You are here

Âm vang những bài ca xuân

Tác giả: 
Thôn Ca

Ngay từ khi mới hình thành nền tân nhạc Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945), nhiều ca khúc viết về mùa xuân đã ra đời, được công chúng đón nhận. Đó là những “Đàn xuân” (Lê Thương), “Xuân về” (Hoàng Quý), “Xuân tươi” (Dương Thiệu Tước), “Xuân họp mặt” (Văn Phụng), “Mộng chiều xuân” (Ngọc Bích), “Ly rượu vàng”, “Đón xuân”, “Xuân tha hương” (Phạm Đình Chương) và đặc biệt là bài “Xuân và tuổi trẻ” (La Hối) được công chúng rất ưa thích.

Hầu như nhạc sĩ nào trong đời sáng tác của mình cũng ít nhất có một bài hát về mùa xuân. Ngoài trường hợp như Phạm Đình Chương có tới ba bài như đã nói, cũng có những nhạc sĩ viết cả một “sê-ri” nhiều bài gắn với những thời điểm lịch sử khác nhau, ví như Trần Hoàn với Tiếng chim mùa xuân, Tình ca mùa xuân, Một mùa xuân nho nhỏ, Tiếng cồng mùa xuân. Hồ Bắc cũng là một nhạc sĩ có nhiều bài hát hay liên quan đến mùa xuân: Mùa xuân với ông lão xã viên, Tiếng hát người trồng hoa, Giữ mãi tuổi xuân, Mùa xuân qua Trường Sơn, Hoa hồng trên điểm tựa, Hát dưới cây đào Tô Hiệu. Nguyễn Đình San có năm bài: Âm vang mùa xuân, Tình ca mùa xuân, Khúc quân hành mùa xuân, Mùa xuân khát, Khúc ru mùa xuân. Những nhạc sĩ có vài ba bài lấy cảm hứng từ mùa xuân không kể xiết.

Số lượng bài hát về mùa xuân trong suốt hơn nửa thế kỷ qua phải tới hàng ngàn. Nhưng đọng lại trong lòng công chúng đến hôm nay có thể kể tới một số bài tiêu biểu: Thật là khó nói (Phan Huỳnh Điểu), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh), Xuân chiến khuMùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Cùng hành quân giữa mùa xuân (Cẩm La), Một mùa xuân nho nhỏ, Tình ca mùa xuân (Trần Hoàn), Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao), Tiếng đàn mùa xuân (Cao Việt Bách), Mùa xuân – tiếng đàn (Hoàng Hải), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Hơi thở mùa xuân (Dương Thụ), Mùa xuân gọi (Trần Tiến), Mùa xuân đến rồi đó (Trần Chung), Mùa xuân chim én bay (Hoàng Hiệp), Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu), Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân), Lời ca gửi noọng (Nguyễn Tài Tuệ), Tiếng hát giữa rừng hoa ban (Cầm Phong), Khúc ru mùa xuân, Khúc quân hành mùa xuân (Nguyễn Đình San), Sông Đắc Kroong mùa xuân về (Tố Hải)…

Một bài hát ra đời trong kháng chiến chống Pháp liên quan đến mùa xuân được rất đông công chúng ưa thích là Nụ cười sơn cước của Tô Hải: “Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi…” Một kỷ niệm riêng tư của chàng trai với một cô gái miền sơn cước thật trong sáng, hồn nhiên khiến ai nghe cũng thấy man mác, bâng khuâng, thiết tha yêu đời. Tiết tấu valse tạo sự uyển chuyển, nhẹ nhàng cho giai điệu như tâm hồn lâng lâng của người trong cuộc vậy.

Thanh bình nhất, êm ả nhất và cũng thật diễm lệ một mùa xuân đã bừng lên khắp núi rừng Tây Bắc khi nơi đây không còn bóng giặc, chỉ còn trai gái yêu nhau giữa bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng: “Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa mai mừng đón xuân về. Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa…”. Nghe đoạn mở đầu bài hát này, người ta dễ liên tưởng đến hai câu thơ miêu tả mùa xuân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng, điểm một vài bông hoa”.

Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh là một trong những ca khúc hay nhất viết về mùa xuân, trở nên rất nổi tiếng đã mở ra một thời kỳ dựng xây hòa bình với sức sống thanh xuân tràn ngập khắp Tổ quốc ta. Một bài tình ca đặc sắc kết hợp được những chất liêụ âm nhạc dân gian vùng núi rừng Tây Bắc với bút pháp hiện đại. Nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh chỉ để laị một ca khúc trong đời, nhưng đến nay quả là vẫn chưa có bài hát nào viết về tình yêu trai gái vùng Tây Bắc vượt qua đựơc Tình ca Tây Bắc của ông. Sức quyến rũ của giai điệu với việc tả tình, tả cảnh tinh tế, sinh động đã khiến người nghe không còn để ý đến chút rườm rà của ca khúc (viết ở thể 3 đoạn).

"Tình ca Tây Bắc" của Bùi Đức Hạnh là một trong những ca khúc hay nhất viết về mùa xuân, trở nên rất nổi tiếng đã mở ra một thời kỳ dựng xây hòa bình với sức sống thanh xuân tràn ngập khắp Tổ quốc ta.

