You are here

Chúng ta cần âm nhạc để vực dậy tinh thần

Tác giả: 
Tô Vân dịch

Ông Stefano Bozzini, một người Ý ở độ tuổi 81, đã chơi đàn accordion cho người vợ của mình từ sân sau bệnh viện vì đang trong thời kỳ hạn chế đi lại vì Covid.

Giải thích về hành động của mình, ông Stefano Bozzini, sống tại thị trấn Castel San Giovanni, tỉnh Piacenza thuộc vùng Emilia-Romagna đã chơi những khúc nhạc chiều cho người vợ của mình từ dưới khung cửa sổ bệnh viện bà đang điều trị, cho rằng đơn giản là mình làm theo tiếng gọi trái tim.

Do trong thời gian hạn chế đi lại vì coronavirus, ông Stefano Bozzini không thể tới thăm vợ mình, bà Carla, đang nằm điều trị trong bệnh viện nên thay vào đó, ông chơi những ca khúc trên cây đàn accordion thân thuộc của mình để bồi đắp thêm tình yêu của họ.

Màn biểu diễn lãng mạn đã diễn ra vào một sáng chủ nhật ở sân sau của bệnh viện tại Castel San Giovanni. Nó ngọt ngào và gây xúc động lớn đến mức người ta quay lại và chia sẻ video trên mạng internet. Giữa những người chia sẻ đó có con gái của ông “Tôi tin rằng có hai điều, ở mức độ khác nhau, đem lại cho chúng ta thước đo cuộc sống tươi đẹp là như thế nào, đó là tình yêu và nụ cười... Chỉ với một thứ, bạn đã sống tốt; với cả hai, bạn thực sự là người bất khả chiến bại! Stephan Bozzini, bố thực sự là người hùng của con!”

Còn người hùng giữa đời thường suy nghĩ gì về hành động của mình? “Tôi chơi nhạc cho Carla nghe – để chứng tỏ với bà ấy là tôi yêu bà ấy biết nhường nào và tôi muốn cám ơn bà ấy vì tất cả những gì bà ấy đã trao cho tôi”, ông Bozzini nói. “Tôi không thể gặp bà ấy trong bệnh viện, vì vậy tôi ra sân sau với cây đàn accordion này – trái tim tôi nói tôi tới đó. Sau khi nghe thấy tiếng nhạc, bà ấy đã mở cửa sổ, vì vậy ít nhất là tôi đã có thể thấy bà ấy”.

Khúc nhạc đầu tiên ông chơi là Spanish Eyes (Cặp mắt Tây Ban Nha) – một sáng tác ban đầu cho dàn nhạc nhỏ mang tên Moon Over Naples (Trăng chiếu Naples) do Bert Kaempfert sáng tác năm 1965 dựa trên giai điệu dân ca Paraguay và sau đó được đặt lời thành bài hát Spanish Eyes do ca sĩ Freddy Quinn hát. “Bà ấy rất yêu thích giai điệu bài hát này và tôi thường chơi nó trong mọi lúc chúng tôi ở nhà”, ông kể. “Tôi còn chơi những bài mà mọi người vẫn thường quen thuộc, bài nọ nối tiếp bài kia, tôi không thể dừng lại… Rất nhiều người đang điều trị trong bệnh viện cũng bước ra khỏi giường bệnh và ngó qua các cửa sổ”.

Bà Carla, 74 tuổi, ra viện vào đầu tuần này, sau khi mất tới 10 ngày ở lại viện để thực hiện các xét nghiệm xem có phải mắc ung thư hay không. Bệnh viện ở Castel San Giovanni không điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhưng những người tới thăm bệnh nhân đều bị cấm vì e ngại họ mang virus tới.

“Họ nói hãy chờ đem bà ấy về nhà bằng xe cứu thương, tôi nói không. Tôi đến để được gặp bà ấy ngay. Chúng tôi đã ở bên nhau cả cuộc đời. Căn bệnh bà ấy mang có thể rất nghiêm trọng và cần được điều trị trong một bệnh viện đặc biệt”.

Bozzini, một quân nhân của bộ binh vùng núi Alpini của quân đội Ý về hưu, đội một chiếc mũ Cappello Alpino, chiếc mũ màu xanh lá cây đặc biệt gắn lông quạ ở bên. Ông được mọi người đặt biệt hiệu là “Gianni Morandi”, một ca sĩ người Ý nổi tiếng từng bán được 50 triệu bản thu âm, bởi ông không thể ngừng chơi đàn accordion. “Tôi yêu âm nhạc và khi tôi kéo accordion, nó mang lại niềm vui và hạnh phúc ở khắp muôn nơi”, ông nói. “Những gì đang diễn ra trên thế giới này thật khủng khiếp và chúng ta cần âm nhạc để vực dậy tinh thần”.

Hai vợ chồng ông gặp nhau khi mới ngoài đôi mươi và kết hôn được 47 năm. Họ có ba mặt con nhưng người con út của họ đã chết vì ung thư ở tuổi 25.

Castel San Giovanni, nơi họ sống gần với Lombardy, vùng đang rơi vào tình cảnh tồi tệ vì coronavirus. “Chúng tôi cố gắng chịu đựng và ở nhà càng nhiều càng tốt để tránh hiểm nguy vì Covid,” Bozzini nói. “Nhưng điều quan trọng là cần nhìn nhận mọi thứ bằng đôi mắt và trái tim mình, sau đó cố gắng giúp đỡ mọi người càng nhiều càng tốt”.

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.