You are here

Âm nhạc với Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2021

Tác giả: 
Thanh Nhã

Sáng 15 tháng 1 năm 2022, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2021 cho các tác giả đạt giải.

Đến dự chương trình có: đồng chĩ Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng chí Phạm Tất Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Khánh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ X, và các nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng đông đảo khán giả và cơ quan báo chí đến dự và tuyên truyền.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2021, có 55/63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phổ gửi tác phẩm tham dự. Ban tổ chức đã nhận được 09 tác phẩm có giá trị xuất sắc của 09 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; nhận được 375 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc 55 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi xét giải thưởng: Thơ (52 tác phẩm), Văn xuôi (61 tác phẩm), Lý luận phê bình văn học (08 tác phẩm), Mỹ thuật (94 tác phẩm), Nhiếp ảnh (70 tác phẩm), Điện ảnh (10 tác phẩm), Âm nhạc (59 tác phẩm), Múa (06 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (10 tác phẩm), Sân khấu (05 tác phẩm).

Kết quả:

- Với 375 tác phẩm của 55 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố có 31 Hội có giải. Có 62 tác phẩm đạt giải (03 giải A, 14 giải B, 16 giải C, 27 giải Khuyến khích và 02 giải dành cho Tác giả Trẻ). Giải thưởng phân bố trong các chuyên ngành như sau: Văn học (26 tác phẩm), Mỹ thuật (11 tác phẩm), Âm nhạc (06 tác phẩm), Điện ảnh (02 tác phẩm), Kiến trúc (02 tác phẩm), Nhiếp ảnh (09 tác phẩm), Múa (02 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (04 tác phẩm).

- 09 Giải thưởng cho tác giả xuất sắc của 09 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

- 62 Giải cho tác giả là hội viên các Hội VHNT tỉnh, thành phố.

- 01 Giải xuất sắc về đề tài phòng chống dịch Covid-19 cho Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc.                 

Chuyên ngành Âm nhạc:

Năm 2021 có 64 tác phẩm của 64 tác giả dự xét giải. Toàn bộ các tác phẩm tham dự xét giải thuộc thể loại ca khúc kèm theo đĩa CD. Căn cứ quy chế dự giải 2021, có 51 tác phẩm hợp lệ, 13 tác phẩm không hợp lệ (tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Hội đồng thẩm định gồm: Nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên: Nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhạc sĩ Đinh Công Thuận – Ủy viên Ban Chấp hành Hội.

Hội đồng thẩm định đã có nhận xét đánh giá: Nhìn chung các ca khúc dự thi chưa có nhiều điểm mới nổi trội. Cách viết còn cũ, chung chung. Có những tác phẩm được đoạn đầu thì đoạn sau còn tản mạn, chưa sâu sắc và cô đọng, nên chất lượng chưa cao, ngôn ngữ nghệ thuật ít sáng tạo, không có phát hiện mới.

Tuy nhiên cũng có những tác phẩm nổi bật như: Ca khúc “Cánh chim Việt Bắc” của Lê Anh Hà (Nghệ An), chất liệu dân gian tốt, nhưng chưa phát triển được rộng mở; ca khúc “Xây dựng nông thôn mới” của Bùi Thanh Tú, có phong cách thịnh hành, nhưng chưa tạo được dấu ấn riêng; ca khúc “Ơn mẹ” có cảm xúc trong giai điệu, lời ca, nhưng chưa phát triển tốt, cần tạo cảm xúc dạt dào ở phần điệp khúc; ca khúc “Đây con đường Việt Nam” của Lê Tâm (Hà Tĩnh), giai điệu còn cũ, quen thuộc, chưa có điểm nhấn; ca khúc “Trăng không bỏ bản”, phần đầu rất tốt, sau bị dàn trải và đồng điệu.

Sách “Mỗi ngày một điều hay” của Lê Trọng Nghĩa (Bình Định), có nhiều công sức đầu tư sáng tạo, nhất là chất hồn nhiên của trẻ thơ trong âm nhạc, nhưng còn hạn chế về bút pháp.

Hội đồng thẩm định đã làm việc qua các vòng sơ khảo, chung khảo, chọn được 6 tác phẩm có chất lượng tốt để Ban tổ chức trao giải thưởng: 02 Giải B; 02 giải C; 02 giải Khuyến khích:

02 Giải B:

1. Ca khúc “Cánh chim Việt Bắc”, tác giả: Lê Anh Hà (Nghệ An).

2. “Mỗi ngày một điều hay” - Tập ca khúc 50 ca khúc thiếu nhi, tác giả: Lê Trọng Nghĩa (Bình Định).

