You are here

Beethoven: Giao hưởng số 4

Tác giả: 
Ngọc Tú (tổng hợp)

Tác giả: Ludwig van Beethoven.
Tác phẩm: Giao hưởng số 4 giọng Si giáng trưởng, Op. 60
Thời gian sáng tác: Năm 1806.
Công diễn lần đầu: Ngày 3/4/1808 tại Burgtheater, Vienna. Trước đó vào ngày 15/3/1807 đã có một buổi biểu diễn mang tính chất riêng tư tại lâu đài của hoàng thân Lobkowitz.
Độ dài: Khoảng 32-35 phút.
Đề tặng: Tác phẩm đề tặng bá tước Franz von Oppersdorff.
Cấu trúc tác phẩm:
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I – Adagio – Allegro vivace
Chương II – Adagio
Chương III – Allegro vivace
Chương IV – Allegro ma non troppo
Thành phần dàn nhạc: flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Schumann đã gọi Giao hưởng số 4 của Beethoven là “thiếu nữ Hy Lạp mảnh mai giữa hai gã khổng lồ Bắc Âu”. Thật vậy, kẹp giữa Giao hưởng số 3 “Eroica” anh hùng ca và bản số 5 toả ra một sức mạnh khổng lồ, bản số 4 mang một vẻ trữ tình và thư thái hơn. Đúng như Berlioz đã nhận xét: “Ở đây, Beethoven hoàn toàn bỏ qua những lời tụng ca hay than khóc, để trở lại với phong cách nhẹ nhàng và trầm lắng, nhưng không kém phần khó khăn hơn, với phong cách của bản giao hưởng số 2. Tính chất đặc trưng của tác phẩm này là sự sống động, hoạt bát, vui vẻ hoặc ngọt ngào”. Ngay cả khi có một chủ nghĩa Cổ điển ngự trị, bản giao hưởng số 4 vẫn mang một sức sống riêng biệt, chứa đựng sự hài hước và tinh nghịch thú vị. Bên cạnh đó, trong bản giao hưởng này có ẩn chứa một số đặc điểm mà ta cũng có thể nhận biết được trong bản số 5 sau đó.

Beethoven đã bị thúc ép về mặt tài chính khi viết Giao hưởng số 4, cố gắng trang trải các chi phí của mình cũng như các khoản nợ chồng chất của người thân. Cuối mùa hè năm 1806, Beethoven cùng với người bảo trợ của mình là Hoàng thân Lichnowsky đến Silesia. Ở đó, họ đã đến thăm bá tước Franz von Oppersdorf, người sở hữu một dàn nhạc tư nhân nhỏ tại lâu đài của mình. Oppersdorf nhiệt tình với âm nhạc đến mức yêu cầu tất cả nhân viên của mình phải chơi một nhạc cụ và ông đã rất vui khi giúp Lichnowsky và Beethoven giải trí bằng cách để các nhạc công biểu diễn Giao hưởng số 2 của nhà soạn nhạc.

Nhiều nguồn tin cho rằng bá tước đã đề nghị một bản giao hưởng mới và Beethoven đã nhận lời. Beethoven tạm dừng công việc sáng tác bản giao hưởng thứ năm của mình, đang trong quá trình thực hiện, để tập trung cho bản thứ tư mà ông dành tặng bá tước Oppersdorf (Beethoven vẫn luôn có thói quen sáng tác đồng thời nhiều tác phẩm). Đổi lại, ông nhận được 500 florin, một khoản tiền đáng kể vào thời điểm đó. Nhưng việc kiểm tra cẩn thận các tài liệu còn sót lại cho thấy về cơ bản, Beethoven đã hoàn thành tác phẩm này trước khi ông khởi hành, vì vậy ông viết nó đơn giản vì ông muốn hơn là “làm thuê”.

