You are here

Câu chuyện xót thương về ông tổ nghề hát xẩm Trần Quốc Đĩnh

Tác giả: 
Thế Sơn

Xẩm được coi là loại hình dân ca Việt Nam, tồn tại từ lâu đời. Sử sách cho rằng, ông tổ nghề hát xẩm là Trần Quốc Đĩnh. Câu chuyện kể về ông khiến hậu thế phải xót thương.

Xẩm được coi là loại hình dân ca Việt Nam, tồn tại từ lâu đời. Ảnh internet

Hát xẩm cùng với chèo được xếp vào loại “trung ca” vì lối hát không mạnh mẽ, lời lẽ cũng thường dùng là nói về trung nghĩa, hiếu đạo, nêu gương... Tuồng là “võ ca”, còn ca trù là “văn ca”.

Từ xa xưa, xẩm được nhiều người bình dân hát ở chợ, chốn đông người để mưu sinh. Sau dần được sân khấu hoá, dùng lời thơ, thường là thể thơ lục bát. Xẩm xuất hiện từ thế kỷ XIV, đàn nhị và sênh tiền được coi là bộ nhạc cụ đơn giản để hát xẩm. NSƯT Hà Thị Cầu (Ninh Bình) được coi là “Người hát xẩm cuối cùng của thế kỉ XX”.

Xẩm ngày nay đang được nhiều nhóm xẩm có tiếng vực dậy và phổ biến sâu rộng hơn. Thế nhưng, về loại hình nghệ thuật độc đáo này, chắc không nhiều người biết về ông tổ nghề hát xẩm Trần Quốc Đĩnh phải trải qua một quãng thời gian bi đát như thế nào.

Có tài liệu viết: “Đời nhà Trần, vua cha Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù lòa nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gảy bằng que nứa.

Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị.

Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua cho mời ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình, nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung”.

Còn Nhạc sĩ Thao Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Âm nhạc Nghệ thuật Việt Nam kể lại trên báo Kiến thức: "Theo truyền thuyết ghi lại nghề hát xẩm ra đời từ thời nhà Trần cách đây hơn 700 năm, ông tổ nghề là Thái tử Trần Quốc Đĩnh. Trước đó Trần Quốc Đĩnh và anh trai Trần Quốc Toán xảy ra mẫu thuẫn trong quá trình phân chia quyền lực. Thái tử Trần Quốc Đĩnh bị anh trai dụ vào rừng sâu rồi dùng chiếc gương soi vào mắt, chiếc gương phát ra độc tố khiến mắt của Thái tử bị mù. Trần Quốc Đĩnh bỏ em trai giữa rừng thiêng nước độc".

Tuy nhiên, có tài liệu chép: "Theo chính sử thì vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử tên Đĩnh hay Toán. Thái tử con vua Thánh Tông tên là Khảm, sau lên ngôi là vua Nhân Tông; một người con nữa là Tả Thiên vương. Vì vậy nguồn gốc hát xẩm là dựa trên thánh tích chứ không truy được ra trong chính sử".

Ngày nay, Trần Quốc Đĩnh được lấy tên cho Giải thưởng mang tên ông tổ nghề đàn hát dân gian, dành riêng cho thể loại âm nhạc truyền thống và được Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam khai sinh vào ngày 29-3 (ngày giỗ tổ hát xẩm).

Được biết, Liên hoan hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc - Ninh Bình năm 2019 đã diễn ra từ ngày 3-5/12/2019 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ thuộc 15 câu lạc bộ hát Xẩm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp HCM, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Sau đó, Ban tổ chức có kế hoạch xây dựng những điều kiện để làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

(Nguồn: https://vanhoavaphattrien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.