02 Giải C:

1. Ca khúc “Xây dựng nông thôn mới”, tác giả: Bùi Thanh Tú (Tây Ninh).

2. Ca khúc “Ơn mẹ”, nhạc: Nguyễn Khắc Hiển, thơ: Vũ Tuấn Anh.

02 Giải Khuyến khích:

1. Ca khúc “Đây con đường Việt Nam” tác giả: Lê Tâm (Hà Tĩnh).

2. Ca khúc “Trăng không bỏ bản”, tác giả: Bằng Ái Thơ (Hà Nội). 

01 Giải thưởng xuất sắc cho tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương: Tác phẩm “Đẹp nhất bông sen”, sáng tác: Trương Quang Lục (TP. Hồ Chí Minh). Nội dung tác phẩm nói lên tình cảm tha thiết của thiếu nhi với Bác Hồ kính yêu, vừa để ngợi ca, vừa như tự nhắc nhủ nguyện làm theo lời Bác dạy. Cấu trúc tác phẩm ngắn gọn, súc tích. Đoạn 1 là giai điệu mang âm hưởng nhẹ nhàng trong sáng, mang tính tự sự và ngợi ca. Đoạn 2 tiết tấu rộn ràng, vui tươi, tạo sự cuốn hút, được lặp lại nhiều lần như sự khẳng định lời Bác dạy luôn được khắc sâu trong tâm trí các thế hệ thiểu niên nhi đồng Việt Nam.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã có nhận xét, đánh giá:

Cho đến năm nay (năm 2022), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam) đã trải qua chặng đường dài 74 năm, gắn bó với đất nước anh hùng, đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân trên những cột mốc lịch sử vẻ vang của dân tộc. Các chiến sĩ văn hóa văn nghệ trên cương vị chính trị, xã hội - nghề nghiệp của mình đã góp phần xứng đáng để “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - như lời Bác Hồ đã dạy tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất - 24/11/1946.       

Kể từ Giải thưởng lần thứ nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1952) trao tặng các tác phẩm văn nghệ tiêu biểu thuộc các thể loại: Truyện và ký sự; thơ; bài hát; kịch; văn học dịch và hội họa đến nay Giải thưởng Văn nghệ Việt Nam đã tròn 70 năm. Một mốc son lịch sử, quan trọng đáng ghi nhớ và tự hào.

Những năm đầu, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, đất nước tạm thời chia cắt, giải thưởng văn nghệ toàn quốc Việt Nam không có điều kiện tổ chức thường niên. Chỉ từ khi đất nước thống nhất, công cuộc Đối mới được mở ra, được sự quan tâm và hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã thực hiện định kỳ hàng năm xét và trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm thuộc đủ các chuyên ngành văn học nghệ thuật: văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số... Đối tượng xét giải là tác phẩm của văn nghệ sĩ hội viên các Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố, do 63 Hội địa phương đề xuất giới thiệu. Giải thưởng còn dành để tôn vinh 01 tác phẩm xuất sắc trong năm của mỗi Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Các tác phẩm được gửi lên để Hội đồng Giải thưởng của Liên hiệp xét tặng và trao giải.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng hàng năm là loại Giải thưởng tầm cỡ quốc gia, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo văn nghệ sĩ. Năm 2021, tròn 35 năm thực hiện sự nghiệp Đổi mới vĩ đại, trong bối cảnh quốc tế còn phức tạp, đất nước ta phải gồng mình lên chống đại dịch Covid-19, nhưng các văn nghệ sĩ thuộc các thế hệ trên mọi miền đất nước vẫn hăng hái, tâm huyết sáng tác những tác phẩm có chất lượng cao phục vụ công chúng, bạn đọc, vì Nhân dân, cho hôm nay và mai  sau, cho cả bạn bè quốc tế nữa.         

Với 73 tác phẩm có chất lượng cao của các tác giả, từ nhiều tỉnh, thành tham dự, Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2021 lần này là bó hoa xuân lộng lẫy sắc màu đón chào năm mới 2022, đánh dấu mốc son tròn 70 năm Giải thưởng lần thứ nhất Hội Văn nghệ Việt Nam (1952).

Qua mỗi mùa giải thưởng, chúng ta phấn đấu nâng cao chất lượng,  coi trọng tính chuyên nghiệp, để giải thưởng trở thành danh giá và vinh dự của giới Văn học nghệ thuật. Giải thưởng còn thể hiện khát vọng của văn nghệ sĩ góp phần xứng đáng cùng toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới Việt Nam - nguồn nội lực quan trọng nhất của sự phát triển đất nước, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Một số tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ đã được biểu diễn tại chương trình:

“Tổ quốc yêu thương”, nhạc và lời: Trương Quang Lục, biểu diễn: Song ca nam nữ và tốp thiếu nhi quận Ba Đình

“Hùng vĩ trái tim Việt Nam”, sáng tác: Nguyễn Như Thắng, biểu diễn: ca sĩ Đông Hùng

“Tây Bắc vào xuân”, biểu diễn: Tam ca nữ

ĐĂNG BÌNH LUẬN

CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.