Cảm hứng mùa xuân đã xuất hiện trong tất cả những bài hát với hai chủ thể: cái ta và cái tôi trữ tình. Tuy cái tôi trong rất nhiều bài gắn với việc biểu hiện tình yêu đôi lứa nhưng đã hoà quyện trong cái ta, chứ không ích kỷ, quá riêng tây. Đó là môt đặc điểm rất cao quý ở những bài tình ca gắn với mùa xuân mà các nhạc sĩ đã sáng tác: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó, xúc động lòng ta trước cuộc đời” (Mùa xuân đến rồi đó - Trần Chung). Ái tình dĩ nhiên là cõi rất riêng tư. Nhưng tình yêu cao cả chỉ có thể vững bền, đơm hoa kết trái khi cả hai người ý thức đươc sự gắn bó với cộng đồng. Thật cảm động lời họ trao gửi cho nhau: “… Và chúng mình yêu nhau bắt đầu từ độ ấy. Em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương. Và anh lại ra đi vui như ngày hội. Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa” (Tình ca mùa xuân -Trần Hoàn).

Điều khá đặc biệt và thú vị là số lượng những bài hát hay, có giá trị viết về mùa xuân có chủ thể là ta chiếm tỉ lệ nhiều hơn những bài có chủ thể là tôi và sự thật công chúng nhiều thế hệ có phần hào hứng đón nhận những bài có âm điệu vui tươi, sôi nổi hoặc lắng đọng nhưng nói đến cái ta nhiều hơn. Ví như các bài Chào anh giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân), Cùng hành quân giữa mùa xuân (Cẩm La), Khúc quân hành mùa xuân (Nguyễn Đình San).

Đặc biệt có một bài tôi cho là viết về mùa xuân thật sâu sắc, đó là Một mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn, phổ thơ Thanh Hải. Bài hát thâm trầm, lắng đọng, da diết, giãi bày tâm trạng của con người trước mùa xuân - một tâm trạng không ồn ào, náo nhiệt mà rất nhiều trăn trở, khát vọng, thật khiêm nhường nhưng lớn lao, cao cả: “Ta làm con chim hót, ta làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến, ta biến trong hoà ca…”.

Xuân Hồng là một nhạc sĩ có nhiều đóng góp đáng kể. Trong khối lượng đồ sộ những ca khúc cách mạng của ông, ít nhất có ba bài viết về mùa xuân đặc sắc: Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí MinhMùa xuân bên cửa sổ. Ba ca khúc với ba tính chất, phong cách khác hẳn nhau. Bài thứ nhất nói đến mùa xuân nơi chiến khu, khi cuộc kháng chiến còn cam go, gian khổ thì giai điệu lại vui tươi, rất hồn nhiên, trong sáng: “Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót líu lo…”.

Bài thứ hai nói về mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh đã được giải phóng, đã quét sạch bóng quân thù mà nghe lại thấy bùi ngùi, bồi hồi. Vâng. Đây là niềm vui quá lớn, quá bất ngờ, như trong mơ, vui mà cảm động đến rơi nước mắt: “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh. Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào. Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào. Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau, xa ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…”. Còn bài thứ ba dành cho những người đang yêu với giai điệu đầy quyến rũ, lãng mạn nhưng không kém phần sâu sắc. Chỉ riêng với ba ca khúc này, Xuân Hồng đã xứng đáng dành trọn tình cảm của công chúng.

Lại có những bài hát chỉ sử dụng mùa xuân như một bối cảnh để đề cập đến nhiều nội dung khác. Hồ Bắc với các bài: Mùa xuân qua Trường Sơn, Tiếng hát người trồng hoa, Bến cảng quê hương tôi. Và Hoàng Vân với Thành phố chúng ta, nhà máy chúng ta ở vào trường hợp này. Bài hát cuả Hoàng Vân là ca khúc đầu tiên viết về Hải Phòng trong cuộc sống hoà bình xây dựng được người dân đất cảng ưa thích: “Trên sông Cấm khi sương tan, đàn cò trắng bay sang ngang là khi lúc ta vui mừng đón xuân sang. Bao chim én đưa tin vui báo tin kế hoạch đã hoàn thành…”.

Trong một năm, mùa xuân là khoảng thời gian khiến con người có nhiều tâm trạng nhất. Kết thúc một năm cũ với mọi thứ khép lại để mở ra một năm mới với bao điều hy vọng cùng nhiều nỗi niềm trăn trở, băn khoăn. Sự phong phú ấy đã được thể hiện rõ qua âm hưởng của những bài ca xuân. Có lẽ chỉ ngoại trừ trường hợp Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng của Hoàng Vân là có tiết tấu dồn dập, sôi nổi, khẩn trương, náo nhiệt bởi vì tác giả cần diễn tả không khí ào ào như thác đổ của những đoàn quân đang đại thắng, còn thì hầu hết các bài đều phảng phất chút trầm lắng, suy tư.

Ngay cả bài Xuân chiến khu của Xuân Hồng được tác giả sáng tác năm 1963 - chỉ ít năm sau ngày ra đời Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam như đã nói là có tính chất vui tươi, nhí nhảnh. Nhưng sang đến đoạn B của bài, giai điệu cũng dịu đi, lắng lại, thể hiện chút bâng khuâng giữa mùa xuân: Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi, chào anh bộ đội thêm một tuổi đời….

Mùa xuân dễ đem cảm hứng đến cho người sáng tác. Nhưng biểu hiện sinh động mọi sắc thái thiên nhiên và lòng người ở thời khắc này trong bài hát lại không dễ dàng. Làm sao đây để viết về mùa xuân mới mẻ, không lặp lại những gì đã có? Mới hay, sáng tác bài hát về mùa xuân vẫn luôn là một thử thách lớn, đòi hỏi giới nhạc sĩ luôn phải tìm tòi, sáng tạo không ngừng./.

(Nguồn: https://arttimes.vn/)

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.