), tác phẩm âm nhạc này sẽ được coi là tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của AIWS và AIWS coi đó là chuẩn mực của vẻ đẹp tinh thần, khuyến khích các công dân AI (AI citizens) cảm thụ nó. Âm nhạc sẽ là ngôn ngữ trực tiếp từ trái tim đến trái tim của con người tự nhiên và AI citizens.

Nghệ sỹ piano Friedrich Gulda

Hãy nhắm mắt, đắm hồn trong thế giới âm thanh ấy của Mozart qua phần biểu diễn của nghệ sỹ piano Fredrich Gulda, một nghệ sỹ có cá tính đặc biệt người Áo, được coi là nghệ sỹ piano biểu diễn các tác phẩm của Mozart một cách xuất thần nhất, ông có mong muốn và được toại nguyện là chết đúng vào ngày sinh của Mozart, và Dàn nhạc giao hưởng Viên (Vienna Philharmonic) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Claudio Abbado.

(Nguồn: http://vietnamnet.vn)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.