Phân tích

Chương I

Chương I bản giao hưởng bắt đầu với một giai điệu chậm rãi, bí ẩn ở giọng Si giáng thứ. Phần Adagio giới thiệu này khá tương đồng với cách mà người thầy của ông, Haydn đã sử dụng trong bản giao hưởng số 102 có cùng giọng. Beethoven tránh sử dụng chủ âm trong 42 ô nhịp đầu tiên, âm nhạc chuyển đổi từ Si giáng thứ sang Son giáng trưởng và Son giáng thứ. Carl Maria von Weber đã mỉa mai phần giới thiệu này: “Cứ mỗi phần tư giờ, tôi lại nghe thấy 3 hoặc 4 nốt nhạc”. Tuy nhiên, không khí u ám sớm bị xua tan với một chủ đề sôi nổi ở giọng chính Si giáng trưởng. Âm nhạc vui tươi, dí dỏm nhưng cũng đầy kịch tính. Một sự chuyển đổi hoa mỹ dẫn tới chủ đề 2 tương phản, được bắt đầu với kèn gỗ chuyển motif ở phần đầu từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác. Chủ đề thứ 3 dưới hình thức canon xuất hiện giữa clarinet và bassoon trước khi một đoạn nhạc bùng nổ kết thúc phần trình bày. Trừ đoạn giới thiệu chậm ban đầu, những chủ đề này được lặp lại, dẫn tới phần phát triển mềm mại và dịu dàng hơn. Những đoạn nhạc trữ tình, giàu biểu cảm dần nhường chỗ cho sự dữ dội, âm nhạc trở nên cuồng nhiệt hơn. Dần dần, các motif rời rạc này có cường độ tăng dần, lặp lại các chủ đề chính dẫn tới một coda không thể cưỡng lại, khép lại chương nhạc.

Chương II

Chương II chậm ở giọng Mi giáng trưởng là một trong những sáng tác kỳ lạ nhất của Beethoven. Motif nhịp điệu bắt đầu giống như nhịp đập của trái tim và được lặp lại thường xuyên trong suốt chương nhạc. Nhịp điệu này được kết hợp với một giai điệu violin đầy khao khát sau đó, với ghi chú cantabile (có thể hát lên) được nhà âm nhạc học Sir George Grove đánh giá rằng là nét nhạc đa tình nhất của nhà soạn nhạc. Sau đoạn chuyển đổi kịch liệt, chủ đề cantabile thứ hai xuất hiện trên clarinet độc tấu. Một giai điệu dường như là biến tấu của chủ đề đầu tiên trở thành đoạn phát triển, mạnh mẽ hơn. Chủ đề đầu tiên trở lại dưới một đoạn flute độc tấu. Sau khi lặp lại các ý tưởng chính, chương nhạc khép lại với màn độc tấu timpani đáng yêu nhất của Beethoven.

Chương III

Chương III dường như là sự kết hợp giữa Minuet và scherzo, với phần trio được chơi hai lần, chia chương nhạc thành 5 phần thay vì 3 như thường lệ. Âm nhạc mở đầu với sự thay đổi nhịp điệu và tâm trạng đột ngột. Phần trio lại mang đến sự nhẹ nhàng hơn qua tiếng kèn gỗ. Sau khi phần mở đầu trở lại, âm nhạc trở nên bất ngờ và khó lường hơn.

Chương IV

Chương IV bắt đầu với chủ đề perpetuum mobile, nhanh đến mức không thể tưởng tượng nổi diễn ra trên violin. Sau đó là một chủ đề trữ tình hơn trên kèn gỗ. Những chủ đề này được lặp lại, chương nhạc bắt đầu phần phát triển với việc Beethoven để chủ đề perpetuum mobile được chơi ở âm vực cao hơn. Một loạt các câu nhạc thú vị dẫn đến một cao trào mạnh mẽ trước khi các chủ đề chính được tái hiện. Những gì hài hước, tinh nghịch nhất của Beethoven được để dành cho phần kết của bản giao hưởng này.

Bản giao hưởng số 4 của Beethoven là một tác phẩm vui vẻ, duyên dáng và vô cùng đáng yêu. Nó không hề nhẹ về mặt chất lượng, chỉ về mặt tâm trạng và bản nhạc cũng đồng thời tiết lộ cho chúng ta thấy một khía cạnh khác, hài hước và tinh nghịch trong tính cách của nhà soạn nhạc. Một nhà phê bình đã nhận xét: “Không có từ ngữ nào có thể miêu tả được tinh thần sâu sắc và mạnh mẽ của tác phẩm này từ thời kỳ tươi đẹp nhất và trước đó của ông”.

Xem tác phẩm Symphony No. 4 in B flat major, Op. 60 của Beethoven:

https://www.youtube.com/watch?v=7fQ2OWWzHZ8&ab_channel=CompiledClassical...

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.